Cam go cuộc chiến chống tin giả

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh truyền thông xã hội và báo chí điện tử phát triển mạnh mẽ lấn át báo chí truyền thống, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và đã có trường hợp gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Để chống lại vấn nạn tin giả, các nước và các tập đoàn khổng lồ đã làm gì?
 
Ấn Độ, Indonesia - đặc nhiệm chống tin giả

Tại Ấn Độ hiện có hơn 1 tỷ thuê bao điện thoại di động, nên hầu hết tin đồn đều lan truyền qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp và điện thoại di động. Gần đây, tin giả đã gây ra một sự kiện chấn động, đó là vụ người dân một ngôi làng đã đánh chết 7 người vì nghi họ bắt cóc trẻ em. Thế nhưng, chính phủ nước này vẫn lúng túng trong cuộc chiến chống tin giả.
Hiện nay, công việc này vẫn phụ thuộc vào những “chiến binh thầm lặng” - những cá nhân tự nguyện. Tiêu biểu trong số này là kỹ sư phần mềm Sinha, chủ trang web Altnews.in. Anh cho biết do bức xúc trước vấn nạn tin giả nên đã bỏ tiền túi lập trang web này để giúp kiểm tra tính xác thực của các câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội và WhatsApp, kiểm chứng hình ảnh và video, đồng thời giúp tố giác những tin bài đăng báo lấy nguồn từ tin đồn. Trang web của anh đã thu hút được 3,2 triệu lượt xem trong vòng 5 tháng, “vạch mặt” được nhiều tin giả phổ biến.

Tương tự, một người tên Pankaj Jain đã sáng lập trang web SMHoaxSlayer.com giúp kiểm chứng các nguồn tin lan truyền trên mạng. Một trong những “chiến công” của SMHoaxSlayer.com là bác bỏ thông tin đang lan truyền trên mạng rằng tờ 2.000 rupee mới của Ấn Độ có gắn “chip nano GPS” để theo dõi quá trình giao dịch của nó. Một “chiến binh” khác là Shammas Oliyath, người điều hành trang web Check4spam.com. Oliyath cho biết anh tập trung vào các tin liên quan đến chính trị. Một trong số chiến tích của anh là buộc một hãng truyền thông rút lại bài báo có nội dung thất thiệt. Dù đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng cả 3 chiến binh này đều muốn có sự vào cuộc của chính phủ.

Điều này đã được chính phủ Indonesia đi trước một bước. Từ đầu năm nay, chính phủ Indonesia cho biết sẽ thành lập một cơ quan chuyên xử lý tin tức giả lan tràn trên mạng xã hội. Theo đó, một trong những nhiệm vụ của cơ quan xử lý tin tức giả sẽ là theo dõi các tin tức lan truyền trên mạng để kiểm chứng sự thật và chỉ ra những tin giả mạo. Cơ quan mới thành lập cũng sẽ có trách nhiệm bảo vệ các tổ chức nhà nước khỏi nguy cơ bị tấn công mạng. Công việc này sẽ do Bộ An ninh Indonesia và nhiều cơ quan chính phủ khác cùng giám sát thực hiện.

Một trong những vụ tung tin giả gây ảnh hưởng thời gian gần đây tại Indonesia là vụ thông tin tràn lan trên mạng xã hội cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh sinh học nhằm vào Indonesia. Thông tin giả này bắt nguồn từ câu chuyện có thật là 4 công dân Trung Quốc bị bắt vì sử dụng ớt nhiễm khuẩn tại một trang trại ở Jakarta. Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta đã phải ra tuyên bố bác bỏ thông tin này.

Đức, Singapore  - sử dụng luật mới

Các nhà lập pháp Đức mới đây đã thông qua một điều luật giúp loại bỏ tin giả. Đạo luật Thi hành Mạng được Bundestag, cơ quan nghị viện Đức, thông qua vào tháng 6 và sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 10. Theo đó, các công ty truyền thông xã hội sẽ phải chịu những mức phạt rất cao nếu không kịp thời gỡ bỏ những nội dung “hiển nhiên là bất hợp pháp” - bao gồm những bài đăng không phù hợp, những bài đăng mang tính chất bôi nhọ và kích động bạo lực - nội trong vòng 24 giờ. Mức phạt dành cho các trang mạng xã hội ban đầu sẽ là 5 triệu EUR và sau đó có thể lên tới 50 triệu EUR. Các công ty web sẽ có thời hạn tối đa 1 tuần để quyết định đối với những trường hợp chưa rõ ràng.

Tương tự, tại Singapore, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tư pháp Singapore K. Shanmugam cho biết trong 6 tháng cuối năm nay, Chính phủ Singapore sẽ tham vấn với các bên liên quan để cùng xây dựng Luật Chống tin tức giả mạo và mục tiêu là có thể ban hành luật này vào năm tới. Bộ trưởng Shanmugam cho biết đạo luật sẽ tập trung vào các nền tảng công nghệ để loại bỏ tin tức giả mạo và giúp người dân nhận diện tin giả mạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Shanmugam nói rõ luật này không áp dụng với tin tức đưa ra do sai sót hay vô tình đưa ra. Mục tiêu xử lý là tin tức giả mạo do người ta cố tình tạo ra và gây ra tác động tới xã hội. 

Trách nhiệm các nhà cung cấp

Trong khi đó, Malaysia lại nhắm đến các nhà cung cấp dịch vụ. Hồi tháng 4, Bộ Truyền thông nước này yêu cầu các quản trị viên WhatsApp phải có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát các thành viên để họ không lan truyền thông tin giả. Thứ trưởng Bộ Truyền thông Johari Gilani cảnh báo các quản trị viên WhatsApp có thể bị triệu tập để hỗ trợ điều tra và bị trừng phạt nếu có liên quan trực tiếp hoặc để các thông tin giả được lan truyền một cách cố ý trên ứng dụng này. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Malaysia, Mohd Yusof Abdul Rahman cho rằng cần phải thực hiện ngay lập tức đề xuất áp dụng biện pháp trừng phạt quản trị viên WhatsApp. 

Facebook và Google cũng đã có nhiều động thái kiên quyết trong cuộc chiến chống tin giả. Facebook đầu năm nay cho đăng quảng cáo trên các báo Anh như Telegraph, Times, Metro và Guardian hướng dẫn công chúng làm thế nào để phát hiện các bài báo sai. Facebook cũng tiết lộ họ đã xóa bỏ hàng chục ngàn tài khoản giả mạo và cùng với các đối tác kiểm tra và gắn cảnh báo cho những tin gây tranh cãi. Google vào cuối năm 2016 bắt đầu thêm vào một nhãn (tag) kiểm tra sự thật đối với những câu chuyện đáng ngờ và nhóm chúng với những bài báo có nội dung trái ngược để người đọc có sự so sánh và lựa chọn. Họ cũng thông báo kế hoạch thử nghiệm và hạn chế lợi nhuận của những trang tin giả mạo bằng cách ngăn chúng sử dụng mạng lưới quảng cáo của họ. 

Các tin khác