Cách người Thái Lan bảo hộ và xây dựng nên ngành công nghiệp ô tô

(ĐTTCO) - Nói đến ngành công nghiệp ô tô Đông Nam Á không thể không nhắc tới Thái Lan. Mặc dù lượng sử dụng xe máy tại đây rất nhiều nhưng những chính sách khôn ngoan của chính quyền Bangkok đã giúp ngành sản xuất ô tô tại đây phát triển nhanh chóng trong suốt 50 năm qua.
Cách người Thái Lan bảo hộ và xây dựng nên ngành công nghiệp ô tô

Hiện nay, Thái Lan là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 12 trên thế giới. Quốc gia này cũng là một trong những thị trường tiêu thụ xe bán tải lớn nhất thế giới với doanh số xe bán tải chiếm hơn 50% tổng doanh số bán xe hơi nội địa. Dù đứng sau Mỹ nhưng tính doanh số bán xe bán tải bình quân đầu người lại đứng số 1 thế giới.

Thậm chí, nhiều chuyên gia còn nhận định Thái Lan đã trở thành “Detroit của Đông Nam Á”, cái nôi của ngành ô tô trong khu vực. Hàng năm, quốc gia này xuất xưởng gần 2 triệu chiếc xe, nhiều hơn cả các nước phát triển như Bỉ, Anh, Italy…

Hầu hết những sản phẩm của Thái Lan được phát triển và cấp phép bản quyền bởi những hãng xe nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản và Mỹ. Nhờ những thỏa thuận thương mại như AFTA, ngành công nghiệp xe hơi của Thái Lan tiếp cận được những thị trường tiềm năng trong khu vực để chào bán sản phẩm của mình.

 Thái Lan đứng thứ 12 trên thế giới năm 2014 về sản lượng xe hơi
Thái Lan đứng thứ 12 trên thế giới năm 2014 về sản lượng xe hơi

Cuộc chiến bảo hộ trong ngành ô tô Thái

Ngay từ khoảng thập niên 1900, những chiếc xe hơi đầu tiên đã được nhập khẩu vào Thái Lan nhằm phục vụ cho hoàng gia. Kể từ đây, Thái Lan dần phát triển ngành sản xuất xe hơi của mình theo hướng đi riêng. Thay vì cố gắng đánh bật các hãng xe hơi nhập khẩu, chính quyền Bangkok lại hướng đến việc xây dựng một liên minh chặt chẽ giữa nhà đầu tư nước ngoài và các nhà máy nội địa.

Tất nhiên, để thực hiện được chiến lược này trước sức mạnh của các nhà sản xuất quốc tế thì Thái Lan cũng phải có những chương trình bảo hộ, ưu đãi với hàng trong nước nhằm phát triển các hãng nhỏ nội địa trong ngành.

Lịch sử ngành công nghiệp ô tô Thái Lan bắt đầu từ thập niên 1960 khi chính phủ thiết lập những chính sách nhằm hạn chế nhập khẩu và thúc đẩy công nghiệp ô tô nội địa. Năm 1961, liên doanh Anglo Thai Motor Company chính thức đi vào hoạt động với doanh số chỉ khoảng 3.232 xe vào cùng năm. Tuy nhiên, sau đó hàng loạt những liên doanh dưới sự hỗ trợ của nhà nước cũng được xây dựng như hãng Kamasuta General Assembly.

Đến năm 1970, số lượng các nhà máy lắp ráp liên doanh tại Thái Lan đã lên đến 10.667 nhà máy. Dẫu vậy, thị phần của những công ty liên doanh này vẫn chỉ khoảng 50% tính đến năm 1971. Bởi vậy, chính quyền Bangkok quyết định thực hiện những chính sách mạnh tay hơn nhằm kích thích công nghiệp xe hơi trong nước.

Cách người Thái Lan bảo hộ và xây dựng nên ngành công nghiệp ô tô ảnh 2

Từ năm 1971, chính phủ đã hỗ trợ nhiều nhà máy sản xuất phụ tùng cho ô tô thành lập nhưng hoạt động của họ không được hiệu quả trước sức cạnh tranh từ đối thủ bên ngoài. Trước sức ép đó, Thái Lan đã quyết định nâng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) cũng như buộc các hãng xe trong nước phải nâng tỷ lệ sản xuất nội địa hóa lên đến 25% mỗi chiếc xe vào năm 1975 nếu muốn kinh doanh tại thị trường này.

Bất chấp những nỗ lực đó, ngành ô tô nội địa vẫn không thể cạnh tranh khi thâm hụt thương mại xe hơi đã tăng hơn 6 lần trong khoảng 1972-1977 còn các nhà máy lắp ráp chỉ chạy 1/6 công suất.

Sau khi nâng mức thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc lên 150%, cuối cùng dòng CBU này đã bị cấm nhập khẩu vào năm 1978. Những hãng xe kinh doanh trong nước bị buộc phải nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% vào năm 1983.

Những quy định khắt khe này ngay lập tức đã loại bỏ hàng loạt các hãng xe hơi nhỏ của nước ngoài như Dodge, Hillman, Simca… Trong khi đó, những phụ tùng như phanh, gương, bộ tản nhiệt… bắt đầu được sản xuất trong nước nhiều hơn. Thậm chí vào cuối thập niên 1970, sự rút lui của các hãng xe nhập khẩu GM, Ford và Fiat khiến ngành ô tô Thái Lan ngày càng phát triển rực rỡ hơn nữa.

Dẫu vậy, trước nhu cầu của thị trường cũng như giảm sự phụ thuộc, ỉ lại của các nhà sản xuất xe trong nước, Thái Lan lại đồng ý nhập khẩu CBU trở lại vào năm 1985 dù với mức thuế nhập khẩu siêu cao 300%.

