Căng thẳng Mỹ-Iran, vùng Vịnh bất ổn

(ĐTTCO) - Mới đây, 2 tàu chở dầu Front Altair và Kokuka Courageous bị tấn công ở Vịnh Oman, gần bờ biển Iran. Mỹ cáo buộc đó là hành động của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Con tàu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Kokuka Sangyo, chiếc còn lại của Na Uy. 

Lên kế hoạch sẵn sàng
Những vụ tấn công diễn ra ngay sau khi Iran bổ nhiệm Ali Fadavi, Đô đốc Hải quân, làm Phó Tư lệnh IRGC. Fadavi không xa lạ gì khi đối đầu với Hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Ông từng được trao tặng Huân chương Fath (Chiến thắng) của Iran, sau khi bắt các thủy thủ Mỹ cho tàu vào vùng biển Iran tháng 1-2016. Fadavi cũng từng là Tư lệnh Hải quân IRGC từ năm 2010-2018. 
 Theo báo Chính sách Đối ngoại, rất có thể các cuộc tấn công được chuẩn bị là thông điệp từ Iran cho kẻ thù của họ. Bất kỳ phản ứng quốc tế nào, dù là ngoại giao hay quân sự, đều cần xem xét kỹ lưỡng thông điệp này.
Trong cuộc phỏng vấn với Channel 1 năm 2014, Fadavi khẳng định Iran, cụ thể là Hải quân IRGC, là lực lượng bảo đảm an ninh hàng hải ở Vịnh Ba Tư: "Không phải Mỹ, mà là Iran, là Cách mạng Hồi giáo mới là lực lượng bảo đảm an ninh ở Vịnh Ba Tư, không chỉ vì lợi ích của mình, còn vì lợi ích của thế giới.
Cả thế giới sẽ được hưởng sự thịnh vượng về kinh tế". Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, Fadavi đã so sánh căng thẳng tăng cao với Mỹ từ cuộc chiến tàu chở dầu ở giai đoạn cuối của chiến tranh Iran-Iraq.
Thời điểm đó, Iran và Iraq đã tấn công vào cơ sở hạ tầng vận tải của nhau. Khi Iran đe dọa tàu Kuwait chứa đầy dầu của Iraq, Mỹ đã can thiệp. Năm 1987, Hải quân Mỹ đã phát động Chiến dịch Earnest Will, hoạt động áp tải lớn nhất kể từ Thế chiến 2. 
Tuy nhiên, lần này Fadavi nhấn mạnh: "Điều quan trọng là nước Mỹ biết rất rõ nếu đối đầu với chúng ta, và chỉ cần 1 phát súng được bắn vào Vịnh Ba Tư, cả thế giới sẽ nhận ra rằng Mỹ không mạnh như vào năm 1988-1989". Các cuộc tấn công vào tháng 5 và 6 vừa qua đã được lên kế hoạch cẩn thận để truyền đạt thông điệp này.
Căng thẳng Mỹ-Iran, vùng Vịnh bất ổn ảnh 1 Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang ngày càng leo thang.
Cụ thể, ngày 12-5, 4 tàu bị phá hoại tại cảng dầu Fujairah của UAE. Các mục tiêu bao gồm 2 tàu Saudi và 1 tàu chở dầu Na Uy, cùng với 1 tàu của Dubai được sử dụng trong các hoạt động dự trữ nhiên liệu. Vài ngày sau, lực lượng Houthi được Iran hỗ trợ ở Yemen đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào 2 trạm bơm dầu ở Saudi Arabia.
Những cuộc tấn công đe dọa
Theo Bộ Năng lượng nước này, vụ tấn công trạm bơm chỉ gây ra thiệt hại nhỏ. Phiến quân Houthi có thể thực hiện các mục tiêu lớn hơn, để gây ra những vụ nổ ngoạn mục. Nhưng tại sao họ không thực hiện?
Dường như các cuộc tấn công này được thiết kế để đe dọa khả năng vượt qua Vịnh Ba Tư, không muốn tạo ra sự leo thang lớn. Các tàu tấn công tại cảng UAE Fujairah mang thông điệp tương tự. Fujairah là cảng lớn thứ 2 thế giới về tiếp nhiên liệu cho tàu, đồng thời là trung tâm dự trữ dầu lớn. Nó là điểm cuối của đường ống dẫn dầu thô Abu Dhabi, bắt nguồn từ mỏ dầu UAE Habshan. Tuyến đường này cũng cho phép UAE đi qua Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz. 
Về phần mình, Tehran phủ nhận cáo buộc họ có liên quan đến 1 trong 2 cuộc tấn công. Dù các tình huống xung quanh cuộc tấn công Fujairah vẫn còn mờ nhạt, nhưng người Houthi do Iran hỗ trợ ở Yemen rõ ràng đã tham gia tấn công đường ống dẫn dầu của Saudi. Theo giới quan sát, nhiều khả năng phiến quân sẽ không tiến hành cuộc tấn công như vậy mà không có sự cho phép ngầm của Lực lượng IRGC.
Cả 2 cuộc tấn công tháng 5 có thể được coi là một phần của phản ứng được lên chương trình cẩn thận, đáp trả quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng nhằm thắt chặt chế tài liên quan dầu Iran. Thông điệp rất đơn giản: Saudi Arabia, UAE và các quốc gia Vùng Vịnh khác sẽ không thể thay thế dầu của Iran trên thị trường, hoặc vượt qua Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz, nơi Iran dự định thống trị. Nhưng cho đến nay, các bên liên quan đều chưa có dấu hiệu nhường bước. 

