Đột nhập thiên đường hàng hiệu xa xỉ của Triều Tiên

(ĐTTCO) - Dù đối mặt với lệnh trừng phạt ngày càng khắt khe từ Liên Hợp Quốc, hoạt động kinh doanh các mặt hàng xa xỉ ở Triều Tiên dường như vẫn đang rất phát triển. Số tiền thu được từ việc kinh doanh được cho là dùng để nuôi tham vọng hạt nhân của Triều Tiên
Rượu whisky, trang sức, nước hoa thậm chí là dàn trống đời mới và kèn saxophone là 5 trong số những mặt hàng xa xỉ mà bạn có thể mua ngay tại hai trung tâm mua sắm đắt đỏ ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Điều đáng nói là nguồn thu từ hai trung tâm mua sắm này có thể đã được dùng để nuôi dưỡng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nhóm nghiên cứu độc lập về Triều Tiên mang tên NK Pro đã tiến hành điều tra và ghi lại những bức ảnh về hoạt động cũng như những thứ mà con người ta có thể dùng tiền để mua tại hai trung tâm mua sắm cao cấp của Triều Tiên trong suốt một năm qua.

Đột nhập thiên đường hàng hiệu xa xỉ của Triều Tiên ảnh 1
Quang cảnh bên trong một cửa hàng bán hàng cao cấp của Triều Tiên.

Trong khi các nhóm nhân quyền đều khẳng định, người dân Triều Tiên đang phải "sống trong cảnh nghèo khổ" thì tại thủ đô Bình Nhưỡng, rõ ràng nguồn tiền mua sắm lại rất dồi dào.

"Tôi từng nhìn thấy nhiều người dân Triều Tiên chi tới hàng trăm USD cho những món đồ vốn chỉ có giá hơn 2.000 USD", CNN dẫn lời một cựu quan chức ngoại giao phương Tây từng làm việc tại Bình Nhưỡng cách đây vài năm.

Cũng theo người này, bất cứ ai có USD đều được phép mua sắm tại các trung tâm thương mại cao cấp của Triều Tiên. 

Điều đáng nói là trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế như đưa các mặt hàng xa xỉ bao gồm xe đua, ngọc trai, dụng cụ thể thao, đồng hồ đắt tiền vào trong danh sách cấm xuất khẩu sang Triều Tiên nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp tục mở rộng phát triển công nghệ tên lửa và vũ khí, thì hoạt động mua sắm vẫn đang diễn ra nhộn nhịp tại quốc gia này.

Chính những bức ảnh được NK Pro công bố đã cho thấy phần nào lệnh trừng phạt của LHQ dường như không thể ngăn các mặt hàng vốn nằm trong danh sách cấm vẫn có mặt tại Bình Nhưỡng. Cụ thể như chiếc đồng hồ Montblanc, một nhãn hiệu xa xỉ của Đức, đang được bày bán ở Bình Nhưỡng với giá hơn 4.000 USD.

Chia sẻ với CNN, công ty sở hữu nhãn hiệu Montblanc là Richemont đã phủ nhận việc có quan hệ làm ăn cũng như xuất khẩu các mặt hàng vốn nằm trong danh sách cấm của LHQ sang Triều Tiên.

"Những món đồ đắt đỏ có thể đã được nhập vào Triều Tiên thông qua các kênh bất hợp pháp hoặc thậm chí, chỉ là hàng nhái và hàng đã qua sử dụng", Richemont chia sẻ.

Lâu nay, các quan chức làm việc tại đại sứ quán và nhiều quan chức cấp cao của Triều Tiên bị nghi là những người thường xuyên "tuồn" các mặt hàng xa xỉ về nước nhà. 

Còn theo ông Kim Kwang Jin, người đã đào tẩu khỏi Triều Tiên cách đây 10 năm nhưng từng làm công việc đưa các mặt hàng cấm vào Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang dùng chính các mặt hàng xa xỉ lm công cụ để duy trì lòng trung thành của giới chức dưới quyền.

