85% nhà đầu tư dự báo Hy Lạp vỡ nợ

Khảo sát mang tên Bloomberg Global Poll cho biết 85% nhà đầu tư được khảo sát tin rằng Hy Lạp sẽ vỡ nợ, trong khi hơn 50% dự báo tương tự đối với Bồ Đào Nha và Ireland.

Khảo sát mang tên Bloomberg Global Poll cho biết 85% nhà đầu tư được khảo sát tin rằng Hy Lạp sẽ vỡ nợ, trong khi hơn 50% dự báo tương tự đối với Bồ Đào Nha và Ireland.

Wilhelm Schroeder, một người tham gia khảo sát và là người quản lý 172 triệu USD cho Schroeder Equities GmbH ở Munich, nói: “Tất cả các nước đó sẽ bị sụp đổ ở một số lĩnh vực. Bởi lẽ không thể nhìn thấy viễn cảnh các nước đó thoát ra được cuộc khủng hoảng nợ của họ”.

Kết quả bi quan này cho thấy giới đầu tư vẫn không tin tưởng vào khả năng ngăn chặn vỡ nợ ở khu vực đồng EUR của các nhà hoạch định chính sách châu Âu, dù có dấu hiệu cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đang sẵn lòng gia hạn nợ cho gói 110 tỷ EUR đối với Hy Lạp.

Phí bảo hiểm chống vỡ nợ ở Hy Lạp đã chạm mức kỷ lục trong tuần này khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng nước này sẽ không giải quyết tốt cuộc khủng hoảng nợ. Khế ước bảo hiểm vỡ nợ (CDS) đối với nợ Hy Lạp chạm mức cao nhất mọi năm, cùng ngày với lợi suất trái phiếu 2 năm của xứ sở thần thoại chạm kỷ lục 25,6%.

Nợ gia tăng

Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp ngày càng cao. (Ảnh: internet)
Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp ngày càng cao.
(Ảnh: internet)

Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha buộc phải cầu cứu từ bên ngoài khi thâm hụt ngày càng nhiều, dẫn đến nguy cơ trái phiếu bị nhà đầu tư xa lánh. Sau 1 năm thực thi các biện pháp khắc khổ, Hy Lạp kết thúc năm tài chính 2010 với thâm hụt ngân sách tương đương 10,5% GDP, con số lớn thứ 2 trong khu vực, sau 32% của Ireland và xếp trên 9,1% của Bồ Đào Nha. Con số này cao gấp 3 lần so với giới hạn 3% của EU.

Trong khảo sát hàng quý, 59% người tham gia tin rằng Bồ Đào Nha sẽ vỡ nợ, tăng từ dưới 50% hồi đầu năm và 1/3 hồi tháng 6-2010. 55% người tham gia dự báo tương tự cho Ireland, tăng từ 53% hồi tháng 1 và 17% hồi tháng 6-2010. “Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đều có thể cần tái cấu trúc nợ. Họ ngày càng cần thêm nhiều tiền ứng cứu, và sẽ đến lúc các lực lượng bên ngoài quyết định thu lại phao cứu sinh và để cho các chủ nợ định đoạt” -theo James Shugg, một nhà kinh tế cao cấp của Westpac Banking Corp.

Giới đầu tư bày tỏ sự tin tưởng nhiều hơn đối với Tây Ban Nha, khi chỉ 25% tin rằng nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực EUR có thể vỡ nợ. 6% dự báo tương tự cho Hoa Kỳ và 5% cho Anh. 3 năm chìm vào suy thoái, chi phí vay mượn cao và doanh thu thuế yếu đã vô hiệu hóa những biện pháp khắc khổ của chính phủ. Nợ của Hy Lạp chạm 143% GDP vào năm ngoái, cao nhất khu vực EUR, và dự báo lên đến 159% vào năm tới. Standard & Poor’s đã cắt tín nhiệm nợ của Hy Lạp xuống 2 bậc, còn B từ BB-, và cảnh báo có thể hạ thêm.

Chi phí vay mượn

Các lãnh đạo tài chính đang cân nhắc việc ứng cứu thêm cho Hy Lạp trong bối cảnh lợi suất trái phiếu của nước này tăng chóng mặt khiến khả năng quay lại thị trường của Athens ngày càng xa vời.

Tại một cuộc họp bất thường ở Luxembourg hồi tuần trước, các lãnh đạo EU bàn bạc một “chương trình điều chỉnh xa hơn” cho Hy Lạp. Trong số các lựa chọn có việc nới lỏng các điều khoản hoàn nợ hoặc các điều kiện về thâm hụt cho gói ứng cứu đầu tiên. Một số nước yêu cầu Hy Lạp phải “thế chấp tài sản” để có thể vay mượn thêm. Một cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính châu Âu tại Brussels sẽ diễn ra trong ngày 16 và 17-5 để bàn thêm về tình hình Hy Lạp.

Bên cạnh Hy Lạp, Bồ Đào Nha đang đợi EU thông qua gói ứng cứu 78 tỷ EUR. Các nhà chức trách Ireland cũng đang chống lại những đồn đoán họ sẽ hủy bỏ những cam kết bảo đảm đối với các khoản vay nợ ngân hàng vào năm 2008. Thâm hụt của Ireland phình to lên hơn 30% GDP hồi năm ngoái do chi phí bảo hiểm cho các nhà băng, đẩy nước này vào tay các chủ nợ láng giềng vào tháng 11-2010.

Các tin khác