Bài toán xe điện và ô nhiễm

(ĐTTCO) - Không còn hào nhoáng như cách đây vài thập niên khi mới ra mắt với lời hứa hẹn sẽ giúp bảo vệ môi trường, giờ đây sau khoảng hơn hai thập niên vận hành, ngành công nghiệp xe điện đang phải đối mặt với nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hiện hữu. 

Nhiều quốc gia hiện nay đã bắt đầu dè dặt và hạn chế xe điện, những loại ắc quy mới với các tính năng nổi trội được đưa ra, tạo ra một cuộc chiến ngầm giữa các công ty sản xuất ắc quy với nhau.

Hệ lụy từ Trung Quốc
Hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đưa tin, hôm 14-11, thành phố Hoài An (tỉnh Giang Tô) của nước này đã mở phiên tòa xét xử vụ một công ty sử dụng ắc quy tái chế của xe điện để lắp ráp vào các xe điện khác, gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhà máy này đã hoạt động từ tháng 3-2016 đến tháng 9-2017, sử dụng hơn 30 người để nấu chảy chì từ hơn 15.000 tấn pin đã qua sử dụng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Kinh ước tính sẽ mất ít nhất 20 triệu NDT (2,88 triệu USD) để khắc phục thiệt hại môi trường từ nhà máy này.
Trong những năm trở lại đây, Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng sau những thập niên tăng trưởng nóng. Giờ đây khi mật độ dân số tăng cao, kéo theo nhu cầu đi lại bùng nổ, nguồn dầu mỏ có hạn và ô nhiễm không khí nặng, Trung Quốc đang hướng tới những phương tiện thân thiện môi trường như xe điện, và ắc quy là một yếu tố chủ chốt cho kế hoạch này. Tuy nhiên, do nhu cầu cần chì để sản xuất ắc quy xe điện tăng cao, đã dẫn đến nguồn cung chì khan hiếm và đẩy giá chì lên cao. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc nở rộ tràn lan các doanh nghiệp tái chế pin bất hợp pháp tại nước này, bất chấp không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cũng như các tiêu chí về bảo vệ môi trường.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về xe điện (EVs), và nước này đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu chiếc/năm vào năm 2020. Hiện nay, ngoài 250 triệu xe tay ga điện, Trung Quốc có khoảng 3 triệu xe ô tô điện, hầu hết trong số này sẽ cần phải thay thế ắc quy trong vòng một thập niên tới. Trước đó, từ năm 2012, Trung Quốc đã chi hàng tỷ NDT nhằm hỗ trợ ngành xe điện. Điển hình là kế hoạch biến Công ty BYD có trụ sở tại Thâm Quyến, với 10% vốn đầu tư từ quỹ Berkshire Hathaway của Warren Buffett, thành công ty sản xuất xe điện và xe bus lớn nhất thế giới. Tổng giá trị vốn hóa của BYD hiện là 18,7 tỷ USD. 
Bài toán xe điện và ô nhiễm ảnh 1 Trung Quốc sắp có cả núi pin rác vì đợt bùng nổ xe điện. 
Theo Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh, Trung Quốc xây dựng kế hoạch “Công nghiệp Chế tạo Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) vì mục tiêu bảo vệ môi trường, trong đó xe điện là một trong những hạng mục trọng điểm, đã được đầu tư hàng chục tỷ USD nhằm khuyến khích sản xuất. Song việc Trung Quốc sản xuất xe điện hàng loạt không thể đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, trái lại còn gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Cuộc chiến ắc quy
Kể từ thập niên 1980, ngành sản xuất ắc quy đã bị thống trị bởi những công ty Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng hiện nay Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc năm 2013 để trở thành nhà sản xuất ắc quy lithium lớn nhất thế giới cho các thiết bị điện tử. Chính điều này đã tạo tiền đề cho ngành xe điện Trung Quốc bùng nổ chỉ một năm sau đó, và năm 2016 có khoảng 507.000 ắc quy cho xe điện đã được bán tại Trung Quốc.
Theo số liệu đánh giá của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ), sản lượng ắc quy thế giới sẽ tăng 521% vào năm 2020, riêng Trung Quốc tăng 6 lần và chiếm 62% sản lượng vào năm 2020. Nhìn lại lịch sử, năm 1981, hãng Sony (Nhật Bản) bắt đầu thương mại hóa dòng ắc quy lithium và làm thay đổi cả thị trường thiết bị điện tử. Kể từ đó, những dòng sản phẩm từ máy nghe nhạc cho đến điện thoại iPhone đều có dính dáng đến nguồn năng lượng này.
Ngày nay, ắc quy lithium tiếp tục được ứng dụng vào giao thông vận tải và góp phần giảm sự phụ thuộc của con người vào dầu mỏ. Còn theo Bloomberg New Energy Finance, nếu các công ty Trung Quốc hoàn thành mục tiêu của mình, họ có thể sản xuất 121 GW ắc quy vào năm 2020, mỗi GW ắc quy có thể trang bị cho khoảng 40.000 chiếc xe điện chạy trong vòng 100km. 
Với mục tiêu hạn chế số lần sạc điện cho xe điện, cuộc chiến ngành ắc quy hiện nay đang vô cùng nóng bỏng. Hiện Hàn Quốc đang vượt hơn Trung Quốc về công nghệ, với nhiều thương hiệu tên tuổi như LG Chem, Samsung SDI. Nhật Bản cũng không chịu kém cạnh với tên tuổi của Panasonic. Dẫu vậy, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều không có được nhiều hậu thuẫn cho các doanh nghiệp như Trung Quốc, nhất là khi thị trường tiêu thụ xe điện của nước này đang bùng nổ chóng mặt.
Như Nhật Bản, trong suốt 20 năm qua luôn tự hào với một nền công nghệ phát triển và hiển nhiên họ cảm thấy tự tin trong mảng ắc quy. Song, vị trí thống trị của nước này trong hàng loạt mảng như chất bán dẫn, tivi, điện thoại di động… đã dần bị các nước Hàn Quốc, Trung Quốc vượt qua trong thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, mảng ắc quy là trận chiến mà Nhật Bản khó lòng muốn thua trận, khi nhiều chuyên gia nhận định ắc quy sẽ là nguồn năng lượng mới cho nhiều thiết bị của kỷ nguyên công nghệ 4.0. Trong những năm gần đây, các hợp đồng mua bán trong ngành ắc quy Nhật Bản đã tăng mạnh. Hàng loạt công ty như Ube Industries, Sumitomo hay Central Glass đã đầu tư mạnh vào ngành ắc quy khắp châu Á.
Xe điện không có khí thải trực tiếp ra môi trường như xe máy, ô tô, nhưng xe điện sử dụng nhiều ắc quy chì. Mỗi xe đạp hoặc máy điện thường gắn 3-4 bình ắc quy, mỗi bình ắc quy có tuổi thọ 2 năm. Nếu có khoảng 1 vạn xe đạp điện thì hai năm sẽ có 3-4 vạn ắc quy chì phế liệu thải ra môi trường. Do đó, bên cạnh khâu sản xuất xe điện, cũng phải tính đến việc xử lý chất thải nguy hại do loại xe này gây ra.

Các tin khác