Báo chí thời công nghệ số: Gian nan định vị vị thế tồn tại

(ĐTTCO) - Sự hình thành và phát triển của các loại hình báo chí luôn gắn liền với những phát minh công nghệ.
 Những tờ báo đầu tiên ra đời ở thế kỷ 16 sau khi máy in xuất hiện. Đến thế kỷ 19, thuật ngữ "phát thanh" ra đời khi radio thịnh hành. Cùng với đó, báo hình ra mắt không lâu sau thời điểm tivi được phát minh. Giai đoạn cuối thế kỷ 20, nhân loại chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của internet, thúc đẩy sự ra đời của báo điện tử. Và hiện tại là mạng xã hội với thông tin đa chiều. Trong bối cảnh này, báo giấy sẽ diệt vong nếu không tìm được hướng đi thích hợp.
Bùng nổ thông tin từ cách mạng công nghệ

Internet xuất hiện đã mang lại cho người dùng nhiều tiện ích, đặc biệt khả năng tìm kiếm thông tin qua các cỗ máy lớn như Google. Ngày nay, thay vì tìm kiếm thông tin qua những trang báo giấy truyền thống, độc giả ngày càng tìm đến những nguồn tin trên mạng như các trang tin điện tử, diễn đàn, blog… Trong khi báo giấy giới hạn nhà xuất bản và người viết, thì internet cho hàng ngàn người có cơ hội trở thành “nhà báo” thông qua mạng xã hội hay những dịch vụ trực tuyến khác. 

Tiếp đó, sự phổ biến của điện thoại thông minh đã đẩy khả năng tiếp cận thông tin của người dân lên một tầm cao mới, khi người ta có thể đọc tin tức bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào trên điện thoại di động của mình. Tính đến năm 2016, tại Hoa Kỳ có hơn 80% người dân đọc báo điện tử, tỷ lệ này ở Anh, Australia và Canada hơn 70%.
Theo Hiệp hội Báo chí Hoa Kỳ, hơn một nửa số độc giả báo điện tử chỉ sử dụng các thiết bị di động (smartphone hay máy tính bảng); 10 tờ báo điện tử hàng đầu ở Hoa Kỳ có trung bình 37% độc giả chỉ truy cập qua điện thoại di động và 31% khác truy cập qua cả điện thoại di động và máy tính để bàn. Ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Australia và Canada, hơn 1/3 dân số trưởng thành sử dụng điện thoại di động để truy cập tin tức và con số này đang tăng trưởng rất nhanh.

Cuộc cách mạng công nghệ đã hướng độc giả đến những tờ nhật báo có thể phản ánh được những thay đổi từng phút như các cổng web, blog hay các dịch vụ thông tin như Twitter. Sự phát triển của internet băng thông rộng đồng nghĩa độc giả ngày càng có thể tiếp cận nhiều hơn với những nguồn thông tin cập nhật liên tục như vậy. Ngoài việc có thể cập nhật liên tục từng phút, báo điện tử và mạng xã hội còn có ưu điểm là truyền thông đa phương tiện, không chỉ mang lại hình ảnh sống động mà còn có cả âm thanh và video. Quan trọng hơn, hầu hết báo điện tử đều là miễn phí.
Và khi trình độ nhận thức của con người lên cao, người ta không chỉ muốn cập nhật thông tin đơn thuần, mà còn muốn tiếp nhận một cách đa chiều và tìm đến những nhóm người có chung sở thích, chung nhận định để bàn luận, tìm hiểu cả những thông tin “không chính thống”. Và mạng xã hội đủ sức đáp ứng hoàn hảo các yêu cầu đó.
Báo chí thời công nghệ số: Gian nan định vị vị thế tồn tại ảnh 1
Báo in thoái trào
Trong những năm gần đây, số tờ báo bị phá sản, đóng cửa tăng vọt, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi sa thải tới 1/5 tổng số nhà báo kể từ năm 2001. Lượng độc giả của báo giấy Hoa Kỳ giảm 2% mỗi năm, riêng năm 2008 giảm tới 23%. Hàng loạt tờ báo ở các thành thị lớn bị đóng cửa hoặc phải cắt giảm số ấn phẩm trong bối cảnh độc giả sa sút nghiêm trọng, như các tờ The Rocky Mountain News (đóng cửa năm 2009), The Seattle Post-Intelligencer (chuyển qua báo điện tử), The San Francisco Chronicle (suýt đóng cửa)... Tờ báo lâu đời nhất của bang Arizona là Tucson Citizen đã ngừng xuất bản vào năm 2009, khi công ty mẹ Gannett không tìm được người mua.
Những tờ báo khác chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc. The McClatchy Company, công ty báo chí lớn thứ 3 Hoa Kỳ, có cổ phiếu mất giá hơn 98%, xuống dưới 1USD/cổ phiếu và có nguy cơ bị ngừng niêm yết trên NYSE. Từ năm 2008-2009, có 3 chuỗi báo chí khác cũng bị dừng niêm yết trên NYSE. Những công ty báo chí lừng danh như The New York Times Company cũng không tránh khỏi sức ép chung, cổ phiếu của công ty sụt xuống dưới 5USD, buộc công ty phải giảm cổ tức, bán bớt và cho thuê các trụ sở, đồng thời mời cháo bán cổ phần cho tỷ phú Mexico Carlos Slim để giảm bớt áp lực tài chính. Ngay cả News Corp., công ty truyền thông của tỷ phú Rupert Murdoch, cũng bị tổn hại nặng nề. 

