Ấn Độ tăng trưởng chậm lại

Kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng chậm chạp nhất trong vòng 2 năm gần đây, cả 2 ngành công nghiệp sản xuất và khai khoáng đều uể oải. Số liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP Ấn Độ từ tháng 7 đến tháng 9-2011 giảm xuống 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP đã sụt gần 1% so với quý trước đó. Những biện pháp của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đưa ra theo hướng tăng lãi suất cơ bản, từ tháng 3-2010 tới cuối tháng 10-2011 với 13 lần tăng lãi suất lên 8,5% nhằm đối phó lạm phát, đã có tác dụng phụ là làm tổn thương hoạt động  mở rộng công nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.

Hiện có một số mối lo ngại rằng Ấn Độ sẽ rơi vào tình trạng “hard landing”, nói nôm na là trạng thái rối loạn vì những nguy cơ khách quan và chủ quan, như khủng hoảng nợ công châu Âu, suy thoái kinh tế toàn cầu, “dịch” lạm phát lan rộng, mất cân bằng cơ cấu nợ chính phủ và những xì căng đan tham nhũng…

Sự yếu kém hiện diện trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, mà sản xuất và khai khoáng là 2 trong số những lĩnh vực tệ nhất. Tổ chức thống kê trung ương cho biết trong 3 tháng (tính tới tháng 9), sản xuất tăng vỏn vẹn 2,7%, tuột dốc thảm hại nếu so với tốc độ tăng 7,2% trong 3 tháng trước đó, hoặc 7,8% của cùng kỳ năm ngoái.

Tuần trước, Ấn Độ chấp nhận mở cửa thị trường bán lẻ cho các chuỗi siêu thị nước ngoài tham gia. Theo quyết định của Nội các Ấn Độ, các cửa hàng bán lẻ một nhãn hiệu (như Apple hay Reebok) được nâng tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài từ 51% lên 100%, đồng thời cho phép các tập đoàn như Wal-Mart, Tesco được mở các cửa hàng bán lẻ nhiều nhãn hiệu có tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài 51%.

Với quyết định mới, các nhà làm luật hy vọng người tiêu dùng được nhiều sự lựa chọn hơn, tăng sự cạnh tranh và chất lượng hàng hóa, qua đó kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng. 

Các tin khác