Cha mẹ e-book, con sách giấy

Sách điện tử (e-book) đang trở thành mốt thời thượng. Nhưng thật lạ lùng, những ông bố bà mẹ thời @ vẫn luôn muốn con mình lớn lên trong thế giới của những quyển sách giấy.

Sách điện tử (e-book) đang trở thành mốt thời thượng. Nhưng thật lạ lùng, những ông bố bà mẹ thời @ vẫn luôn muốn con mình lớn lên trong thế giới của những quyển sách giấy.

Hiện nay nhiều phụ huynh “nghiện” sách điện tử đến nỗi hầu như không lúc nào rời mắt khỏi các thiết bị di động như Kindles, iPad, laptop, smartphone. Những ông bố bà mẹ này đều vô tư thiết lập một tiêu chuẩn kép trong gia đình: cha mẹ đọc e-book, con cái đọc sách giấy.

Một điều tưởng chừng rất nghịch lý khi họ chăm chú đọc sách điện tử, nhưng lại muốn những con mình được bao bọc bởi các quyển sách thơm mùi giấy mực, để chúng có cảm giác tiếp xúc vật lý khi giở từng trang giấy và chập chững những khái niệm đầu tiên về hình thể, màu sắc, chim muông, hoa lá…

Một số phụ huynh thích được âu yếm con và cùng trải nghiệm thế giới qua những trang sách nên sợ rằng một thiết bị điện tử nhấp nháy sẽ giành hết sự chú ý của bé.

Đó là chưa kể một lý do tế nhị khác, lỡ như bé bất thần phun phèo phèo hay “làm xấu” vào cuốn sách thì cũng dễ lau dọn hơn so với một chiếc máy tính bảng.

Quây quần đọc sách.

Quây quần đọc sách.

Giới kinh doanh sách cho biết nhiều năm gần đây tốc độ tăng trưởng sách điện tử dành cho người lớn nhanh chóng hơn dự báo, chiếm hơn 25% tổng doanh số hàng năm của một số mảng sách người lớn. Trong lúc đó, các đầu sách e-book cho trẻ con dưới 8 tuổi gần như giẫm chân tại chỗ, chiếm chưa tới 5% tổng doanh số hàng năm của mảng sách thiếu nhi.

Một nghiên cứu thực hiện năm 2010 cho thấy khu vực sách thiếu nhi là điểm nhấn rất bắt mắt ở mỗi nhà sách và các bậc phụ huynh có nhu cầu lướt qua nội dung sách trước khi mua, điều này thường không thực hiện được với e-book. Khoảng 38% những quyển sách được mua cho trẻ từ 3-7 tuổi là từ hiệu sách gần nhà. Câu hỏi đặt ra trong kỷ nguyên sách số: có mất gì không nếu chuyển một quyển sách hình sang dạng e-book?

GS. Junko Yokota, Giám đốc Trung tâm dạy học bằng sách thiếu nhi Trường Đại học quốc gia Louis bang Chicago, Hoa Kỳ, khẳng định là “có”.

Bởi hình dạng và kích cỡ quyển sách cũng là một phần trải nghiệm đọc. Thí dụ các trang sách nở theo chiều ngang thường được dùng để chuyên chở những bức ảnh có không gian bung rộng, trong lúc các trang sách vươn theo chiều dọc được ưa chuộng trong việc thể hiện những câu chuyện về các tòa nhà chọc trời. Chưa kể yếu tố cân nặng, đều là những thứ không thể cài vào bản điện tử.

Ngày nay, nhiều công ty phần mềm đã cố gắng đưa ra những chương trình giúp trẻ em học đọc, thí dụ đọc to từ hay hình được tô sáng, nhưng dường như giới phụ huynh vẫn cứ thích con đọc sách giấy.

Matthew Thomson, 38 tuổi, Giám đốc trang truyền thông xã hội Klout, đã từng dùng thử các phần mềm đó cho cậu con trai 5 tuổi, nhưng sau rốt vẫn cho rằng cậu bé học đọc từ sách in nhanh hơn.

Đó là chưa kể những âm thanh phát ra từ chiếc iPad làm bé mất tập trung, chưa kể hễ chạm vào chiếc iPad là bé lại đòi chơi game thay vì đọc sách, nên khả năng tập trung đọc cũng theo đó mà bay qua cửa sổ. Có lẽ, sách giấy vẫn là sự kết nối tốt nhất niềm vui được trải nghiệm văn hóa đọc giữa các thế hệ.

Các tin khác