Xử lý nợ xấu: Cần có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp

(ĐTTCO)-Việc mua bán nợ giữa các tổ chức tín dụng với VAMC vẫn diễn ra nhưng chưa có hoạt động mua - bán nợ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và nhất là chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.
Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Trần Viêt/TTXVN)
Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Trần Viêt/TTXVN)

Đến nay, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã đi được hơn 1/3 chặng đường. Kết quả đạt được là khá rõ nét nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ để Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả cao hơn, qua đó đảm bảo đẩy nhanh tiến độ nâng cao hiệu quả xử lý đáp ứng yêu cầu đề ra.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng sắp đạt mục tiêu

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907.300 tỷ đồng nợ xấu. Cụ thể, nợ xấu được xử lý năm 2012 là 74.680 tỷ đồng; năm 2013 đạt 87.980 tỷ đồng; năm 2014 đạt 143.550 tỷ đồng; năm 2015 đạt 186.960 tỷ đồng; năm 2016 đạt 118.490 tỷ đồng; năm 2017 đạt 115.540 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 163.140 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho công ty mua bán tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến 3/2019 ở mức 5,88%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, đối với Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng Ba, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 227.860 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117.800 tỷ đồng.

Còn lãnh đạo VAMC cũng cho biết, đối với việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ 2013 đến tháng 3/2019, VAMC mua nợ xấu đạt 338.849 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng tương ứng với giá mua nợ là 307.567 tỷ đồng; mua nợ theo giá trị thị trường, lũy kế đến Ba, VAMC đã mua được 46 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 5.882 tỷ đồng và giá mua bán nợ đạt 5.960 tỷ đồng.

Cũng lũy kế từ 2013 đến tháng 3/2019, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ ước đạt 120.511 tỷ đồng. Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017, 2018 ước đạt 67.891 tỷ đồng, gần bằng 57% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến năm 2018.

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong năm nay là phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 5%; tăng cường công tác thanh tra giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tổ chức tín dụng, hỗ trợ công tác cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, hiện nay chúng ta thiếu vắng một thị trường mua - bán nợ thực sự. Ông Lịch đưa ra dẫn chứng, tại Điều 5, Nghị quyết 42 quy định tổ chức tín dụng được bán các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo liên quan một cách công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật và giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Tuy nhiên, việc bán nợ vẫn tương đối hạn chế do tổ chức tín dụng vẫn chủ yếu bán nợ cho VAMC và DATC (Công ty trách nhiêm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam).

"Việc mua bán nợ giữa các tổ chức tín dụng với VAMC, DATC vẫn diễn ra lâu nay nhưng rõ ràng là chưa có hoạt động mua - bán nợ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và nhất là chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân (kể cả các nhà đầu tư nước ngoài). Một phần do điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ quá cao, chẳng hạn do yêu cầu vốn điều tối thiểu 100 tỷ đồng đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và tối thiểu 500 tỷ đồng đối với doanh nghiệp thành lập sàn giao dịch nợ," ông Lịch nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này chia sẻ thêm, việc giải quyết, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian qua chỉ chống được sự đổ vỡ nhưng làm thế nào để nâng cao năng lực quản trị và làm sạch dứt điểm nợ xấu trong sổ sách của các ngân hàng mới là vấn đề quan trọng. Một số ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa nhưng thực chất vẫn không thay đổi nhiều, Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ lớn. Sở hữu chéo trong ngành ngân hàng từng bước được giải quyết song chưa triệt để.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cũng thừa nhận, thông tin về hàng hóa trên thị trường còn thiếu tính minh bạch và bất cập. Nguồn cung hàng hóa cho thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp về nợ xấu chủ yếu từ các tổ chức tín dụng, tuy nhiên số liệu nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay chỉ được báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước, việc tiếp cận số liệu là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc thẩm định giá khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá thực hiện chưa theo quy chuẩn thống nhất do có sự khác biệt về phương pháp, tiêu chí định giá giữa các tổ chức thẩm định giá. Điều này gây khó khăn cho bên mua, bên bán khoản nợ trong việc lựa chọn giá tham khảo phù họp cho giao dịch mua, bán nợ.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiện đang thiếu thị trường thứ cấp và phái sinh đối với các khoản nợ. Sau khi mua các khoản nợ, bên mua nợ thực hiện quản lý, khai thác và vận hành tài sản đảm bảo cũng như rủi ro thanh khoản liên quan tới các tài sản đảm bảo này. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ này còn khó khăn vì chưa có thị trường nợ thứ cấp. Tương tự, hiện tại chưa có các hoạt động phái sinh như nghiệp vụ chứng khoán hóa tài sản, chứng khoán hóa nợ thường và nợ xấu. Điều này dẫn đến thanh khoản của các khoản nợ rất thấp, làm giảm mức độ hấp dẫn của các khoản nợ đã mua.

Các tin khác