Bắt cóc trẻ con bán ở Trung Quốc và những cuộc tìm kiếm đẫm nước mắt

(ĐTTCO) - Những kẻ bất lương bắt cóc trẻ con và bán chúng cho những cặp vợ chồng không thể có con, gây ra tình trạng đau lòng và nhức nhối trong xã hội Trung Quốc.
Bắt cóc trẻ con bán ở Trung Quốc và những cuộc tìm kiếm đẫm nước mắt

Nỗi đau xé lòng bắt nguồn từ hủ tục

Vào một buổi trưa tháng 10 cách đây 12 năm, Cheng Ying, 5 tuổi, đứng đợi mẹ ở cổng trường. Tuy nhiên, mẹ cô bé đến muộn. Ying nghĩ mẹ quá bận chuẩn bị cho bữa cỗ đầy 100 ngày của em gái nên quyết định tự đi bộ về nhà vì nó chỉ nằm cách trường một bến xe buýt. Tuy nhiên, khi rời cổng trường được 100 m, Ying bị những kẻ lạ mặt bắt cóc và đưa lên một chiếc xe taxi.

Khoảnh khắc đó là bước ngoặt làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Ying và cướp đi của em cả thời thơ ấu. Tuy nhiên, Ying chỉ là một trong hàng trăm nghìn trẻ em Trung Quốc bị mất tích trong 4 thập kỷ qua. Những nỗ lực tập thể của cả một cộng đồng cùng với sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ Internet và mạng xã hội đang khiến những câu chuyện đau lòng như của Ying được lan tỏa và bớt cay đắng.

Không có số liệu đáng tin cậy nhưng người ta ước tính khoảng 20.000 tới 200.000 trẻ em Trung Quốc mất tích mỗi năm. Là quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1 tỷ người nhưng số trẻ em bị bắt cóc này cũng quá đủ để được gọi là bi kịch.

Nguyên nhân của những vụ bắt cóc đa phần là vì tiền. Bắt nguồn từ hủ tục tặng con cho gia đình người thân hiếm muộn, một ngành công nghiệp vô lương tâm nhưng có lợi nhuận khủng khiếp được hình thành. Dã tâm của những kẻ bất lương kết hợp với sự thờ ơ của nhiều cảnh sát khiến nạn bắt cóc trẻ em có thể hoành hành. Ở những vùng nông thôn hẻo lánh, một đứa trẻ trai có thể được bán với giá 18.000 USD.

Ying không phải ngoại lệ trong số đó dù em là một trong những trường hợp hiếm hoi đoàn tụ lại với cha mẹ. Sau khi bị bắt cóc, Ying bị đưa tới nhà của một phụ nữ chuyên buôn bán trẻ em, nơi nhiều đứa trẻ khác đang bị giam giữ. “Tôi bị đánh và bỏ đói”, Ying kể lại ngày tháng địa ngục, đã tạo thành vết thương không thể hàn gắn trong lòng em.

Năm 7 tuổi, Ying thoát được và chạy tới sở cảnh sát. Tuy nhiên, viên cảnh sát mà cô gặp lại nghĩ cô là một đứa bé “nghịch ngợm” và mang trả cô về cho kẻ đang giam cầm em. Thêm một lần nữa, cô gái nhỏ bị sốc và mất hoàn toàn niềm tin vào cuộc sống và công lý.

Cuối cùng, Ying bị bán cho một gia đình hành nghề kinh doanh mật ong ở tỉnh lân cận, nằm cách nhà cô bé vài trăm km. Họ không thể có con. Dù Ying không chấp nhận ông bố, bà mẹ mới nhưng cô bé chẳng còn cách nào khác. Trong khi đó, bố mẹ ruột của em phải sống những ngày tháng nặng nề và ám ảnh kể từ khi mất con.

Tới trường lúc 12h10 nhưng không thấy con, mẹ Ying nghĩ cô bé tới nhà bạn nên trở về nhà mà không chút lo lắng. Tuy nhiên, cảm thấy điều gì đó bất ổn, mẹ cô bé gọi cho chồng để đi tìm con. Chạy vội tới lớp học nhưng không thấy con gái ở đó, cả thế giới như sụp đổ trước mặt ông bố trẻ. Bữa tiệc mừng em gái Ying 100 ngày tuổi đã không bao giờ diễn ra như trong đầu cô bé 5 tuổi tưởng tượng.

“Mọi thứ trong cuộc đời tôi đang diễn ra rất suôn sẻ và tốt đẹp. Tuy nhiên, khi con gái mất tích, mọi thứ sụp đổ hoàn toàn. Không từ ngữ nào có thể mô tả được cảm giác đó”, bố Ying nói.

Tìm con trong tuyệt vọng

Quá hoảng loạn, gia đình tìm tới cảnh sát nhưng người ta không tiếp nhận những trường hợp trẻ em biến mất khi chưa đủ 24 tiếng. Rồi sau đó, cảnh sát cũng chẳng mấy quan tâm tới trường hợp của Ying. Thậm chí, các sở cảnh sát khu vực đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và không ai muốn giải quyết vụ việc nan giải này.

