Xu thế nào cho cổ phiếu nhà băng?

(ĐTTCO) - Với vai trò dẫn dắt và ảnh hưởng lớn đến thị trường trong thời gian qua, diễn biến của cổ phiếu (CP) NH sẽ rất được các nhà đầu tư quan tâm và chờ đợi trong quý III nói chung và tháng 7 nói riêng.

Xu thế nào cho cổ phiếu nhà băng?
Đã tạo đáy?
Sau khi giảm mạnh xuống khoảng 47.000 đồng/CP, VCB (CP của Vietcombank) đã phục hồi khá ngoạn mục khi tăng lên gần 60.000 đồng/CP, tức gần 25%. Nhưng cũng kể từ đó đến nay, giá CP được xem là đầu tàu của ngành NH biến động trong khu vực 55.000-60.000 đồng/CP. Điều tương tự cũng diễn ra với VietinBank khi CP NH này (CTG) biến động quanh vùng giá 25.000 đồng/CP, BID (CP của BIDV) cũng biến động quanh ngưỡng 27.000 đồng/CP trong khoảng chục phiên gần nhất.
Những ngày qua, biến động của VN Index thực ra cũng không phụ thuộc quá nhiều vào nhóm CP NH khi thị trường có xu hướng “xoay trụ” với những CP trụ cột khác như VNM, MSN, BVH… cũng ảnh hưởng đáng kể đến biến động của VN Index. 
 Những động thái giao dịch chủ đạo đã tạo ra mặt bằng giá ổn định hơn cho CP NH trong tháng 6 và có thể trong nửa đầu tháng 7 cũng sẽ như vậy. Mặt khác, nó cũng khiến nhà đầu tư có thể dần yên tâm, mua và nắm giữ CP NH dài lâu hơn.
Có thể nói, việc một loạt CP NH đi ngang hoặc biến động hẹp trong cả tháng 6 đã có tác dụng thanh lọc dòng tiền tham gia nhóm này. Trước nhất, dòng tiền nóng kỳ vọng mua CP NH để sinh lãi trong ngắn hạn có thể chùn tay, điều này cũng đồng thời giảm luôn áp lực margin đối với nhóm CP NH. Thay vào đó, dòng tiền mua CP NH chuyển sang mục tiêu dài hạn, và điều này cũng thay đổi cách mua.
Lực mua sẽ diễn ra một cách chậm rãi và chỉ chấp nhận mực giá tốt nhất. Không lướt sóng ngắn hạn, tuy nhiên vẫn có nhà đầu tư mua CP NH với số lượng lớn, nên chỉ cần giá có thể bật lên khoảng 1.000-2.000 đồng/CP, lượng hàng hóa cũng sẽ bán ra ồ ạt để tìm kiếm lợi nhuận, sau đó chờ giá giảm để gom mua trở lại. 

Chừng nào bùng nổ?
NH, bất động sản và chứng khoán là 3 nhóm CP có khả năng dẫn dắt thị trường trong ngắn hạn. Tính đến thời điểm hiện nay, CP NH vẫn có lợi thế nhất trong việc trở thành nhóm dẫn dắt bởi số lượng hàng hóa lớn, đa dạng, vẫn chứa đựng những kỳ vọng, sức bật nhất định trong khi một số nhóm CP khác vốn hóa sẽ thấp hơn, số lượng phân tán nhiều hơn.
Nói đơn cử, TCB (CP của Techcombank) dù mới lên sàn nhưng cũng nhanh chóng lọt top những CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, có thể cạnh tranh trực tiếp vị thế dẫn dắt với nhiều CP khác. Nghĩa là nếu nhà đầu tư mong muốn những sự tươi mới có thể chọn TCB. Vẫn còn đó TPB (CP của TPBank) lên sàn hồi giữa tháng 4, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi nên vẫn đang chờ đợi những cơ hội để khởi sắc.
Rồi kể cả HDB (CP của HDBank) cũng đã sắp đủ thời hạn niêm yết 6 tháng để có thể được cấp margin và thị trường cũng có thể kỳ vọng điều này dành cho HDB cũng giống như VPB (CP của VPBank) trước đây để có những đột phá về thanh khoản cũng như biến động. 
Trước tiên, để tạo ra được sức bật trong giai đoạn hiện nay, các NH cần cho thấy triển vọng cũng như nền tảng kinh doanh ổn định của mình thể hiện qua báo cáo tài chính quý II-2018 cũng như báo cáo bán niên khả quan. Những nhận định gần đây đều kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 của các NH sẽ khả quan.
Nhưng do thị trường chung vẫn ở giai đoạn thận trọng nên thay vì kỳ vọng sớm, nhà đầu tư có thể chờ đợi các thông tin, triển vọng được hiển thị rõ hơn nên điểm rơi về kết quả kinh doanh của NH sẽ rơi vào nửa cuối tháng 7, đồng nghĩa với khả năng bùng nổ rơi vào giai đoạn này. Tuy nhiên, sự bùng nổ diễn ra đồng loạt hay phân hóa mạnh mẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Do đã tăng mạnh từ cuối năm 2017 đến hết quý I-2018 và thậm chí tăng bằng lần nên chắc chắn NĐT sẽ khắt khe hơn trong việc đánh giá hoạt động của các NH. Nhiều khả năng những NH mới lên sàn sẽ được soi kỹ hơn, do lên sàn với nhiều kỳ vọng, nhà đầu tư cũng mong muốn thấy được kỳ vọng sẽ có cơ sở vững chắc đến đâu. 
Nếu những NH mới lên sàn thể hiện được hiệu quả hoạt động, hoặc các NH tham gia mảng tài chính tiêu dùng, có thị phần lớn chứng tỏ được khả năng tăng trưởng của mình, một chu kỳ tăng trưởng mới cho CP có thể được thiết lập. Trong khi đó, nhóm CP NH kỳ cựu, với việc được thị trường nhìn nhận đánh giá rõ ràng hơn từ lâu nay cũng có thể tạo ra những đợt sóng, nếu duy trì được hiệu quả kinh doanh khả quan.
Nhưng ngoài các yếu tố nội tại của CP NH, cần xét đến các yếu tố thị trường. Thông thường sau khi một nhóm CP bùng nổ rồi điều chỉnh trở lại phải mất từ 6-12 tháng để có thể tạo ra một đợt sóng kế tiếp. Trong khi nói CP NH điều chỉnh thời gian tính đến giờ cũng chỉ mới 1 quý.
Nhưng cũng cần lưu ý, CP NH thực chất tăng vào cuối năm 2017 đến hết quý I-2018 cũng chưa đến nửa năm, nên cửa tăng tiếp vẫn sẽ còn đó. Vấn đề cần chờ đợi ở đây là diễn biến của thị trường chung, thanh khoản nếu có sự cải thiện mới có thể đem lại lợi thế cho CP NH.

Các tin khác