Châu Á chống chọi “bão nợ” châu Âu

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dù phần lớn kinh tế các nước châu Á đang tăng tốt nhưng hoạt động thương mại và tài chính đã bắt đầu bị thiệt hại bởi sự xáo trộn ở châu Âu, Hoa Kỳ. Nguy cơ này sẽ tệ hơn nếu khủng hoảng nợ công bùng phát thành cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tương tự cuộc khủng hoảng toàn cầu châm ngòi bởi sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dù phần lớn kinh tế các nước châu Á đang tăng tốt nhưng hoạt động thương mại và tài chính đã bắt đầu bị thiệt hại bởi sự xáo trộn ở châu Âu, Hoa Kỳ. Nguy cơ này sẽ tệ hơn nếu khủng hoảng nợ công bùng phát thành cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tương tự cuộc khủng hoảng toàn cầu châm ngòi bởi sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008.

Tại cuộc họp báo mới đây ở Hồng Công, ông Iwan J. Azis, Trưởng văn phòng hội nhập kinh tế khu vực của ADB, nhấn mạnh: “Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh, không chỉ hàng tuần, hàng ngày mà là hàng giờ”.

ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2012 của khu vực các nước đang nổi lên ở Đông Á (trong đó có Trung Quốc và Đông Nam Á, không tính Ấn Độ, Nhật Bản) từ 7,5% xuống 7,2%, cùng với cảnh báo tăng trưởng có thể chỉ còn 4,5% nếu các khó khăn của phương Tây leo thang, dồn Hoa Kỳ, châu Âu rơi lại vào suy thoái. 

 Tăng trưởng xuất khẩu châu Á chậm lại khi châu Âu loay hoay trong khủng hoảng nợ công.

Tăng trưởng xuất khẩu châu Á chậm lại khi châu Âu loay hoay trong khủng hoảng nợ công. 

Trong vài tuần gần đây, hiệu ứng mua sắm cuối năm đã giúp tình hình Hoa Kỳ có vẻ phấn khởi hơn. Bên cạnh đó, các số liệu sản xuất và việc làm được cải thiện tốt hơn dự báo đã nhen nhóm niềm hy vọng Hoa Kỳ hồi phục.

Nhưng ở châu Âu, bức tranh vẫn bi đát. Các nước trong khu vực liên tiếp sử dụng giải pháp khắc khổ như là loại thuốc duy nhất chữa bệnh nợ công, ngân hàng siết chặt cho vay, đã dẫn đến sụt giảm tăng trưởng kinh tế. Các nhà phân tích của Nomura dự báo tăng trưởng khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ giảm ít nhất 1% trong năm 2012.

Thứ năm và thứ sáu tuần này, các lãnh đạo hoạch định chính sách châu Âu sẽ nhóm họp tại Brussels, Bỉ hòng vạch ra một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng nợ. Cuộc họp lần này mang tính sống còn đối với tương lai Eurozone. Các tờ báo đua nhau giật tin “10 ngày quyết định số phận Eurozone”, “Standard & Poor’s dọa hạ bậc tín dụng 15 nước Eurozone, kể cả Pháp và Đức”.

Vấn đề đau đầu hiện nay là phần lớn khu vực châu Á phụ thuộc vào phương Tây - thị trường đầu ra cho các sản phẩm. Khi nhu cầu tiêu thụ ở Hoa Kỳ và châu Âu chậm lại, tăng trưởng xuất khẩu của châu Á xuống dốc theo. Các TTCK châu Á gần đây lên xuống theo tình hình châu Âu hơn là tình hình nội địa.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia Glenn Stevens nhận định: “Thương mại châu Á đang bị ảnh hưởng bởi sự trì trệ đáng kể hoạt động kinh tế ở châu Âu. Dù các chính phủ châu Âu đang cố gắng vạch ra phương hướng phản ứng toàn diện, nhưng các vấn đề ngân hàng và tín dụng châu Âu có vẻ sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế châu Á trong thời gian tới”.

Một số chuyên gia đang lo ngại xảy ra làn sóng các ngân hàng châu Âu ồ ạt rút vốn cho vay ở châu Á hòng lui về phòng thủ trên sân nhà. Gần đây, các thị trường cổ phiếu và trái phiếu châu Á đã chứng kiến hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài rút danh mục đầu tư. Tuy nhiên, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chưa đến nỗi nặng nợ như châu Âu và Hoa Kỳ, các ngân hàng châu Á cũng ít dính líu vào nợ châu Âu, nên nếu lỡ xảy ra vỡ nợ cũng không bị tổn thất lớn.

Hơn nữa, theo ADB, các nhà hoạch định chính sách châu Á có thể linh động hơn phương Tây trong việc đẩy tăng trưởng bằng cách hạ lãi suất hoặc ưu đãi thuế, đồng thời, họ có nguồn vốn phong phú, được trợ lực bởi các kho dự trữ ngoại tệ quốc gia, có thể giúp bù đắp sự thiếu hụt tài chính khi các ngân hàng châu Âu rút vốn cho vay.

Các tin khác