 Sản lượng xe hơi của Thái sự kiến tăng mạnh trong thời gian tới
Sản lượng xe hơi của Thái sự kiến tăng mạnh trong thời gian tới

Bất chấp điều đó, nhiều hãng xe Nhật Bản đã đầu tư mạnh vào Thái Lan trong thập niên 1980, kéo theo đó là sự cạnh tranh và bùng nổ của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Đến năm 1987, những chiếc xe sản xuất tại Thái Lan đã lần đầu tiên được xuất khẩu sang Canada.

Năm 1991, những rào cản nhập khẩu xe nguyên chiếc tại Thái Lan dần được dỡ bỏ, kéo theo đó là việc giảm giá của hàng loạt các dòng xe. Ngay lập tức, làn sóng các xe hơi Hàn Quốc bắt đầu tràn vào Thái Lan, buộc những hãng liên doanh Nhật Bản phải giảm giá hoặc tập trung vào những dòng xe giá rẻ như Honda Civic hay Toyota Soluna.

Trong khoảng 1992-1996, tốc độ tăng trưởng ngành ô tô bình quân tại Thái Lan đạt 12%. Hiện nay, sản lượng toàn ngành của Thái đạt khoảng 2 triệu chiếc xe với doanh số bình quân 700.000 chiếc. Năm 1998, Thái Lan lần đầu tiên thặng dư thương mại trong ngành xe hơi và trở thành một trong những niềm tự hào của xứ sở Chùa Vàng. Đến nay, khoảng 50% số xe hơi sản xuất của Thái Lan là cho xuất khẩu.

Niềm tự hào của đất nước Chùa Vàng

Với một nền công nghiệp ô tô phát triển, nhiều hãng sản xuất xe hơi như Ford, Mazda hay Mitsubishi đã chọn Thái Lan là nơi lắp ráp hoặc sản xuất sản phẩm, từ đó xuất khẩu đi nhiều nước Phương Tây. Năm 2005, Thái Lan thậm chí đã vượt Mỹ để trở thành nhà sản xuất xe bán tải lớn nhất thế giới.

Hiện nay, dù nhiều hãng xe Phương Tây có mặt tại Thái Lan nhưng những nhà sản xuất liên doanh Nhật Bản vẫn chiếm 88,5% thị phần tại đây. Thái lan cũng có hãng sản xuất xe hơi nội địa của riêng họ là Thai Rung, thành lập vào năm 1967 tại Bangkok.

Năm 2014, sản xuất ô tô là ngành xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan với 30 tỷ USD. Những ưu thế như nằm ở trung tâm Đông Nam Á, có ngành phụ trợ hoàn thiện, cơ sở hạ tầng ổn cùng hỗ trợ của chính phủ đã khiến Thái Lan thu hút được nhiều nhà đầu tư xe hơi quốc tế.

Ngành sản xuất xe hơi hiện chiếm 12% tổng GDP (28,24 tỷ USD) và có khoảng 550.000 lao động đang làm việc trong mảng này. Năm 2014, Thái Lan sản xuất 2,1 triệu chiếc xe hơi, tăng 200% so với năm 2005.

Cách người Thái Lan bảo hộ và xây dựng nên ngành công nghiệp ô tô ảnh 4

Đặc biệt, hệ thống chuỗi cung ứng thiết bị ô tô của Thái Lan vô cùng phát triển khi nước này chiếm tới 50% top 100 nhà sản xuất phụ tùng thiết bị ô tô hàng đầu thế giới. Xuất khẩu linh kiện phụ tùng xe hơi của Thái Lan năm 2013 đạt 5 tỷ USD, đứng đầu Đông Nam Á.

Nói cách khác, các hãng xe hơi hoàn toàn yên tâm khi đặt nhà máy hoặc liên doanh tại Thái Lan khi họ có nguồn cung thiết bị, phụ tùng dồi dào. Thái Lan hiện có khoảng 2.400 nhà máy sản xuất phụ tùng linh kiện xe hơi với 709 nhà máy được cấp bản quyền sản xuất cho các hãng xe chính thống.

Theo báo cáo của Hiệp hội sản xuất xe hơi Nhật Bản (JAMA), chất lượng phụ tùng linh kiện sản xuất tại Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á. Phụ tùng, thiết bị nội địa cung cấp đến 85% sản xuất xe bán tải trong nước và 70% xe hơi thường tại Thái Lan.

Các nghiên cứu cho thấy thị trường linh kiện điện tử cho xe hơi trên toàn cầu đạt 204,6 tỷ USD vào năm 2014 và ước tính đạt 314,4 tỷ USD vào năm 2020. Đây là một tin tức vô cùng tốt cho Thái Lan khi nước này hướng đến mảng sản xuất xe hơi công nghệ cao, thân thiện với môi trường thay vì cách làm truyền thống trước đây.

Nhằm hướng đến việc phát triển ngành ô tô cũng như sản xuất linh kiện phụ tùng, chính phủ Thái Lan đã có nhiều ưu đãi như hạ mức thuế cho các nhà máy sản xuất xe hơi tại đây. Với tầm nhìn biến đất nước thành trung tâm sản xuất ô tô của Đông Nam Á, Thái Lan hiện nay đang có những bước cải thiện vượt bậc trong ngành sản xuất xe hơi.

Hiện nay, hầu hết các tập đoàn xe hơi quốc tế như GM, Ford, Toyota, BMW…đều có mặt tại Thái Lan và sản xuất khoảng 1,9 triệu chiếc vào năm 2015.

Các tin khác