10 doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2011

Bảng xếp hạng 25 doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm nay của Tạp chí Fortune đã cho thấy có sự chuyển giao quyền lực lớn trong khu vực: từ Nhật sang Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Bảng xếp hạng xem xét các tiêu chí như doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng của công ty và vai trò của các nhà lãnh đạo trong việc làm nên thành công đó. Đặc biệt, bảng xếp hạng cũng nhấn mạnh đến mức độ toàn cầu hóa của doanh nghiệp. 10 doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2011 bao gồm:

Bảng xếp hạng 25 doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm nay của Tạp chí Fortune đã cho thấy có sự chuyển giao quyền lực lớn trong khu vực: từ Nhật sang Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Bảng xếp hạng xem xét các tiêu chí như doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng của công ty và vai trò của các nhà lãnh đạo trong việc làm nên thành công đó. Đặc biệt, bảng xếp hạng cũng nhấn mạnh đến mức độ toàn cầu hóa của doanh nghiệp. 10 doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2011 bao gồm: 

 10 doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2011 ảnh 1

1. Akio Toyoda (Toyota)

Toyoda điều hành hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới về doanh số bán. Khi Hãng tiến hành cải tiến, các đối thủ khác trong ngành ôtô đều dõi theo từng động tĩnh.

Sau thành công của chiếc xe lai Prius, ông Toyoda đẩy mạnh cải tiến nhằm tung ra 10 mẫu xe lai mới vào năm 2015. Ông cũng tập trung vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, vốn chiếm tới 40% trong tổng doanh số bán hằng năm 223 tỷ USD của Toyota.

 

2. Ratan Tata (Tata Group)

Ratan Tata, Chủ tịch Tata Group (Ấn Độ), gần đây đã bắt tay với Starbucks (Hoa Kỳ) nhằm đưa chuỗi cà phê này thâm nhập Ấn Độ.

Đây là thương vụ mới nhất trong vô số các thương vụ hợp tác đã đưa Tata thành một tập đoàn đa quốc gia với 67 tỷ USD doanh thu (tài khóa 2010), hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ ô tô, thép, hóa chất đến viễn thông.

10 doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2011 ảnh 3 

3. Mukesh D. Ambani (Reliance

 Industries)

Mukesh Ambani, Tổng giám đốc Reliance Industries, nổi tiếng với khả năng đánh hơi các thương vụ. Ông đã thâu tóm rất nhiều tài sản trong lĩnh vực viễn thông, hóa dầu, năng lượng và nhờ đó đã nhanh chóng đưa Reliance Industries trở thành một đế chế với 45 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Đầu năm nay, ông đã thuyết phục được hãng dầu mỏ Anh BP bỏ ra 7,2 tỷ USD để mua lại 30% cổ phần trong 23 tài sản dầu khí do Reliance nắm quyền kiểm soát. Đây là thương vụ đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ.

Năng lực điều hành của Ambani đã tạo tiếng vang cho ông ở thị trường quốc tế. Tháng 3 vừa qua, ông đã trở thành thành viên Hội đồng Quản trị không phải là người Hoa Kỳ đầu tiên của Ngân hàng Bank of America.

4. Kun-Hee Lee (Samsung Group)

 

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Kun-Hee Lee là người đã đưa Samsung Electronics (Hàn Quốc) từ một doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử cấp thấp trở thành một đại gia toàn cầu trong lĩnh vực điện thoại, tivi và chip máy tính với doanh thu hằng năm 137 tỷ USD.

Samsung là niềm tự hào của xứ sở kim chi không chỉ về mẫu mã sản phẩm, tính cải tiến không ngừng, mà còn về năng lực tài chính. Năm ngoái, lợi nhuận của Hãng đã tăng tới 65%, đạt 14,3 tỷ USD.

 

5. Ren Zhengfei (Huawei Technologies)

Ren Zhengfei, Tổng Giám đốc Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, là người đã xây dựng nên một doanh nghiệp tầm vóc quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành các mạng lưới điện thoại và internet của thế giới.

Huawei cho biết, doanh thu năm 2010 của Hãng đạt 185,18 tỷ nhân dân tệ (tương đương 28,3 tỷ USD) tăng 24% so với năm 2009.

