Hoa Kỳ: Nữ chánh án gốc Việt đầu tiên

(ĐTTCO) - “Là người tiên phong, toàn tâm toàn lực tận tụy với công việc”, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ưu ái đánh giá người nữ thẩm phán gốc Việt Jacqueline Nguyễn (ảnh).

(ĐTTCO) - “Là người tiên phong, toàn tâm toàn lực tận tụy với công việc”, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ưu ái đánh giá người nữ thẩm phán gốc Việt Jacqueline Nguyễn (ảnh).

 

“Là người tiên phong, toàn tâm toàn lực tận tụy với công việc”, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ưu ái đánh giá người nữ thẩm phán gốc Việt Jacqueline Nguyễn (51 tuổi), đang là một trong những gương mặt sáng giá cho vị trí thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ, như thế.

Với tài năng và phẩm chất vượt trội, những năm gần đây, bà Jacqueline Nguyễn liên tục đạt đến những cột mốc ấn tượng trong sự nghiệp. Tháng 7/2009, Tổng thống Obama đề cử bà vào Tòa liên bang và sau đó được Thượng viện thông qua với số phiếu tuyệt đối 97/97, bà trở thành chánh án gốc Việt đầu tiên trong hệ thống Tòa án liên bang Mỹ. Trước đó, bà là Chánh án Tòa án tối cao California.

Bà Jacqueline Nguyễn sinh ra ở Đà Lạt, tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Hồng Ngọc, theo gia đình sang Mỹ năm 1975 khi mới 10 tuổi. Thành tựu ngày nay là cả một hành trình gian nan, với những nỗ lực không ngừng của cô bé Jacqueline Nguyễn ngày nào. Lúc gia đình mới định cư ở Mỹ, cuộc sống còn rất chật vật, nên sau giờ học, Jacqueline tranh thủ làm việc giúp bố mẹ, bất kể những việc lao động cực nhọc. Phải đến khi dành dụm đủ tiền mua lại một tiệm bánh, gia đình mới đỡ vất vả hơn.

Jacqueline Nguyễn chạm tay đến thành công đầu tiên là tấm bằng cử nhân xuất sắc Đại học Occidental (nơi Tổng thống Obama từng theo học), sau bốn năm liên tiếp được nhận học bổng. Không chỉ chuyên tâm cho việc học, bà còn là nhân tố tích cực trong các hoạt động của trường, giữ một “chân” biên tập cho tạp chí văn học của trường Occidental.

Nhiều bạn bè của bà cho biết, chính nhờ sở thích này mà Jacqueline có sự khác biệt với các đồng nghiệp trong môi trường “cầm cân, nảy mực”. Bà luôn có sự thấu hiểu và cái nhìn nhân văn trong bất kỳ tình huống nào, nên càng được người khác ủng hộ, tin cậy. Bà còn có thêm tấm bằng về luật của Đại học UCLA và hành nghề luật đến năm 1995, trước khi trở thành công tố viên tại Tòa án quận thuộc bang California (Central District of California).

Những đồng nghiệp từng làm việc với Jacqueline Nguyễn đều ấn tượng với phong thái chuyên nghiệp, sự bình tĩnh trước mọi sức ép, sẵn sàng lắng nghe và tầm nhìn bao quát để từ đó có những phán quyết hợp tình, hợp lý của bà. Năm 2002 là một cột mốc đáng ghi nhớ của bà, khi được Thống đốc bang California bổ nhiệm vào chức Chánh án Tòa án tối cao Los Angeles, chuyên xử các vụ tham nhũng, gian lận nơi công quyền.

Bà là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên giữ chức này ở bang California. Không bao giờ thỏa hiệp với cái ác, cái xấu là hình ảnh xuyên suốt khi mọi người nghĩ đến bà qua những vụ án “cộm cán”, được nhắc đến nhiều nhất là vụ truy tố thành công Bahram Tabatabai, người bị cáo buộc hỗ trợ cho một tổ chức bị Mỹ đưa vào danh sách khủng bố nước ngoài. Một trong những vụ “đinh” khác của bà là xử lý nhóm tội phạm có tổ chức người Nga buôn lậu nô lệ tình dục từ Ukraine vào Mỹ.

Trong cuộc bỏ phiếu của Thượng viện năm 2009, Nghị sĩ Diane Feinstein đã đánh giá cao nhân cách đáng quý và những thành tích bà Jacqueline Nguyễn đạt được sau vô vàn thử thách. Bà được kỳ vọng là người cống hiến đến cùng vì lẽ phải, quyền tự do, công bằng của mọi người. Phát biểu trước báo chí, bà Jacqueline Nguyễn hứa: “Trở thành thẩm phán Liên bang vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm. Tôi có trách nhiệm với tất cả những ai đã dõi theo từng bước chân của tôi”.

Ngoài công việc một thẩm phán Liên bang, bà còn là người sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Mỹ - châu Á - Thái Bình Dương; thành viên của Hiệp hội Luật sư Mỹ - Hàn Quốc, Hiệp hội Luật sư Mỹ - Nhật Bản, Hiệp hội Nữ luật sư Los Angeles… Chồng bà, ông PioS . Kim, cũng là đồng nghiệp, là trợ lý công tố viên trưởng. Vợ chồng bà có hai người con, một trai, một gái. Họ là đôi vợ chồng rất tâm đắc, hạnh phúc vì có cùng lý tưởng nghề nghiệp. Dù vậy, vợ chồng bà vẫn có nguyên tắc không đưa công việc về nhà, cũng như không tranh cãi chuyên môn khi ở bên các con…

Các tin khác