Bài toán chưa có lời giải

(ĐTTCO) - Tranh chấp lâu nay giữa Philippines và Canada liên quan đến vấn đề rác thải nhập khẩu đã được đẩy lên một mức độ mới, sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 23-4 khẳng định sẽ “tuyên chiến” với Ottawa trong vấn đề này.

 Ông Duterte còn cảnh báo, nếu Ottawa không hành động, trong tuần tới Manila sẽ đưa hơn 100 container rác thải trở lại Canada.

Trước đó, Manila đã nhiều lần gửi công hàm ngoại giao phản đối Ottawa liên quan đến hàng tấn rác thải sinh hoạt và điện tử được chuyển từ Canada tới Philippines trong thời gian 2013-2014. Những container rác này được nhập khẩu dưới hình thức nhựa để tái chế. Đến nay, phía Canada vẫn cho rằng đây là một hoạt động giao dịch thương mại không được chính phủ hậu thuẫn.

Một container rác Canada xuất sang Philippines. (Nguồn: eco-business.com)

Một container rác Canada xuất sang Philippines. (Nguồn: eco-business.com)

 Tuần trước, một luật sư tỉnh British Columbia của Canada nhận định Ottawa đã vi phạm Công ước Basel, vốn cấm các nước phát triển chuyển rác thải độc hại hay nguy hiểm sang các nước đang phát triển mà không được sự đồng ý của nước tiếp nhận.

Một số tổ chức bảo vệ môi trường cũng đã đề nghị Thủ tướng Trudeau đưa các container rác về Canada để xử lý. Vấn đề rác thải nhựa không dừng lại ở một quốc gia riêng lẻ như Philippines mà hiện đã lan khắp khu vực Đông Nam Á và một số nước phương Tây. Tại Malaysia, các số liệu chính thức cho thấy nhập khẩu nhựa của quốc gia này là 870.000 tấn năm 2018, tăng gấp 3 lần so với năm 2016.

Một báo cáo của Liên minh Toàn cầu các biện pháp thay thế đốt rác (GAIA) và Hòa bình Xanh Đông Á công bố ngày 23-4 cũng cảnh báo các quốc gia châu Á đang trở thành vựa chứa nhựa tái chế toàn cầu bởi ở nơi đây, rác thải nhựa được thải loại, chôn giấu và đốt một cách bất hợp pháp, với những quy định quản lý lỏng lẻo.

Dựa trên phân tích số liệu hoạt động của 21 nhà xuất khẩu và nhập khẩu rác thải tái chế trong giai đoạn từ 2016 tới 2018, báo cáo chỉ ra rác thải nhựa nhập khẩu vào các nước Đông Nam Á tăng mạnh từ giữa năm 2017 tới đầu năm 2018, cùng với đó các hoạt động chôn vùi hay đốt rác nơi công cộng một cách bất hợp pháp cũng gia tăng, khiến các nguồn nước ô nhiễm, mùa màng thất thu…

Các chuyên gia của GAIA cho rằng trong khi ở nhiều nơi, người dân vẫn tin rằng rác thải nhựa mà họ đẩy ra môi trường hàng ngày sẽ được tái chế ở đâu đó thì trên thực tế, chúng được dồn tới các quốc gia không có hệ thống xử lý rác thải hiệu quả, đồng nghĩa với việc tình trạng ô nhiễm đang đổ dồn về phía Nam bán cầu. Không chỉ khu vực Đông Nam Á đang bị ngập trong rác thải nhựa, ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Australia và châu Âu, rác thải nhựa cũng bắt đầu chất đống.

Các quốc gia thành viên của Công ước Basel, công ước toàn cầu về quản lý vận chuyển rác thải độc hại xuyên biên giới, sẽ họp tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 29-4 tới để thảo luận và ra quyết định về một đề xuất của Na Uy nhằm tạo ra một cơ chế minh bạch hơn trong quản lý trao đổi rác thải nhựa.

Nếu đề xuất nhận được ủng hộ, các nhà xuất khẩu rác thải nhựa sẽ phải xin ý kiến từ quốc gia nhập khẩu trước khi hoạt động xuất khẩu diễn ra và phải cung cấp thông tin cụ thể về khối lượng và loại rác thải. Dù vậy, trên thực tế, cho tới nay con người mới chỉ tái chế được 9% số nhựa được sản xuất trên toàn cầu. Vì vậy, giải pháp lâu dài duy nhất để tháo gỡ cuộc khủng hoảng rác thải nhựa là hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa.

Các tin khác