Khi không thể trông chờ vào cảnh sát, bố Ying lang thang trên phố tìm con. 70 người thân, bạn bè của gia đình cũng được huy động để tham gia cuộc tìm kiếm trong tuyệt vọng. Cô bé vẫn bặt vô âm tín.

Đó là khởi đầu cho một cuộc tìm kiếm đẫm nước mắt kéo dài suốt cả thập kỷ.

 Bố con Ying đoàn tụ sau nhiều năm xa cách nhưng nhiều gia đình khác không có được may mắn ấy.
Bố con Ying đoàn tụ sau nhiều năm xa cách
nhưng nhiều gia đình khác không có được may mắn ấy.

Bố Ying bỏ việc và lang thang khắp đất nước để tìm con trong đau đớn và tuyệt vọng. Ông phát tờ rơi, hỏi thăm hay đăng tin trên truyền thông và Internet với hy vọng tìm thấy cô con gái nhỏ. Có lúc người bố khốn khổ còn bị cảnh sát bắt và đuổi khỏi địa phương với cáo buộc “gây rối trật tự” hay bị những kẻ lưu manh lừa tiền. Tuy nhiên, khát vọng tìm con của ông chưa bao giờ vơi bớt.

Trong hành trình tìm con, bố của Ying đôi lúc đồng hành cùng Wu Xinghu, một ông bố có con trai 1 tuổi bị bắt cóc đêm 19/12/2008. “Ngày tồi tệ đó chẳng khác gì với những ngày khác. Khi thấy tôi đi làm về, Jiacheng xòe tay đòi bế. Nó còn chưa biết nói nhưng tôi nhớ mọi cử chỉ và sự biểu cảm của nó”, Wu kể về buổi tối cuối cùng ở bên cậu con trai nhỏ. Vài giờ sau, Jiacheng bị bắt cóc từ chính chiếc giường của gia đình.

Nỗi đau thay đổi cả xã hội

Bộ Công an Trung Quốc cho rằng các học giả phóng đại số trẻ bị mất tích. Tuy nhiên, họ từ chối bình luận về những gì bài báo của Washington Post đã nêu. Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, vào năm 2014, công an Trung Quốc giải cứu được 4.000 trẻ em bị bắt cóc. Tuy nhiên, trong chiến dịch kéo dài từ năm 2009 đến 2012, người ta đã giải cứu được 35.000 trẻ em và bắt giữ 9.000 băng nhóm buôn người.

Bệnh thành tích là một trong những lý do khiến cảnh sát nhiều địa phương không những không mặn mà giải quyết các vụ trẻ em mất tích mà ngược lại còn muốn che đậy chúng. Tuy nhiên, thái độ với vấn đề này đang dần thay đổi bởi sự góp mặt của Internet và mạng xã hội.

Được thành lập từ năm 2007, một trang web có tên Baobeihuijia (Trẻ về nhà) đã thu hút được 36.741 bố mẹ mất con và 30.370 trẻ em bị bắt cóc cần tìm bố mẹ. Đây chính là cầu nối giúp 1.963 gia đình được đoàn tụ. Hiện tại, Chính quyền Trung ương Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng một cơ sở dữ liệu DNA để giúp các bậc cha mẹ có thể tìm được con cái mất tích.

Tuy nhiên, những câu chuyện với kết thúc có hậu dường như cũng không nhiều. Ying là một trường hợp hiếm hoi. Ở tuổi 15, khi được cho một chiếc điện thoại thông minh, Ying đã lên mạng để tìm cha mẹ. Bị bắt cóc lúc 5 tuổi nhưng điều duy nhất Ying nhớ được là “Dabaiyang”. Cô đăng đàn và hỏi xem đây có phải là tên một ngôi làng hay một tuyến phố nào đó.

Chỉ vài phút sau, Ying nhận được câu trả lời. Đó là một vùng ngoại ô Tây An. Kể câu chuyện đời mình cho một phụ nữ trên mạng, Ying nhận được sự thấu hiểu. Thật may mắn, người đó nhanh chóng tìm ra bố của cô bé, người miệt mài tìm con suốt 10 năm trời. Vài giờ sau, hai cha con có thể tiếp xúc với nhau sau nhiều năm dài ly biệt.

Ying chắc chắn đó là cha mình nhưng bố cô lại tỏ ra thận trọng vì ông quá nhiều lần bị những kẻ giả mạo lừa đảo. Quá quen với sự thất vọng, cha cô bé chọn cách tiếp cận từ từ để biết đây có phải con mình hay không. Sau 3 ngày trò chuyện, vết sẹo trên tay Ying đã khiến cha cô tin phép màu thực sự xảy ra. 10 ngày sau, Ying trở lại với gia đình, nơi cô từng bị cướp đi.

Tuy nhiên, Wu Xinghu không có may mắn như bố Ying và những cuộc tìm kiếm trong tuyệt vọng của người cha khốn khổ vẫn sẽ tiếp tục mà chưa biết tới hồi kết.

Các tin khác