Châu Âu “khát” vũ khí

(ĐTTCO) - Các tập đoàn sản xuất vũ khí của Mỹ cho biết nhu cầu của châu Âu đối với máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa và các vũ khí khác đang tăng nhanh trong bối cảnh mà họ cho là “mối lo ngại ngày càng tăng của Nga và Iran”. 

Theo Reuters, Chính phủ Mỹ đã cử một nhóm các quan chức cấp cao trong đó có Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đến Hội chợ hàng không Paris vừa kết thúc hôm 23-6, nơi gần 400 công ty Mỹ trưng bày nhiều loại máy bay chiến đấu kèm vũ khí hiện đại khác. Lockheed Martin, Boeing và các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu khác của Mỹ đã nhận thấy nhu cầu về vũ khí của Mỹ tăng nhanh tại triển lãm hàng không diễn ra 2 năm một lần này, bất chấp căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và châu Âu.

Theo ông Rick Edwards, người đứng đầu bộ phận quốc tế của Tập đoàn Lockheed, 2 kỳ hội chợ trước rất ít đơn đặt hàng từ châu Âu, nhưng giờ đây châu lục này trở thành khách hàng lớn nhất thế giới của Lockheed. Nhiều quốc gia châu Âu đã tăng chi tiêu quân sự kể từ khi Nga sáp nhập khu vực Crimea vào năm 2014, trong đó nhiều nhất là tăng cường phòng thủ tên lửa và nâng cấp hoặc thay thế các đội máy bay chiến đấu già cỗi. Năm 2014, các thành viên NATO đã đồng ý tiến tới chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng. Điều này cũng góp phần làm tăng thu nhập của các tập đoàn vũ khí Mỹ. 

Theo người đứng đầu Hiệp hội Hàng không châu Âu, ông Eric Fanning, mối quan tâm ngày càng tăng về chương trình phát triển tên lửa Iran là một yếu tố quan trọng khác. Nếu không có việc Iran bắn rơi một máy bay không người lái (drone) của Mỹ xảy ra khi Hội chợ hàng không Paris sắp kết thúc, đơn đặt hàng vũ khí Mỹ sẽ tăng thêm. Một trong các quan chức ngành công nghiệp vũ khí Mỹ ví von: “Iran là đối tác phát triển kinh doanh tốt nhất của chúng tôi. Mỗi khi họ làm điều gì đó như kiểu bắn hạ drone Mỹ, càng nâng cao nhận thức về mối đe dọa dẫn đến đơn đặt hàng vũ khí gia tăng”.

Sau Bỉ, Ba Lan đã đặt hàng máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lockheed. Trong khi Bulgaria, Slovakia và Romania cũng đang trong quá trình thay thế các thiết bị thời Liên Xô. Ông Edwards và các giám đốc điều hành khác không thấy tác động nào từ các tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Liên minh châu Âu.

Trung tướng quân đội Mỹ Charles Hooper, Giám đốc Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Lầu Năm Góc (DSCA), cho biết châu Âu chiếm gần 1/4 trong số 55,7 tỷ USD doanh số bán vũ khí nước ngoài mà cơ quan của ông xử lý trong năm tài khóa 2018. Còn Ralph Acaba, Chủ tịch kinh doanh của tập đoàn chuyên sản xuất hệ thống phòng thủ tích hợp Raytheon Co, tiết lộ công ty đang tăng cường sản xuất hệ thống tên lửa Patriot và các vũ khí khác.

“Bây giờ, châu Âu thực sự là đối tác rất lớn đối với chúng tôi, và đó là một sự thay đổi lớn chỉ trong vài năm qua, thậm chí là 18 tháng qua”, ông Ralph Acaba nói. Thomas Breckenridge, người đứng đầu bộ phận bán hàng quốc tế cho các chương trình tấn công, giám sát và di động của Boeing, đang chú ý đến các hợp đồng bán các máy bay chiến đấu Boeing F/A-18 Super Hornet tại Đức, Thụy Sĩ và Phần Lan.

Các tin khác