Châu Âu đối phó ô nhiễm môi trường

(ĐTTCO) - Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), 41 quốc gia ở khu vực châu Âu có 520.400 người chết do chất gây ô nhiễm không khí được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch hồi năm 2014, so với con số 550.000 của năm 2013. 

Dữ liệu thu thập được từ các trạm quan sát cho thấy 82% dân số thành thị của EU phơi nhiễm MP2,5 (hạt bụi trôi nổi có đường kính nhỏ hơn 2,5 µm - bụi mịn) trong năm 2015. Trong đó có 428.000 trường hợp tử vong liên quan trực tiếp tới bụi mịn.

Trước tình trạng này, Ủy ban châu Âu (EC) cam kết xử lý tình trạng ô nhiễm không khí và hỗ trợ các quốc gia thành viên cải thiện chất lượng không khí nằm trong tiêu chuẩn cao nhất. Theo thống kê, Anh xếp vị trí thứ 55 trong số 188 nước bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Ở Anh khoảng 8% hoặc 50.000 số trường hợp tử vong có liên quan đến ô nhiễm.
TS. Penny Woods, Tổ chức Nghiên cứu về Phổi (Anh), nhận định: "Ô nhiễm không khí ở Anh đang thuộc mức cao nhất trên thế giới. Anh là một trong số những nước phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm, cao hơn so với Hoa Kỳ và một số nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Bỉ. Phương tiện vận chuyển sử dụng dầu diesel là một trong những yếu tố gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Anh. Khí thải từ phương tiện vận chuyển sinh ra nhiều khí độc và bụi mịn, ảnh hưởng lên sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi".
Châu Âu đối phó ô nhiễm môi trường ảnh 1 Chính quyền TP Paris từng hạn chế tốc độ ô tô lưu thông để giảm thiểu ô nhiễm không khí. 
Mới đây, Bungaria đã bị Tòa án châu Âu kết tội không tuân thủ các quy định về bảo đảm chất lượng không khí. Đây được xem là biện pháp mạnh của châu Âu nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí ở lục địa già. Tòa án châu Âu đã yêu cầu Bungaria khẩn cấp đưa ra các giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, nếu không sẽ phải chịu các án phạt nghiêm khắc về tài chính. Phát ngôn viên phụ trách về môi trường của EC cho biết, khoản tiền phạt được tính căn cứ vào 3 yếu tố: Mức độ vi phạm quy định, khoảng thời gian vi phạm và điều kiện kinh tế của quốc gia đó tính dựa theo tổng thu nhập quốc nội.
Cũng trong báo cáo về chính sách môi trường của các nước thuộc EU, EC cảnh báo Italia có thể bị phạt tới 1 tỷ EUR vì đã để xảy ra tình trạng bụi mịn vượt ngưỡng an toàn của châu Âu. Theo báo cáo có tới 9 thành phố của Italia có mức độ ô nhiễm bụi mịn vượt ngưỡng cho phép. Báo cáo của EC khuyến nghị, Italia có thể đưa ra loại thuế áp dụng trên toàn quốc đối với các điểm chôn lấp rác thải nhằm giảm tình trạng chôn lấp rác thải. Nếu không tuân thủ được các tiêu chuẩn môi trường của EU, Italia chịu tiền phạt. Trước đó, năm 2015 Italia đã bị EU phạt 20 triệu EUR liên quan đến xử lý rác thải và nếu chậm áp dụng luật xử lý rác thải sẽ bị phạt thêm 120.000EUR/ngày.
Nhiều quốc gia châu Âu đang thúc đẩy giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí do EEA cảnh báo. Trong đó, chính quyền Anh đang có kế hoạch sử dụng 3 tỷ bảng để cải thiện chất lượng không khí và giảm phát thải nguy hại. Ông Mike Hawes, Hiệp hội Các nhà sản xuất và buôn bán ô tô Anh, cho biết: "Chúng tôi sẽ dừng việc buôn bán các loại xe sử dụng xăng và dầu diesel mới trước năm 2040. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phát hành ấn phẩm liên quan đến các đạo luật nhằm đương đầu với tình trạng ô nhiễm không khí. Những chiếc xe diesel được sản xuất mới nhất sẽ phải có phát thải thấp nhất trong lịch sử. Chúng tôi muốn cải thiện chất lượng không khí bằng việc áp dụng những công nghệ tối tân nhằm giảm phát thải đến mức thấp nhất".
Riêng tại thủ đô London, Văn phòng Thị trưởng đã áp dụng loại thuế mới T-charge đối với những phương tiện cũ và gây ô nhiễm môi trường. T-charge là một phần trong chiến dịch làm sạch không khí của London trị giá 875 triệu bảng với mục tiêu tạo khu vực có lượng khí thải cực thấp vào năm 2019. Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu là dầu diesel và xăng được sản xuất trước năm 2006 không đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 của châu Âu công bố năm 2005 về lượng khí thải ra môi trường, là đối tượng bị áp thuế T-charge với mức 10 bảng /ngày. Như vậy, cùng với chính sách đánh thuế tránh gây tắc nghẽn giao thông 11,5 bảng/xe từ 7-18 giờ các ngày trong tuần, nhiều phương tiện sẽ phải chịu 21,5 bảng/ngày khi tham gia giao thông ở London. 
Các biện pháp đánh thuế đối với các phương tiện tham gia giao thông của London được đưa ra sau khi Tòa Thượng thẩm Anh tuyên bố những biện pháp xử lý ô nhiễm không khí của chính phủ nước này không đáp ứng được tiêu chuẩn của EU về giới hạn hàm lượng Nitrogen dioxide (NO2) trong không khí. Hồi cuối tháng 9, Thị trưởng London đã phải kích hoạt cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng sau khi mức độ ô nhiễm tại London dày đặc hơn do lượng khí thải độc hại bao trùm toàn châu Âu. Đây là lần thứ 7 trong 13 tháng qua chính quyền thủ đô London kích hoạt hệ thống cảnh báo nói trên.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Venice vừa ban hành thông báo trong 3-5 năm tới, tất cả tàu du lịch có trọng tải từ 55.000 tấn trở lên sẽ buộc phải neo đậu tại cảng Maghera, cảng công nghiệp lớn cách xa trung tâm Venice. Theo kênh truyền hình SkyNews, giải pháp này được Venice đưa ra nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa nguồn thu khổng lồ từ du lịch, phát triển kinh tế, việc làm và mục tiêu gìn giữ hệ sinh thái vốn dễ bị tổn thương của thành phố nhiều kênh rạch này.  Bộ trưởng Giao thông Vận tải Italia Graziano Delrio khẳng định đây là giải pháp cuối cùng ngăn việc các con tàu làm ô nhiễm môi trường của Venice, khiến rất nhiều người dân Venice phải rời bỏ thành phố ra đi.

Các tin khác