CHÂU ÂU

24 ngân hàng nguy cơ phá sản

8 trong 90 ngân hàng lớn của châu Âu bị đánh rớt trong cuộc kiểm tra sức ép nhằm xem xét họ có thể trụ được khi có một cuộc khủng hoảng tài chính khác xảy ra. Trong khi 16 ngân hàng khác chỉ vượt qua trong gang tấc.

8 trong 90 ngân hàng lớn của châu Âu bị đánh rớt trong cuộc kiểm tra sức ép nhằm xem xét họ có thể trụ được khi có một cuộc khủng hoảng tài chính khác xảy ra. Trong khi 16 ngân hàng khác chỉ vượt qua trong gang tấc.

Sức ép tài chính

Cơ quan Quản lý Ngân hàng châu Âu (EBA) kêu gọi các nhà quản lý tài chính mỗi quốc gia bảo đảm rằng việc thiếu hụt vốn phải được giải quyết nhanh chóng. Tây Ban Nha là nơi có nhiều ngân hàng yếu kém nhất, với 5 ngân hàng bị đánh rớt trong cuộc kiểm tra sức ép, Áo có 1 và Hy Lạp có 2.

Ngày 13-7, Ngân hàng Helaba của Đức rút lui khỏi cuộc kiểm tra, trở thành ngân hàng thứ 9 thất bại. Ngân hàng thất bại ở Áo là Oestereichische Volksbank, 2 ngân hàng ở Hy Lạp là các ngân hàng quốc doanh ATEbank và EFG Eurobank. 5 ngân hàng bị đánh rớt ở Tây Ban Nha gồm Catalunya Caixa, Pastor, Unnim, Caja3 và CAM.

Banco Pastor là một trong 5 ngân hàng của Tây Ban Nha bị đánh rớt trong cuộc kiểm tra sức khỏe của EU.

Banco Pastor là một trong 5 ngân hàng của Tây Ban Nha
bị đánh rớt trong cuộc kiểm tra sức khỏe của EU.

Về 16 ngân hàng chỉ vượt qua cuộc kiểm tra trong gang tấc, EBA cho rằng “cần sớm củng cố sức khỏe nếu không muốn phá sản”. Sau tuyên bố của EBA, Ngân hàng Bồ Đào Nha (BOP) cho biết sẽ lập tức tăng cường tài chính cho 2 ngân hàng là Banco Comercial Portugues - ngân hàng niêm yết lớn nhất nước - và Espirito Santo Financial Group.

Theo đó sẽ củng cố bản cân đối kế toán trong vòng 3 tháng của 2 ngân hàng này. Bồ Đào Nha đã phải nhận 78 tỷ EUR ứng cứu từ bên ngoài hồi đầu năm nay, nền kinh tế nước này dự báo giảm 4% trong 2 năm tới.

Một điều kiện chính yếu cho việc vượt qua cuộc kiểm tra là các ngân hàng phải có ít nhất 5% vốn cấp 1, được mô tả là loại vốn tốt nhất mà 1 ngân hàng có thể giữ để bù lỗ. Một nhà phân tích nói rằng trong khi một số người thấy kết quả khá khả quan, những người khác lại xem đó là bằng chứng cho thấy cuộc kiểm tra chưa đáng tin cậy.

“Việc các nhà chức trách tài chính yêu cầu các ngân hàng phải lập tức tăng vốn cơ bản cho thấy họ lo ngại về nguy cơ phá sản của ngân hàng. Những ngân hàng thất bại sẽ phải huy động khoảng 2,5 tỷ EUR (3,53 tỷ USD) trong năm nay” - nhà phân tích nói với BBC.

Cải thiện để sống sót

Cuộc kiểm tra sức ép được xem là yếu tố chủ chốt để chống lại cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, với mục tiêu tìm ra những ngân hàng yếu kém và buộc họ phải cải thiện để có thể “sống sót” trước một cuộc vỡ nợ trái phiếu ở những nước nặng nợ như Hy Lạp.

Nhà phân tích Jason Karaian của Economist Intelligence Unit cho rằng: “Tình hình hiện tại khiến các ngân hàng bị sức ép phải tăng vốn đệm lên nhiều hơn nữa, cho dù họ có vượt qua cuộc kiểm tra tốt đến mức nào. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu có hàng trăm tỷ EUR được huy động trong các quý tới”.

Tuy nhiên, cuộc kiểm tra không đưa vào tác động một cuộc vỡ nợ ở Hy Lạp, mà theo một số nhà phân tích điều này ngày càng có khả năng xảy ra. Ngoài ra còn có những quan ngại rằng cuộc kiểm tra không đủ nghiêm khắc.

Năm 2010, 2 ngân hàng Ireland là Bank of Ireland và Allied Irish Bank (AIB) đều vượt qua cuộc kiểm tra sức ép một cách dễ dàng. Nhưng chỉ vài tháng sau, AIB phải nhờ đến ứng cứu của Chính phủ để khỏi phá sản.

Trong tuần này, các nhà lãnh đạo của 17 nước thuộc khu vực đồng euro sẽ mở một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp để cố gắng thông qua thỏa thuận về gói ứng cứu thứ 2 cho Hy Lạp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, hôm 15-7, đã kêu gọi mở cuộc họp khẩn cấp sau khi các lãnh đạo thất bại về thỏa thuận đóng góp của các ngân hàng và trái chủ tư nhân trong gói ứng cứu thứ 2. Thất bại đó đã khiến các thị trường lao dốc mạnh.

Các tin khác