 

6. Terry Gou (Hon Hai Precision Industry Corp.)

Hon Hai Precision Industry Corp. do Terry Gou sáng lập là một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Khách hàng của Công ty gồm có Apple, Hewlett-Packard, Dell, Sony.

Năm 2010, Foxconn, chi nhánh của Hon Hai Precision Industry, đã bị chỉ trích kịch liệt về môi trường làm việc tại các nhà máy dẫn đến hàng loạt vụ tự tử của công nhân.

Nhưng Gou đã xoa dịu được sự phẫn nộ bằng cách tăng gấp đôi lương tại các nhà máy lớn nhất của Hãng và sắp xếp sao cho công nhân có thể ở gần hơn với gia đình.

Doanh thu hợp nhất của Hon Hai trong 9 tháng đầu năm 2010 đã tăng 51% đạt 64,1 tỷ USD.

 

7. Gao Xiqing (China Investment Corp.)

Gao là nhà quản lý quỹ quyền lực nhất Trung Quốc khi chịu trách nhiệm quản lý 332 tỷ USD giá trị tài sản tại quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc China Investment Corp. (CIC).

Năm 2010, CIC đã bỏ ra 1,58 tỷ USD mua lại 15% cổ phần Công ty năng lượng Hoa Kỳ AES Corporation. Năm nay, Quỹ đã lập văn phòng đại diện nước ngoài đầu tiên tại Toronto (Canada).

Danh mục đầu tư nước ngoài đang tăng lên của CIC đã mang về mức lợi nhuận khoảng 12% vào năm 2009 và thu nhập ròng của Quỹ đã tăng 81% đạt 41,6 tỷ USD.

 

8. Wang Xiaochu (China Telecom Corp.)

Wang là người điều hành nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định lớn nhất Trung Quốc - China Telecom. Ông rất tích cực trong việc lắp đặt mạng lưới cáp quang lớn nhất thế giới nhằm đưa dịch vụ internet đến với mọi thành phố ở Trung Quốc (chỉ 34,3% dân số Trung Quốc tiếp cận internet, tương đương 457 triệu người, tính đến cuối tháng 12-2010).

Wang cũng nhận thấy một tương lai xán lạn trong lĩnh vực dịch vụ di động. Năm ngoái, China Telecom đã phát triển thêm được hơn 8 triệu thuê bao 3G mới, giúp tăng doanh thu thêm 5%, đạt 32,5 tỷ USD.

Nếu các tin đồn gần đây là đúng, rằng China Telecom sẽ nhanh chóng tung ra thiết bị iPhone 4 cho 96 triệu khách hàng di động của mình, Wang sẽ trở thành một đối tác quan trọng của Apple.

 

9. Jiang Jiemin (PetroChina)

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Jiang Jiemin, PetroChina (Trung Quốc) đã đạt kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong tài khóa 2010. Theo đó, doanh thu tăng 44% đạt 216,5 tỷ USD và lợi nhuận tăng 35% đạt 20,7 tỷ USD.

Jiang Jiemin đang vạch ra một kế hoạch bành trướng, trong đó có vụ liên doanh 3,2 tỉ USD với Royal Dutch Shell để mua lại Arrow Energy (Úc). Tháng 2-2011, PetroChina đã mua lại 50% cổ phần trong một dự án khí đốt ở Canada với giá 5,4 tỷ USD.

 

10. Mong-Koo Chung (Hyundai Motor)

Mong-Koo Chung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hyundai Motor (Hàn Quốc), có nhiều lý do để vui mừng. Những khoản chi mạnh tay của ông vào các sáng kiến nâng cao chất lượng và marketing trong suốt giai đoạn tồi tệ nhất của ngành ô tô đã đơm hoa kết trái: Hyundai đã gia tăng được thị phần tại thị trường ô tô Bắc Mỹ.

 Lợi nhuận tăng tới 78%, đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2010 trên doanh thu 31,8 tỷ USD, đưa Hyundai trở thành hãng xe lớn thứ 5 thế giới về lượng ô tô bán ra.

 (Theo Fortune)

Các tin khác