Ấn kiều - “nhiên liệu” kinh tế Ấn Độ

Ấn Độ hiện có khoảng 20 triệu Ấn kiều sinh sống ở nước ngoài, trong đó có 200.000 triệu phú ở Hoa Kỳ. Những Ấn kiều thành đạt trở về quê hương sử dụng những kỹ năng và quan hệ đã tích lũy được ở nước ngoài để “tiếp nhiên liệu” cho cuộc chấn hưng kinh tế đất nước. Họ đang góp phần giúp Ấn Độ từng bước trở thành siêu cường quốc trên thế giới.

Ấn Độ hiện có khoảng 20 triệu Ấn kiều sinh sống ở nước ngoài, trong đó có 200.000 triệu phú ở Hoa Kỳ. Những Ấn kiều thành đạt trở về quê hương sử dụng những kỹ năng và quan hệ đã tích lũy được ở nước ngoài để “tiếp nhiên liệu” cho cuộc chấn hưng kinh tế đất nước. Họ đang góp phần giúp Ấn Độ từng bước trở thành siêu cường quốc trên thế giới.

Lakshmi Mittal, ông chủ Tập đoàn Thép lớn nhất thế giới Mittal-Arcelor, đã quyết định đầu tư 9 tỷ USD xây dựng nhà máy thép ở Jharkland - cho đến nay là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn kiều. Các nhà công nghiệp gốc Ấn tại Hoa Kỳ liên hệ chặt chẽ với chính quyền trong nước để hợp tác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trường hợp của Rajat Gupta cũng là một thí dụ. Rời Ấn Độ 20 năm trước, làm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey & Co, ông đã thành lập Hệ thống Trường Kinh doanh Ấn Độ (ISB) và Quỹ Y tế cộng đồng Ấn Độ (PHFI). 6 năm sau ngày khai giảng đầu tiên, ISB đã trở thành trường kinh doanh lớn thứ 8 trên thế giới, còn PHFI đào tạo mỗi năm 10.000 bác sĩ.

Trong những năm gần đây, cộng đồng Ấn kiều cũng thay đổi. Từ hàng ngũ công nhân và chuyên viên đã hình thành một tập thể các nhà doanh nghiệp gốc Ấn năng động. Ngân hàng JPMorgan nhận định cộng đồng Ấn kiều là đòn bẩy hùng mạnh giúp Ấn Độ đạt được, thậm chí vượt qua, mức tăng trưởng dự báo 10%/năm.

Cộng đồng doanh nhân Ấn Độ còn thành lập một mạng lưới các doanh nhân Ấn kiều có tên là Indus Entrepreneurs, lo việc hướng dẫn các doanh nhân trẻ đầu tư về nước và đóng góp hơn 200 tỷ USD cho các công ty mới khởi nghiệp.

Tỷ phú của Tập đoàn Google là Ram Shriram đang cấp vốn cho nhiều doanh nghiệp Ấn Độ. Còn người sáng lập Hotmail là Sabeer Bhatia (ảnh) có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào một dự án hạ tầng ở Haryana mà ông tin rằng sẽ là Thung lũng Silicon thứ hai…

Vũ khí bí mật của Ấn Độ không chỉ là những dự án đầu tư của các doanh nhân Ấn kiều, mà còn từ lượng kiều hối gửi về quê nhà. Khi quan hệ giữa Ấn kiều và Chính phủ còn lạnh nhạt, 20 triệu người Ấn ở nước ngoài, với thu nhập bình quân 160 tỷ USD mỗi năm, chỉ gửi về quê 4 tỷ USD.

Nhưng từ khi Chính phủ Ấn Độ nỗ lực cải cách kinh tế song song với việc cải thiện mối quan hệ với người Ấn xa xứ, lượng kiều hối đã tăng nhanh chóng cùng với sự trở về nước kinh doanh của Ấn kiều: 11 tỷ USD năm 1995, 22 tỷ USD năm 2005 và gần 28 tỷ USD vào năm 2007. Đó là chưa kể, từ năm 2005 Ấn kiều cũng đã gửi 32 tỷ USD tiết kiệm vào các ngân hàng Ấn Độ để hưởng lãi suất ưu đãi.

Nguồn vốn này bằng 23% dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ, đã giúp cân bằng cán cân thương mại đồng thời ngăn chặn lạm phát hiệu quả ở một nước mà cán cân thanh toán quốc gia và cán cân thương mại thường xuyên bị thâm thủng. Ngoài ra, theo các nhà đầu tư địa phương, chính nguồn vốn đầu tư gián tiếp của Ấn kiều là yếu tố thúc đẩy chỉ số chứng khoán Ấn Độ tăng đến 300% từ năm 2003 đến nay.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về vấn đề di cư và kiều hối, với 27 tỷ USD từ kiều dân gửi về trong 6 tháng đầu tài khóa 2010-2011 (kết thúc ngày 31-3 hàng năm), Ấn Độ tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới về nhận kiều hối.

Lượng kiều hối Ấn Độ nhận được trong tài khóa 2008-2009 và 2009-2010 lần lượt là 46,9 tỷ USD và 53,9 tỷ USD. Dự kiến, tổng số tiền Ấn Độ nhận từ cộng đồng người Ấn trên thế giới trong năm nay có thể tăng lên 55 tỷ USD. 

Các tin khác