Charles H. Keating Jr - Kẻ phản diện

Charles H. Keating Jr (ảnh), “kẻ phản diện” trong cuộc khủng hoảng tiền gởi tiết kiệm và cho vay ở Hoa Kỳ thời kỳ những năm 1980-1990, vừa qua đời ở tuổi 90.

Charles H. Keating Jr (ảnh), “kẻ phản diện” trong cuộc khủng hoảng tiền gởi tiết kiệm và cho vay ở Hoa Kỳ thời kỳ những năm 1980-1990, vừa qua đời ở tuổi 90.

Năm 1984, ở tuổi 61, triệu phú bất động sản Keating quyết định mua Lincoln Savings & Loan với giá 51 triệu USD, cao gấp đôi giá trị thực của nó. Lincoln gồm 26 chi nhánh, kiếm lời nhỏ trên các khoản cho vay mua nhà. Nhưng tranh thủ luật mới của tiểu bang và liên bang, theo đó Lincoln có thể thực hiện các khoản đầu tư nhiều rủi ro hơn, ông Keating bắt đầu dùng tiền của người gởi tiết kiệm để đổ vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu rác và những thứ sinh lời cao.

Trong vòng 3 năm, tài sản của Lincoln tăng từ 1 tỷ USD lên 3,9 tỷ USD. Thành công vượt bậc đã khiến Keating biến thành một người ngày càng ngạo mạn. Cáo trạng của các công tố viên cho biết ông ta coi Lincoln như chiếc máy rút tiền của riêng mình, đã tự tiện lấy 34 triệu USD tiêu xài cho bản thân, gia đình và lấy thêm 1,3 triệu USD đóng góp chính trị.

Năm 1987, các nhà điều tra của Hội đồng Ngân hàng đã phát hiện Lincoln lỗ không báo cáo 135 triệu USD và đã vượt trần đầu tư rủi ro tới hơn 600 triệu USD. Ngay sau đó, FBI, SEC và các cơ quan khác nhập cuộc. Ông Keating nhanh chóng thuê Alan Greenspan (sau trở thành Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang) biên soạn một báo cáo ca ngợi sự quản lý dày dạn và chuyên nghiệp của Lincoln.

Ông Keating cũng kêu gọi 5 thượng nghị sĩ đã nhận đóng góp của ông, bao gồm Alan Cranston (California), Donald W. Riegle Jr (Michigan), John Glenn (Ohio), Dennis DeConcini và John McCain (Arizona), gây áp lực buộc Hội đồng Ngân hàng nới lỏng các quy định và hủy bỏ cuộc điều tra.

Cả 5 thượng nghị sĩ nói trên đã tìm gặp Chủ tịch Hội đồng ngân hàng Edwin J. Gray. Ngoại trừ ông Riegle, cả 4 vị còn lại đều hành động như thể những luật sư đang ra sức bảo vệ thân chủ. Ông Gray kháng cự nên đã bị thay bằng một chủ tịch khác biết điều hơn với ông Keating. Lincoln cầm cự thêm 2 năm nữa, tài sản trên sổ sách lên tới 5,46 tỷ USD nhưng thực chất hàng tỷ USD nằm trong các khoản đầu cơ, khoản thua lỗ.

Trong lúc đó, Lincoln dụ dỗ khách hàng chuyển từ tiền gởi được bảo hiểm liên bang sang trái phiếu lãi suất cao của công ty mẹ Lincoln là American Continental cũng của Keating. Năm 1989, American Continental phá sản, Lincoln vỡ nợ, bị chính phủ tịch thu. Khoảng 23.000 khách hàng tá hỏa với 250 triệu USD trái phiếu giờ đã trở nên vô giá trị, người đóng thuế mất 3,4 tỷ USD khắc phục hậu quả vụ Lincoln. Bị kết tội lừa đảo, gian lận, ông Keating chịu án tù 4 năm rưỡi.

Các tin khác