Bê bối đe dọa nhà khổng lồ Hàn Quốc

(ĐTTCO) - Vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, lãnh đạo trên thực tế của Tập đoàn Samsung, đã gây sốc vì chaebol khổng lồ đứng đầu Hàn Quốc này chiếm 20% GDP của một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á và tuyển dụng đến nửa triệu người.

(ĐTTCO) - Vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, lãnh đạo trên thực tế của Tập đoàn Samsung, đã gây sốc vì chaebol khổng lồ đứng đầu Hàn Quốc này chiếm 20% GDP của một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á và tuyển dụng đến nửa triệu người.

Cho đến thời điểm này vẫn chưa rõ những tác động dài hạn đến đế chế Samsung từ việc tỷ phú 48 tuổi thừa kế Samsung bị bắt ngày 17-2 vì tội hối lộ, biển thủ, che giấu tài sản ở nước ngoài và khai man. Tuy nhiên, Lee Jae-yong bị bắt trong vụ bê bối tham nhũng lớn liên quan Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-sil của bà đã một lần nữa đặt ra vấn đề tương lai các chaebol và việc cắt giảm quyền lực của các tập đoàn gia đình khổng lồ này.

Theo nhóm công tố viên đặc biệt điều tra vụ bê bối tham nhũng này, Lee Jae-yong đã đóng góp 43 tỷ won (36,3 triệu USD) cho 2 tổ chức phi lợi nhuận ở Hàn Quốc và một công ty trụ sở ở Đức, đều do Choi lập ra, để đổi lấy sự ủng hộ của chính phủ trong vụ sáp nhập 2 chi nhánh Tập đoàn Samsung là Samsung C&T và Cheil Industries trong năm 2015. Vụ sáp nhập này được xem là quan trọng để chuyển giao quyền lực suôn sẻ từ Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee cho con trai duy nhất Lee Jae-yong, lãnh đạo trên thực tế của Tập đoàn Samsung từ khi Lee Kun-hee bị đau tim phải nằm viện từ tháng 5-2014.

Việc Lee Jae-yong bị bắt đã gây nhiều lo ngại có thể tạo khoảng trống lãnh đạo và cản trở các kế hoạch tái cơ cấu hiện nay của Samsung, khi công ty vẫn đang khắc phục thảm họa cháy nổ điện thoại thông minh Galaxy Note 7 năm ngoái với chi phí nhiều tỷ USD. Thêm những lo ngại rằng nếu Chủ tịch Lee Kun-hee, 75 tuổi, qua đời có thể kích hoạt một cuộc chiến quyền lực giữa các giám đốc điều hành và Lee Jae-yong.  

Người dân Hàn Quốc biểu tình kêu gọi trừng phạt Tổng thống Park Geun-hye và Giám đốc Samsung Lee Jae-yong.

Người dân Hàn Quốc biểu tình kêu gọi trừng phạt Tổng thống Park Geun-hye
và Giám đốc Samsung Lee Jae-yong.

Samsung nổi tiếng là một thương hiệu điện tử hàng đầu thế giới, nhưng tập đoàn gia đình khổng lồ này còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm tài chính, bảo hiểm, dịch vụ y tế... và có đến khoảng 70 công ty con sở hữu chéo. Vấn đề được đặt ra về cách gia đình Lee tiếp tục nắm quyền lực quá lớn trong tập đoàn. Phần lớn sức mạnh gia đình Lee đến từ Cheil Industries, một công ty mẹ, cho phép gia đình Lee điều khiển đế chế Samsung thông qua mạng lưới sở hữu chéo phức tạp. Những người phản đối cơ chế đó hy vọng việc Lee Jae-yong bị bắt sẽ cung cấp bàn đạp để cải tổ không chỉ Samsung mà còn cả cấu trúc doanh nghiệp phân cấp và các chaebol.

Bloomberg dẫn ra các lãnh đạo chaebol bị kết án tại Hàn Quốc thường được giảm hoặc hoãn thi hành án và cuối cùng được tổng thống ân xá. Đó là Lee Kun-hee, Chủ tịch Tập đoàn Samsung đã bị kết án 3 năm tù vì tội trốn thuế trong năm 2008 đã được hoãn thi hành và sau đó Tổng thống Lee Myung-bak ân xá. Chung Mong-koo, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor, đã bị kết án 3 năm tù vì tội biển thủ và vi phạm trách nhiệm trong năm 2007 nhưng được tại ngoại rồi được Tổng thống Lee Myung-bak ân xá. Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK đã bị kết án 4 năm tù vì tội biển thủ trong năm 2012 nhưng vào năm 2015 được Tổng thống Park Geun-hye ân xá. Lee Jay-hyun, Chủ tịch Tập đoàn CJ, bị kết án 4 năm tù vì tội biển thủ, vi phạm trách nhiệm và trốn thuế trong năm 2014 nhưng được giảm còn 2 năm rưỡi và vào tháng 8-2016 được Tổng thống Park Geun-hye ân xá.

Tuy nhiên, giới quan sát chaebol cho rằng tình hình hiện nay đã khác trước, khi công chúng Hàn Quốc ngày càng bất mãn các chaebol và Lee Jae-yong đã bị bắt trong vụ bê bối tham nhũng liên quan Tổng thống Park Geun-hye đang bị luận tội và hàng triệu người Hàn Quốc xuống đường biểu tình phản đối. "Xét tâm lý công chúng hiện nay, sẽ khó cho Lee Jae-yong được ân xá vì nếu chính quyền tiếp tục ân xá cho Lee sẽ đánh một đòn chí tử vào đạo đức chính phủ" - theo Park Ju-gun, Chủ tịch CEOScore, cơ quan tư vấn uy tín ở Seoul.

Các tin khác