Ấn Độ lo nợ

Trong khi cuộc khủng hoảng nợ khiến Hoa Kỳ bị đánh tuột khỏi hạng tín nhiệm AAA và các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải mất ăn mất ngủ, tình hình nợ ở cường quốc mới nổi Ấn Độ cũng khiến nhiều người lo ngại.

Trong khi cuộc khủng hoảng nợ khiến Hoa Kỳ bị đánh tuột khỏi hạng tín nhiệm AAA và các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải mất ăn mất ngủ, tình hình nợ ở cường quốc mới nổi Ấn Độ cũng khiến nhiều người lo ngại.

Chỉ riêng nợ trong nước của Chính phủ Ấn Độ đã lên đến 37.700 tỷ rupee (829,4 tỷ USD) vào ngày 31-3, tương đương 77% GDP. Nợ doanh nghiệp cũng không nhỏ hơn, khoảng 30.000 tỷ rupee (660 tỷ USD) tính đến hết năm tài khóa 2010, tương đương 62% GDP. Nhưng quan trọng hơn, theo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) nợ nước ngoài của Ấn Độ đang ở mức 305,9 tỷ USD, tương đương 17,3% GDP. Con số này gần bằng dự trữ quốc gia 319 tỷ USD (tính đến ngày 29-7).

Nợ nước ngoài tăng 17,2%, hay 45 tỷ USD trong năm ngoái, chủ yếu vì hoạt động vay mượn thương mại, tín dụng mậu dịch ngắn hạn và vay mượn song phương, đa phương tăng mạnh. Và 60% nợ nước ngoài của Ấn Độ bằng USD. Vì vậy theo ước tính chi phí nợ của Ấn Độ, gồm vốn và lãi suất, đã lên gần 85 tỷ USD trong quý II.

RBI, có vai trò như ngân hàng trung ương, đã phải tung những “phao cứu sinh” cho các nhà cho vay Ấn Độ. Chẳng hạn, vào năm 2008, các ngân hàng được phép tái cấu trúc những khoản cho vay yếu kém mà không cần thừa nhận đó là nợ xấu. Những khoản nợ này chiếm 3-4% tất cả khoản vay.

Các nhà cho vay cũng được phép không ghi vào sổ những khoản thua lỗ đối với chủ nợ Air India, một công ty nhà nước đang hấp hối. Mới đây, ngân hàng lớn thứ 2 Ấn Độ, ICICI đã phải siết nợ một công ty viễn thông bằng cách thâu tóm một lượng cổ phần của công ty.

Diễn biến này bị nhìn nhận như một dấu hiện đáng lo cho cả ngành ngân hàng và các doanh nghiệp Ấn Độ. Các thị trường yếu kém, cuộc khủng hoảng nợ và lãi suất tăng sẽ càng khiến khả năng trả nợ cũng như vay mượn của các công ty khó khăn hơn. Các nhà cho vay thuộc sở hữu nhà nước, chiếm 70% thị phần trong nước, bày tỏ quan ngại về khả năng trả nợ của các nhà vay mượn sau khi nợ xấu gia tăng.

Thêm vào đó, sáng lập viên của nhiều công ty mang cổ phần của mình cầm cố để vay mượn, điều đó có nghĩa khi thị trường chứng khoán rớt điểm các ngân hàng sẽ càng chịu rủi ro hơn. Theo phúc trình hồi tháng 6 của Bank of America-Merrill Lynch, sáng lập viên của 17 công ty đã thế chấp hơn 90% cổ phần trị giá 33 tỷ USD tại ngân hàng để vay mượn.

“Đây là một điều quá liều lĩnh, giống như một ngọn lửa, nó sẽ làm tổn thương cả doanh nghiệp và ngân hàng. Có những nhà sáng lập của một vài công ty thế chấp hầu như 100% cổ phần của họ” - Jagannadham Thunuguntla, Giám đốc vốn của công ty chứng khoán SMC Capitals, nói.

Crisil, một công ty xếp hạng tín dụng của Ấn Độ nhưng có cổ phần đa số thuộc về Standard & Poor's, ước tính sẽ có nhiều vụ hạ bậc tín nhiệm và vỡ nợ đối với các công ty Ấn Độ trong những tháng tới. Nợ xấu trong ngành ngân hàng Ấn Độ dự báo tăng lên 2,6% tổng tài sản trong năm tài khóa này, so với 2,3% trong năm tài khóa trước. Tỷ lệ này trước đó dao động 2,3-2,4% từ năm 2008.

Theo Crishil, có tổng cộng 43 doanh nghiệp đã bị vỡ nợ trong quý II, tăng hơn 1/3 so với năm tài khóa kết thúc vào tháng 3-2011. Giới đầu tư đã hạ giá cổ phiếu ngành ngân hàng vì lo ngại chất lượng tín dụng, tăng trưởng chậm và lợi nhuận thấp trong một môi trường lãi suất tăng.

Thị giá cổ phiếu của các nhà cho vay lớn ở Ấn Độ như State Bank of India (SBI.NS), ICICI, Bank of India (BOI.NS) và Union Bank of India (UNBK.NS) giảm 18-22% từ đầu năm đến nay. “Lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng và nền kinh tế tăng trưởng chậm đang gây sức ép lên các khoản nợ của Ấn Độ” - Công ty chứng khoán IDFC Securities đánh giá.

Các tin khác