Tại Anh, các nhà phát hành báo giấy cũng bị những tổn thương tương tự. Tháng 1-2009, hệ thống Associated Newspapers bán cổ phần kiểm soát trong tờ London Evening Standard khi tờ này công bố doanh thu giảm 24%. Tháng 3-2009, tờ Daily Mail và General Trust cho biết sẽ cắt giảm nhân sự mạnh tay.
Tính đến cuối năm 2009, cứ 10 tờ báo ở Anh có 1 tờ giảm tần suất phát hành hoặc đóng cửa báo. Tháng 3-2016, tờ The Independent và The Sunday Independent chính thức ngừng ấn bản báo tin, chỉ còn phiên bản điện tử. 2 tờ báo lớn khác của Anh gồm Financial Times (Thời báo Tài chính) và The Guardian (Người Bảo vệ) cũng bắt đầu lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu, tinh giản biên chế nhằm bù đắp thâm hụt doanh thu.

Cũng trong tháng 3-2016, công ty truyền thông lớn nhất Australia Fairfax Media đã tuyên bố cắt giảm 120 việc làm ở 3 tờ báo giấy lớn của nước này, gồm: The Australian Financial Review, The Age và tờ báo 185 năm tuổi Sydney Morning Herald.
Như vậy, cho tới nay Fairfax đã cắt giảm 1.900 việc làm, tương đương với 1/5 nhân viên của công ty vào năm 2012 và tiếp tục thực hiện việc cắt giảm nhân viên. Những khó khăn không chỉ đối mặt với Hoa Kỳ, Anh hay Australia. Chẳng hạn, báo giấy ở Thụy Sĩ và Hà Lan đã bị mất đến 50% khách hàng quảng cáo truyền thống vào tay internet. 

Chiến lược tồn tại

2016 là năm thứ ba liên tiếp cuộc khảo sát CareerCast về những công việc tốt nhất và tồi tệ nhất ở Hoa Kỳ, cho biết phóng viên báo chí là nghề nghiệp tồi tệ nhất, vì có triển vọng việc làm ít hơn do các ấn phẩm bị đóng cửa và giảm doanh thu quảng cáo, dẫn đến lương và thu nhập cũng ít hơn. Trong bối cảnh lợi nhuận báo giấy ngày càng sút giảm, các nhà phân tích dự báo trong tương lai các tòa báo sẽ không thể đơn thuần là báo in, mà phải là sự kết hợp giữa báo in và internet, hay thậm chí chuyển đổi hoàn toàn qua báo internet như các tờ Seattle Post-Intelligencer, Christian Science Monitor và Ann Arbor News. 

Dù vậy, vẫn có những mảng sáng trong ngành báo giấy. Ở một số nước, như Ấn Độ, báo giấy vẫn phổ biến hơn truyền thông internet và phát sóng. Ngay cả ở những nơi hiện đại như Bắc Mỹ hay châu Âu, vẫn có những câu chuyện thành công như tờ Metro International của Thụy Điển, hoặc những tờ báo hướng đến các thị trường địa phương ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nhìn chung, doanh số báo giấy vẫn tăng lên ở Mỹ Latin, châu Á và Trung Đông. 
 Sẽ có một tỷ lệ độc giả từ chối sử dụng internet và màn hình điện tử, vẫn trung thành với các tờ báo giấy. Tỷ lệ này có thể ngày một ít đi, nhưng dù ở đâu và lúc nào cũng vẫn tồn tại. Họ là những người đã làm việc quá nhiều trên màn hình máy tính, điện thoại, nên muốn thư giãn bằng báo giấy và mực in. Có rất nhiều độc giả báo điện tử đều có khuynh hướng chặn quảng cáo. Giá trị của quảng cáo in là một tỷ lệ đáng kể dân số sẽ thấy cùng một quảng cáo, không giống như các quảng cáo trên internet thường chuyên biệt hóa  dưới dạng thức chung.

Các tin khác