Sống ở Qatar

(ĐTTCO) - Từ Mỹ, gia đình tôi bay sang Doha (thủ đô Qatar). Cảm giác đầu tiên bước ra khỏi sân bay là nóng khủng khiếp, như bị đẩy vào lò lửa. Rồi chuyển ngay sang ngỡ ngàng về sự giàu sang.
Sống ở Qatar

Tôi đang quen sống ở Mỹ, nơi Camry vẫn được tính dòng xe sang thì ở Doha taxi chủ yếu là xe Camry. Nhà ở to rộng, rất nhiều lâu đài. Nhìn qua, có vẻ như Qatar không có ai nghèo. 

Nhưng rồi tôi cũng dần nhận ra chênh lệch thu nhập ở đây cực lớn. Bên cạnh nhiều chế độ phúc lợi, người Qatar còn hưởng mức lương riêng, cao hơn khoảng 60% người nước ngoài cùng vị trí. Lương cho trí thức rất tốt, thêm nhiều phúc lợi như miễn thuế, miễn phí nhà ở, con cái được hỗ trợ học phí khi vào trường quốc tế. Chồng tôi từ Mỹ sang Qatar làm việc cho một viện nghiên cứu. Anh vẫn quốc tịch Việt nhưng mức lương được đề nghị trả như cho người Mỹ. Y tế coi như miễn phí. Bảo hiểm nhà nước chỉ phải trả tương đương khoảng 600.000 đồng/năm. 

Phần lớn trí thức Việt tới Qatar để làm việc trong các công ty dầu khí, xây dựng và số ít làm trong ngành giáo dục. Còn lại, chiếm đa số, là lao động giản đơn, nam thì làm công nhân xây dựng, nữ làm cho các spa. Lương cho công nhân, lao động chân tay chỉ khoảng 400 - 500 USD/tháng. Nhưng tôi cũng biết có trường hợp một người Hà Lan gốc Việt tại Qatar đã tuyển rất nhiều lao động Việt Nam vào công ty, cho hưởng lương tốt hơn, khoảng 1.500 - 2.000 USD/tháng.

Qatar đang xây dựng nhiều công trình phục vụ World Cup 2022, cũng là cơ hội cho nhiều lao động Việt tìm kiếm cơ hội tại đây. Nhưng trở ngại nhất vẫn là điều kiện khí hậu. Từ tháng 10 đến tháng 4 trời rất đẹp, như ở TP Đà Lạt vậy. Nhưng 6 tháng còn lại vô cùng khắc nghiệt, có lúc lên tới 50°C. Nhiều công nhân không đủ sức khỏe bị đột quỵ khi lao động ngoài trời. Thậm chí, vài tháng nóng nhất, chính quyền phải quy định công nhân làm việc ban đêm, không được phép lao động ban ngày. Khi nào có bão cát thì bụi tung trời, không gian mù mịt.

Theo chồng sang đây nên tôi vẫn có thể tìm việc làm nếu muốn (và chồng vẫn là người bảo trợ tài chính cho mình hoặc công ty nhận mình vào làm việc sẽ bảo trợ). Đất nước này không cho phép nhập cư, chỉ khi nào có việc làm thì mới được ở lại Qatar, không có giới hạn về năm. Tôi từng thử xin việc qua mạng, nhưng chỉ có 2 nơi muốn nhận, lương lại thấp. 

Giờ đây, khí hậu không còn là trở ngại với tôi nữa, và tôi cũng rất hài lòng. Chúng tôi hình thành một nhóm phụ nữ ở nhà nội trợ, thân nhau vô cùng. Cùng cảnh di chuyển nhiều nơi theo công việc của chồng, nhưng ai cũng phải thừa nhận ở Qatar thích nhất. Hải sản đánh bắt ở Qatar rất rẻ. Từ nhà tôi lái xe ra biển chỉ mất 15 - 20 phút, chợ cá cũng rất gần. Thỉnh thoảng bạn Việt ghé qua Doha trên đường trở về châu Âu, tôi mua cho con cá thu 5kg tươi rói về làm quà, ai cũng thích.

Nhưng ngoài hải sản, cái gì ở Qatar cũng đắt đỏ. Tôi nghĩ nguyên nhân chính là do giá thuê nhà, thuê cửa hàng quá đắt. Thêm nữa, muốn kinh doanh, ví dụ mở nhà hàng, bắt buộc phải có người Qatar đứng ra bảo trợ, và phải trả họ một phần lợi nhuận rất cao, có khi lên tới 50%. Ngoài ra, hầu hết hàng hóa ở đây là nhập khẩu. Hàng hóa phải chịu thêm phí vận chuyển cao. Trước khi chịu sự cấm vận của một số quốc gia Arab, Qatar phải nhập từ giấy vệ sinh cho đến hành, ngò...

Nay họ cũng đã tự cung tự cấp được thêm một số sản phẩm như sữa “made in Qatar” . Cộng đồng người Việt ở Qatar ít nên hàng Việt càng khan hiếm. Với tôi, thiếu hụt lớn nhất so với khi sống ở Mỹ đó là không mua được bún khô tại Qatar. Chỉ có một nhà hàng Việt, do người Qatar mở, thuê mấy đầu bếp Việt sang nấu. Phải chăng đây cũng là cơ hội cho người Việt?

Các tin khác