6 nước mới nổi sẽ chi phối kinh tế toàn cầu

Ảnh internet.
Ảnh internet.
Ảnh internet.

Nghiên cứu mới nhất công bố ngày 17-5 của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo 6 nền kinh tế mới nổi là Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Nga, Indonesia và Trung Quốc sẽ chiếm hơn 50% tổng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và sẽ chi phối cơ cấu kinh tế toàn cầu sau năm 2025.

Hệ thống tiền tệ quốc tế vào thời điểm này sẽ không còn bị chi phối bởi một đồng tiền duy nhất nữa.

Nghiên cứu “Các chân trời phát triển toàn cầu với một nền kinh tế toàn cầu mới đa cực” dự báo nhóm 6 nền kinh tế mới nổi nói trên sẽ tăng trưởng trung bình 4,7% hàng năm từ năm 2011 đến 2025.

Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển chỉ tăng trung bình 2,3% trong thời kỳ này nhưng vẫn còn vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, trong đó khu vực đồng tiền chung châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Anh vẫn đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Sự trỗi dậy nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi đã đẩy các trung tâm tăng trưởng kinh tế dịch chuyển giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, mở ra một nền kinh tế toàn cầu thực sự đa cực.

Các công ty đa quốc gia của các thị trường mới nổi đang trở thành lực lượng định hình lại công nghiệp toàn cầu thông qua mở rộng nhanh chóng dòng đầu tư Nam-Nam và đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Khi sức mạnh kinh tế chuyển dịch, các nền kinh tế thành công sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng ở các nền kinh tế thu nhập thấp hơn thông qua các giao dịch tài chính và thương mại xuyên biên giới.

Nghiên cứu của WB cũng đã xác định các thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển trong nền kinh tế toàn cầu đa cực trong 20 năm tới cũng như sự đa dạng của các cực tăng trưởng kinh tế tiềm tàng từ các nền kinh tế mới nổi.

Một số cực tăng trưởng này phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu trong khi một số cực khác lại tăng trưởng bắt nguồn từ thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước. Với sự nổi lên mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và sự chuyển dịch dân số ở nhiều nền kinh tế lớn ở Đông Á, các xu hướng tiêu dùng mạnh hơn sẽ thắng thế và trở thành nguồn tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng xuyên biên giới trở thành hiện thực thông qua thương mại, tài chính và di cư xuyên biên giới thúc đẩy chuyển giao công nghệ và làm tăng nhu cầu xuất khẩu.

Nghiên cứu “Các chân trời phát triển toàn cầu” nhấn mạnh hầu hết các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước nghèo, sẽ tiếp tục sử dụng ngoại tệ để giao dịch với thế giới và vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất trước những biến động về tỷ giá hối đoái trong hệ thống đa tiền tệ quốc tế. Các thể chế đa phương cần giúp các nước này chuyển an toàn sang một thế giới đa cực mới.

Các tin khác