Anh - EU bước vào cuộc đàm phán Brexit khó khăn

(ĐTTCO) - Ngày 19.6, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Anh rời Liên minh Châu Âu (Brexit), ông Davis Davis, cùng quan chức EU bắt đầu các cuộc đàm phán để xác định các điều khoản “ly hôn”, và mối quan hệ của Anh với lục địa già trong những năm tiếp theo. Ông Davis gặp nhà đàm phán chính của EU - ông Michel Barnier - một cựu Bộ trưởng Pháp trong cuộc họp kéo dài 7 tiếng, sau đó hai bên có cuộc họp báo chung.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters

Giới chức của cả Anh và EU không kỳ vọng lắm vào kết quả đạt được trong một ngày. Những tưởng cuộc bầu cử ở Anh đem đến lợi thế cho Thủ tướng Theresa May trong đàm phán Brexit, nhưng việc đảng Bảo thủ của bà May mất đa số ghế tại Quốc hội khiến tình hình chính trị ở Anh trở nên rối ren và bất ổn hơn. Sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, đồng bảng Anh cũng sụt giảm mạnh trên thị trường tiền tệ. Điều này sẽ càng khiến bà Theresa May gặp khó trong việc kiểm soát quá trình Brexit.

Brexit nào?

Trong khi những người theo trường phái Brexit ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của bà May đoạn tuyệt với thị trường đơn nhất và liên minh hải quan, thì Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và một số quan chức khác hồi đầu tháng này đã kêu gọi một “Brexit ít cứng hơn”, và duy trì mối quan hệ chặt chẽ về hải quan. Brexit cũng đặt ra mối đe doạ mới về sự toàn vẹn của Anh, khi làn sóng bất mãn ở Scotland và Bắc Ireland - hai khu vực thân EU - gia tăng vì phải đối mặt với đường biên giới mới của EU.

Trong khi đó, Brussels muốn giành ưu tiên đảm bảo quyền lợi cho 3 triệu công dân EU ở Anh và đòi khoản tiền hàng tỉ euro mà London phải trả khi ra đi. EU cũng chống lại đòi hỏi của Anh để tổ chức ngay các cuộc đàm phán về một thoả thuận thương mại tự do trong tương lai. EU nhấn mạnh rằng, nên đợi đến lúc một thoả thuận phác thảo về các điều khoản ly hôn được thống nhất, mà lý tưởng nhất là cuối năm nay.

Tuy nhiên, EU vẫn chưa rõ ràng về những gì người Anh muốn từ Brexit, sau cuộc bầu cử gây thất vọng với Thủ tướng Theresa May khi bà mất đa số. “Điều đó cũng gây ra những bất trắc mới và vẫn còn đó câu hỏi lớn về lập trường của Anh” - tờ Guardian dẫn lời Bộ trưởng Châu Âu của Italia, ông Sandro Gozi.

Nóng vấn đề nhập cư

Một chủ đề nóng nữa trong đàm phán Brexit là vấn đề nhập cư. Theo một nghiên cứu chi tiết của hãng tư vấn RepGraph, kế hoạch hậu Brexit của Thủ tướng Theresa May nhằm cắt giảm người nhập cư sẽ gây tổn hại gấp đôi với nền kinh tế Anh. Nghiên cứu cho thấy, việc từ chối hàng nghìn người nhập cư không chỉ làm mất một nguồn cung lao động quan trọng, mà còn làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt nhân lực hiện tại trong các lĩnh vực then chốt. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, mục tiêu của chính phủ nhằm giảm nhập cư hàng năm xuống dưới 100.000 người sẽ ảnh hưởng không cân xứng đến các ngành đang thiếu hụt nhân công hiện tại, như thực phẩm, nhà ở, quản lý và hỗ trợ, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe, sản xuất và xây dựng.

Nghiên cứu của RepGraph cho thấy, 2,1 triệu công dân EU chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong lực lượng lao động của Anh, khoảng 7%, nhưng chỉ 1/5 là công việc có tay nghề cao, mà tuyển dụng nhiều nhất là ở London và vùng đông nam. Trong 10 lĩnh vực thiếu hụt nghiêm trọng nhất, tới 7 lĩnh vực có nhân công nhập cư EU trên mức trung bình, khoảng 16%, so với 7% của cả nền kinh tế nói chung. Nghiên cứu kết luận, bất kỳ sự sụt giảm nào về người nhập cư EU do đó cũng ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế Anh.

Nhóm tư vấn độc lập đứng sau nghiên cứu này thúc giục chính phủ Anh đưa ra chính sách nhập cư dựa trên nhu cầu kinh tế, thay vì khăng khăng đây là mục tiêu số một của bà May. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammon đang sử dụng vai trò mới của mình để thúc đẩy bà May áp dụng phương thức tiếp cận “việc làm trước tiên”, nhưng các bộ trưởng ủng hộ Brexit lại yêu cầu Thủ tướng duy trì quan điểm cứng rắn về nhập cư.

Các tin khác