Lệnh trừng phạt của Mỹ
Dưới tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, nền kinh tế Iran giảm 4,9% trong năm tài chính 2018-2019 kết thúc vào tháng 3, trượt sâu hơn vào suy thoái. Điều này có thể còn tồi tệ hơn nữa khi Mỹ xóa bỏ tất cả miễn trừ trừng phạt đối với người mua dầu Iran kể từ ngày 2-5.
Trước tình thế này, theo Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif, Iran đang xem xét, sửa đổi các chính sách tài chính và ngân sách để loại bỏ thu nhập từ dầu mỏ, như là biện pháp để đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Washington. 
Thực tế, thu nhập từ dầu mỏ là một phần thiết yếu trong thu nhập của Iran, nên xuất khẩu dầu thô giảm mạnh đang làm tê liệt nền kinh tế. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Iran sẽ dự kiến giảm 6% trong năm nay, trong khi lạm phát hàng năm sẽ tăng vọt lên 37,2%.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) từ đầu tháng này, cho thấy lạm phát hàng năm của Iran đã tăng mạnh, từ khoảng 10% vào giữa năm 2018 lên khoảng 52% vào tháng 4-2019, một phần bởi sự mất giá của thị trường hơn gấp 2 lần so với các mức trước khi công bố lệnh trừng phạt của Mỹ vào tháng 4-2018.
Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh Mỹ sẽ không chuẩn bị cho cuộc đối đầu quân sự với Iran, mà hành động để tự bảo vệ mình. Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông Trump "không muốn có chiến tranh" và sẽ cởi mở để đàm phán với Tehran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nói đất nước của ông không muốn gây chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, các quan chức Iran tuyên bố sẽ sớm vượt quá giới hạn về kho dự trữ uranium được ký kết bởi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của phương Tây với Iran. Họ cũng đặt câu hỏi liệu ông Trump có đáng tin để đàm phán, khi ông đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm ngoái.
Các chuyên gia lo ngại sự bế tắc hiện tại có thể dẫn đến các động thái gây hấn, và xung đột toàn diện. Ông Trump nói rằng Mỹ sẽ không cho phép Tehran có vũ khí hạt nhân và các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ được giữ nguyên cho đến khi Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân, chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo và ngừng tài trợ cho các chiến binh trong khu vực.
Đáp lại, Tổng thống Rouhani nói Iran không sợ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Sự giằng co của hai bên cho đến nay đã khiến giá dầu nhảy vọt.

Các tin khác