Búp bê và cuộc chiến tác quyền

Hãng sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới Mattel vừa bị một thất bại bất ngờ: Đoàn bồi thẩm tòa án liên bang Hoa Kỳ ở Santa Anna (bang California) tuyên công ty vô danh MGA là chủ nhân đích thực của sản phẩm búp bê Bratz. Nói cách khác, Bratz giành chiến thắng trước búp bê Barbie của Mattel.

Hãng sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới Mattel vừa bị một thất bại bất ngờ: Đoàn bồi thẩm tòa án liên bang Hoa Kỳ ở Santa Anna (bang California) tuyên công ty vô danh MGA là chủ nhân đích thực của sản phẩm búp bê Bratz. Nói cách khác, Bratz giành chiến thắng trước búp bê Barbie của Mattel.

Mô tả Ảnh
Mô tả Ảnh

Đoàn bồi thẩm khẳng định chính Mattel ăn cắp bí mật công nghệ của MGA và Mattel phải đền bù 88,4 triệu USD cho MGA. Tổng giám đốc Robert Eckert của Mattel ôm mặt khóc khi nghe phán quyết, còn Tổng giám đốc Isaac Larian của MGA nói: “Đây là chứng cứ rằng tại Hoa Kỳ, ngay cả các công ty khổng lồ cũng không thể đứng trên pháp luật”.

Mattel hồi năm 2004 khởi đơn kiện MGA ăn cắp mẫu mã Barbie của họ khi chiêu dụng một nhân viên chủ lực của Mattel tên Carter Bryant. Sau khi về MGA, nhà thiết kế Carter Bryant tạo nên dòng búp bê Bratz tương tự Barbie. Nhưng MGA phủ nhận và kiện ngược Mattel đã hoạt động tình báo công nghiệp, sử dụng điệp viên, dùng danh thiếp doanh nghiệp giả cùng các đơn đặt hàng giả để tiếp cận ý tưởng của MGA. Họ còn tố cáo Mattel sử dụng vị thế độc quyền đe dọa ngừng thỏa thuận giao dịch với các nhà bán lẻ và các công ty truyền thông nếu những đơn vị này làm ăn với Bratz.

Búp bê Bratz được thiết kế là những cô gái đa chủng tộc và đa phong cách, được giới thiệu là “các cô gái mê thời trang”. Sản phẩm này nhanh chóng hút hàng sau khi ra đời năm 2001, đạt doanh số hàng năm 1 tỷ USD khi ở đỉnh cao của sự nổi tiếng, tạo ra nhiều kiểu thời trang cho các cô gái. Thậm chí có cả một bộ phim kể về 4 diễn viên bắt chước Bratz vốn ăn mặc kiểu hip-hop. Loại búp bê này tạo nên tranh cãi khốc liệt về khuynh hướng giới tính của các thiếu nữ.

Bratz lên ngôi khiến Mattel bị cạnh tranh. Trong đơn kiện MGA, hãng Mattel cho rằng búp bê Bratz ăn cắp ý tưởng của Barbie khiến hãng này mất hơn 300 triệu USD lợi nhuận. MGA và Mattel đã chi hàng triệu USD cho cuộc chiến pháp lý kéo dài. Phiên xử năm 2008 nghiêng về Mattel và buộc MGA bồi thường 100 triệu USD, phải trả tác quyền Bratz cho Mattel. Nhưng ở phiên tòa phúc thẩm  phán quyết trên bị hủy sau khi tòa quyết MGA mới là nơi tạo ra Bratz.

Barbie chào đời năm 1959, bởi nữ doanh nhân Ruth Handler. Bước qua tuổi 50, Barbie vẫn là một cô nàng búp bê xinh đẹp. Trong hơn 5 thập niên qua, Barbie đã sắm rất nhiều vai với 108 ngành nghề khác nhau. Barbie là vận động viên Olympic, hướng dẫn viên thể dục nhịp điệu, nhà du hành vũ trụ, một ngôi sao nhạc rock hay làm cả thủ tướng. Barbie đã có cả show diễn trong Tuần lễ thời trang New York.

Theo đánh giá, búp bê Barbie đứng vị trí thứ 43 trong danh sách những biểu tượng văn hóa thời đại tồn tại trong tưởng tượng (sau những nhân vật như: cô bé Lọ lem vị trí 26; chuột Mickey thứ 18 và ông già Noel vị trí 4...). Trong lịch sử công nghiệp đồ chơi, không đồ chơi nào đạt doanh thu khổng lồ như Barbie, doanh số khoảng 3 tỷ USD/năm. Hiện Mattel sử dụng hàng trăm chuyên gia cho cỗ máy sản xuất, tiếp thị Barbie, trong đó có 50 nhà thiết kế chuyên nghiệp, 12 nhà thiết kế tóc, gần 100 chuyên gia phụ trách thương lượng bán bản quyền cho khoảng 800 công ty kinh doanh từ quần áo đến các vật dụng gia đình... Tổng hành dinh Mattel nằm ở El Segundo (Los Angeles, Hoa Kỳ), nơi sử dụng 2.000 trong 35.000 công nhân toàn thế giới của Mattel, góp phần đem lại doanh thu gần 6 tỷ USD/năm, trong đó Barbie chiếm 20% doanh số.

(Tổng hợp)

Các tin khác