Cũng theo ông Kim Kwang Jin, sự xuất hiện của các mặt hàng xa xỉ ở Bình Nhưỡng còn có một lý do khác.

"Họ đã kiếm được rất nhiều USD và tiền mặt từ các cửa hàng bán hàng cao cấp và dùng chính số tiền này để nuôi chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. Hoạt động buôn bán các mặt hàng cao cấp giúp Triều Tiên sản xuất thêm tên lửa và nguyên liệu hạt nhân", ông Kim Kwang Jin chia sẻ. 

Đây có thể là một phần lý do kể từ đầu năm nay, Triều Tiên đã cho phóng thử tên lửa với tần suất chưa từng có. Thậm chí, Triều Tiên còn khẳng định hôm 4/7, quốc gia này đã phóng thử thành công lần đầu tiên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Đột nhập thiên đường hàng hiệu xa xỉ của Triều Tiên ảnh 2
Chiếc đồng hồ Montblanc, một nhãn hiệu xa xỉ của Đức, đang được bày bán ở Bình Nhưỡng với giá hơn 4.000 USD.

Văn phòng 39 bí ẩn

Trên thực tế, chương trình phát triển tên lửa là vô cùng đắt đỏ. Và theo ông Kim Kwang Jin, các cửa hàng bán đồ cao cấp ở Bình Nhưỡng chính là một phần hoạt động của Văn phòng 39 bí mật. Chính quyền Mỹ cũng nhiều lần khẳng định Văn phòng 39 là đầu mối chuyển tiền cho chính quyền Bình Nhưỡng.

"Họ kiểm soát hoạt động của các cửa hàng bán hàng cao cấp, các khách sạn hạng sang và ngành công nghiệp dịch vụ ở Bình Nhưỡng", ông Kim Kwang Jin cũng khẳng định toàn bộ số USD thu được từ du khách đều được chuyển thẳng cho Văn phòng 39. 

Theo ông Kim Kwang Jin, hiệh không rõ các cửa hàng bán hàng cao cấp đã chuyển cho Văn phòng 39 bao nhiêu tiền nhưng nếu cộng dồn số tiền từ ngành du lịch, hoạt động buôn bán vàng, đồ điện tử cùng nhiều lĩnh vực kinh doanh khác mà Văn phòng 39 quản lý, thì số tiền này sẽ không hề nhỏ. Nói cách khác, dù đối mặt với lệnh trừng phạt khắt khe, Văn phòng 39 vẫn có thể thu về khoản doanh thu hàng trăm triệu USD.

Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, Văn phòng 39 đang nắm trong tay hàng loạt công ty, cơ quan tài chính và những hoạt động sinh lời để quyên tiền cho chính quyền Bình Nhưỡng.

Còn theo ông Kim Kwang Jin, kể từ thập niên 70 dưới thời lãnh đạo của chủ tịch Kim Nhật Thành, Văn phòng 39 được xem như hoạt động kinh doanh của riêng gia tộc họ Kim chứ không nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ. 

Việc ngăn chặn nguồn tiền chuyển vào Triều Tiên cũng chính là một phần trong chiến lược lâu dài của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. 

Lâu nay, Trung Quốc được xem là đối tác thương mại và đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên. Do đó, Mỹ đã liên tiếp "nhờ vả" Trung Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên. Song thực tế, ngoài Trung Quốc, các công ty ở Singapore, Malaysia và Nga cũng đang nằm trong trong tầm ngắm của Bộ Tài chính Mỹ trước mối nghi ngờ đây là nguồn vận chuyển hàng cấm trong danh sách của LHQ vào Triều Tiên.

Trước sức ép chỉ trích từ dư luận quốc tế, hồi năm 2010, chính quyền Singapore đã cho ban bố các quy định mới bao gồm việc mở rộng danh sách các mặt hàng xa xỉ bị cấm xuất khẩu sang Triều Tiên.   

Các tin khác