Cân nhắc khai thác tài nguyên đại dương

(ĐTTCO) - Từ ngày 23 đến 27-7, quy tắc khai thác tài nguyên dưới lòng đại dương sẽ được thảo luận tại các phiên họp của Cơ quan Quốc tế về đáy biển (ISA) tại Jamaica, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc. 

Thỏa sức khai thác các tài nguyên trong lòng biển vì lợi ích trước mắt bất chấp các tổn hại đối với đa dạng sinh thái hay khẩn trương đưa một phần lớn đại dương vào các không gian được bảo vệ để tạo nền tảng cho một nền kinh tế bền vững nơi biển cả bao la thực sự là một vấn đề cần phải được xem xét khẩn trương, nghiêm túc.
Theo dự kiến, năm 2018, Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ ra quyết định về việc triệu tập hay không một hội nghị liên chính phủ để chuẩn bị một thỏa ước toàn cầu về đại dương. Những ai lạc quan nhất cho rằng một thỏa ước như vậy có thể sẽ ra đời trong năm 2019, còn những người dè dặt lại đưa ra cái mốc năm 2025. 
Đến nay, dưới áp lực của giới bảo vệ môi trường, mới chỉ có các giấy phép thăm dò được cấp. Tuy nhiên, ISA dự đoán, đến năm 2025 sẽ có những giấy phép đầu tiên khai thác tại các vùng biển quốc tế. Việc khai thác tài nguyên dưới đáy đại dương sẽ để lại những lo ngại rất lớn về hậu quả môi trường, đặc biệt là đe dọa phá hủy các hệ đa dạng sinh học.
Theo ISA, đáy đại dương hiện rất ít được nghiên cứu. Ông Mathhew Gianni, đồng sáng lập liên minh 80 tổ chức bảo vệ đại dương (Deep See Conservation Coaliation - DSCC), cho hay có nguy cơ nhiều giống loài dưới đáy biển sẽ bị tuyệt diệt vì các hoạt động khai thác, trước khi được con người biết đến.
Cân nhắc khai thác tài nguyên đại dương ảnh 1 Các vùng nước sâu đang bị khai thác và làm ô nhiễm là một hiểm họa nhãn tiền.  
DSCC cùng nhiều tổ chức khoa học, môi trường khác, đang gây áp lực để các quy chế khai thác phải có ý nghĩa bảo vệ nhất đối với môi trường và các thông tin về tác động môi trường phải được minh bạch hóa.
Đa dạng sinh thái trong lòng biển sâu hứa hẹn nhiều ứng dụng kỳ diệu, từ lĩnh vực y tế, đến thực phẩm, mỹ phẩm hay nghiên cứu khoa học cơ bản (từ loài bọt biển có thể tìm thấy các phân tử được dùng chống ung thư, một số vi khuẩn biển có thể giúp cho việc tẩy rửa nạn ô nhiễm dầu…). Các loài sinh vật phát triển trong những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt như áp suất cao, nhiệt độ rất cao đến cả 100°C, môi trường không ánh sáng… có thể mang lại những hiểu biết mới mẻ về sự sống.
Tuy nhiên, các vùng nước sâu đang bị khai thác và làm ô nhiễm là một hiểm họa nhãn tiền. Cho đến nay chỉ có dưới 1% diện tích biển khơi được bảo vệ (3,4% diện tích bề mặt đại dương nếu bao gồm cả các khu vực biển ven bờ), trong khi có đến 41% đang bị hoạt động của con người làm ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo phải tăng tốc đưa các vùng biển dễ tổn thương nhất, có giá trị cao nhất, hoặc có mức độ đa dạng sinh học cao nhất vào danh sách được bảo vệ, với số lượng ít nhất là 10%, từ nay đến năm 2020, nếu không muốn mọi việc trở nên quá trễ. 
Theo một nghiên cứu của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), lợi ích kinh tế do việc thành lập các khu bảo tồn biển sẽ hơn rất nhiều so với phí tổn. Lợi nhuận do việc đặt 30% diện tích đại dương vào các không gian được bảo vệ sẽ mang lại khoảng 490 tỷ USD và tạo thêm 150.000 việc làm đến năm 2050, theo phương án dè dặt nhất và khoảng 920 tỷ USD và 180.000 việc làm, theo phương án lạc quan nhất, gấp từ 3-20 lần so với số vốn ban đầu bỏ ra.

Các tin khác