Xu thế ngân hàng điện tử

(ĐTTCO) - Sự gia tăng mạnh mẽ của các phương tiện thanh toán mới (như mobile payment) đang tác động đến hoạt động thanh toán thẻ. Thậm chí đã có ý kiến cho rằng nếu không đẩy mạnh đầu tư phát triển sản phẩm, tiện ích hoạt động thẻ ở Việt Nam sẽ mai một rất nhanh trong thời gian ngắn.
Cơ cấu dân số trẻ quyết định
Có đến 5 chiếc thẻ thanh toán cả nội địa và quốc tế, nhưng cả năm nay chị Quỳnh My (Hà Nội) gần như không sử dụng để thanh toán, trừ vài lần quẹt thẻ mua hàng xa xỉ tại POS. Anh Hoàng cũng vậy, có đến 6 thẻ nhưng anh chỉ dùng thẻ Đông Á để rút tiền lương hàng tháng. Đây chí là vài thí dụ cho thấy tỷ lệ sử dụng thẻ chủ yếu để rút tiền mặt ở Việt Nam vẫn rất cao. 
Năm 2017, tỷ lệ này tiếp tục chiếm tỷ trọng 83,27% trong tổng doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa. Tuy nhiên, theo thông tin của Hội thẻ NH Việt Nam (VBCA), năm 2017 tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ ở mức thấp 14%, đặc biệt doanh số sử dụng thẻ nội địa giảm tốc độ tăng trưởng từ 22% (2016) xuống mức 12% (2017).
Trong khi đó theo số liệu của NHNN, năm 2017 lượng giao dịch qua kênh internet đạt 191 triệu giao dịch, tăng 52% so với năm 2016, với giá trị giao dịch đạt 13 triệu tỷ đồng, tăng 88% so với năm 2016; qua kênh điện thoại di động đạt 131 triệu giao dịch, tăng 34% so với năm 2016, với giá trị giao dịch đạt 690.000 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2016.
Thực tế cho thấy, các NH cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ trên nền tảng internet (internet banking) và trên nền tảng điện thoại di động (mobile banking). Tốc độ tăng trưởng các dịnh vụ qua kênh internet và điện thoại thông minh như đã dẫn ở trên tăng rất cao so tốc độ tăng doanh số sử dụng thẻ nội địa.
Cơ cấu dân số trẻ, đặc biệt thế hệ gen Y (những người sinh ra từ năm 1981 đến năm 2000) ở Việt Nam tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số (ước tính trong 2 năm tới, thế hệ Y sẽ chiếm hơn 43% lực lượng lao động), đã khiến các NH phải cạnh tranh trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý tự động các dịch vụ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ NH điện tử dựa trên nền tảng công nghệ cao. Không gian giao dịch công nghệ số (Digital lab) cùng các dịch vụ internet banking, money, SMS banking, phone banking…, đặc biệt việc thanh toán bằng QR Code trên thiết bị di động đang là xu hướng mới và dự báo sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới, sau khi đã bùng nổ tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Lợi thế NH lớn
Sở hữu hạ tầng kỹ thuật NH hiện đại, các NHTM lớn đang có nhiều lợi thế. Tính đến hết năm 2017 Vietcombank đã sở hữu gần 13 triệu lượt người dùng các dịch vụ NH điện tử, trong đó có 8 triệu lượt người dùng dịch vụ NH qua tin nhắn VCB-SMS B@nking, gần 3,5 triệu lượt người sử dụng dịch vụ VCB-i B@nking và hơn 1 triệu người dùng mobile banking.
Theo sát Vietcombank là VPBank. TP Bank, Sacombank, LienVietPostBank… cũng đang tăng tốc trong ứng dụng điện thoại (apps) cho hoạt động thanh toán. Thí dụ, mô hình Live Bank của TPBank ra đời, cung cấp các điểm giao dịch tự động, cho phép khách hàng tự phục vụ 24/7, thực hiện mở tài khoản, gửi tiền rút tiền, chuyển tiền, làm thẻ và giao thẻ tại chỗ (từ máy), được hỗ trợ trực tuyến qua video. Đây có thể được coi là dạng NH số đầu tiên ở Việt Nam.
Năm 2018, nhiều NHTM đặt mục tiêu tiếp tục mạnh mẽ lộ trình cho NH số hóa, tạo dựng hệ sinh thái mobile banking theo xu hướng vận động mới nhất của thị trường và định hướng khách hàng. Vừa qua, VBCA đã đề xuất trọng tâm phát triển thị trường thẻ các năm tới là kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quản lý để trong việc bắt buộc sử dụng thẻ chi tiêu cộng, chấp nhận thanh toán thẻ trong thu dịch vụ phí cho Chính phủ (thuế, lệ phí…), yêu cầu các đơn vị sự nghiệp (y tế, giáo dục…) áp dụng thanh toán thẻ.
Làm việc với cơ quan quản lý để thực hiện chính sách khuyến khích sử dụng thẻ thông qua các chính sách ưu đãi thuế… với mục tiêu giúp thẻ thanh toán đi vào đời sống.
Xu thế ngân hàng điện tử ảnh 1 Thanh toán mua hàng bằng điện thoại di động hiện đang là xu hướng. 
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội NH, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang NH số, Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của NH số. Hiện tại khuôn khổ cho NH triển khai hoạt động NH số nhìn chung còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ. Đây là vướng mắc cho các NH. Theo đó, công nghệ và hạ tầng của một số sản phẩm, dịch vụ đã sẵn sàng nhưng pháp luật chưa cho phép, khiến các NH không dám triển khai hoặc đầu tư mạnh để cung cấp ra thị trường. 
Thí dụ, việc xác thực danh tính khách hàng thông qua kênh điện tử (eKYC) vẫn chưa thực hiện được, điều kiện để áp dụng công nghệ đám mây (cloud technology) còn vướng… Yếu tố này đang cản trở các NH trong nước bắt kịp NH các nước, dù chúng ta xuất phát không chậm hơn các nước trong việc ứng dụng những công nghệ NH mới nhất. Trong khi khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa có, Chính phủ cần đưa ra quy định cho phép thử nghiệm, thí điểm những sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới,  nhằm tạo điều kiện cho sáng tạo khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực HN.

Các tin khác