Xu hướng thanh toán qua ví điện tử

(ĐTTCO) - Ví điện tử đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia, trong khi đó Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu và đang trong quá trình mở rộng thị phần. 
Với tiềm năng như vậy nên hiện nay các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và NH đã hình thành các thương hiệu ví điện tử cạnh tranh quyết liệt. Với công nghệ đơn giản, lợi ích nhiều bên sẽ là điều kiện để Việt Nam nhanh chóng thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt. Để hiều rõ hơn về sự tiện lợi của mô hình này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Diệp (ảnh), Phó Chủ tịch HĐQT CTCP dịch vụ di động trực tuyến (Ví MOMO).
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ví điện tử là một tài khoản online, cho phép thanh toán phí một số dịch vụ như tiền điện nước, cước viễn thông, nạp thẻ điện thoại, mua hàng online ở các trang thương mại điện tử. Những dịch vụ này người dùng cũng có thể thực hiện trên internet banking, mobile banking. Vậy ông có thể cho biết những điểm khác biệt vượt trội của ví điện tử với các dịch vụ NH điện tử mà người dùng được hưởng khi sử dụng ví?
Xu hướng thanh toán qua ví điện tử ảnh 1
Ông NGUYỄN BÁ DIỆP: - Nếu chỉ thanh toán những dịch vụ thông thường như hóa đơn tiền điện hay nạp tiền điện thoại, thì ví điện tử truyền thống cũng không có điểm gì nổi bật hơn dịch vụ internet banking hay mobile banking của NH. Do đó, MoMo không chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ thanh toán truyền thống, mà chúng tôi đã trở thành một nền tảng số (digital platform) phục vụ tất cả các nhu cầu trong cuộc sống thường ngày của khách hàng. 
Trong mô hình cổ điển, việc mua sắm và thanh toán được tách rời, không liên quan gì đến nhau. Khách hàng phải mua sắm nhiều dịch vụ tại các trang web riêng biệt, sau đó thanh toán từng món một, mất rất nhiều thời gian và không tiện dụng. Với MoMo, chúng tôi đã tích hợp toàn bộ các dịch vụ cần thiết cho cuộc sống lên ngay trên ứng dụng. Khách hàng có thể dùng ví MoMo để thanh toán ăn uống, đi chợ tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, mua hàng hóa thương mại điện tử, mua các loại vé (máy bay, tàu hỏa, xe liên tỉnh), mua dịch vụ giải trí (dịch vụ phim trực tuyến Fim+, đặt vé xem phim CGV, Galaxy), đặt khách sạn...
Các dịch vụ tài chính như chi hộ chuyển tiền từ nước ngoài (Shinhan Bank), chuyển tiền trong nước, thanh toán tài chính tiêu dùng (Home Credit, FE Credit…), mua các loại bảo hiểm (Bảo Việt, Liberty…) cũng đã có mặt đầy đủ trên ví MoMo. Chỉ với một ngón tay, khách hàng có thể sử dụng hàng trăm dịch vụ thanh toán và mua sắm trực tuyến trên ví MoMo.  
Để đáp ứng nhu cầu thanh toán bằng ví MoMo tại các cửa hàng, hiện MoMo đã xây dựng hơn 15.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước, trong đó có hàng loạt các thương hiệu tên tuổi trong nước và quốc tế các lĩnh vực như Co.opmart, Circle K, Ministop, Gongcha, The Coffee House, Trung Nguyên, Al Fresco, Guardian, Hoàng Yến, Món Huế, Red Sun... Thay vì các bước thanh toán theo kiểu truyền thống mất hàng phút, nay khách hàng chỉ mất khoảng 2 giây để thanh toán mua hàng với thao tác chạm, quẹt rất đơn giản. 
- Kinh doanh là để kiếm lời, song các ví điện tử lại miễn nhiều loại phí và thường xuyên khuyến mại lớn cho khách hàng. Vây nguồn lực để các ví thực hiện đến từ đâu?
- Kinh doanh thì phải có lợi nhuận là lẽ đương nhiên, đấy là điều kiện sống còn của doanh nghiệp, nhưng MoMo không tìm kiếm lợi nhuận từ khách hàng. Chúng tôi chủ trương miễn phí cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ của MoMo, và thu phí từ các công ty cung cấp dịch vụ.
Với sản lượng hàng trăm triệu giao dịch hàng năm, MoMo hoàn toàn có đủ nguồn lực cần thiết để phát triển dịch vụ, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. 
Xu hướng thanh toán qua ví điện tử ảnh 2 Chị Minh Thúy (quận 7, TP HCM) thanh toán tại quầy thu ngân Co.opmart Huỳnh Tấn Phát bằng MoMo. 
- Một số NH hợp tác với ví điện tử cho biết, kết quả hoạt động của hầu hết các ví điện tử đều đang lỗ. Lại có ý kiến cho rằng mục tiêu các ví điện tử nhắm đến trong thời điểm hiện tại là chấp nhận lỗ, nhưng nỗ lực liên kết với các nhà bán lẻ và sẽ thu lời trong tương lai. Là người trong cuộc ông có chia sẻ gì về những nhận xét này?
- Tôi không có thông tin về các công ty khác, song riêng ví MoMo có thể hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính. Với 8 triệu khách hàng, hơn 200 triệu giao dịch hàng năm, tổng giá trị thanh toán qua ví MoMo đạt con số hơn 27.000 tỷ đồng, MoMo đang nắm thị phần lớn của thị trường thanh toán ví điện tử, và hoàn toàn tự tin đối với việc phát triển của mình.
Trên quan điểm của người trong cuộc với hơn 10 năm làm thanh toán tiện tử, tôi thiết nghĩ thành công là một quá trình đầu tư lâu dài, không phải dễ dàng thành công chỉ qua một đêm, không phải là một giấc mơ đẹp. Triển khai các dịch vụ mới như ví điện tử, chúng tôi như những người nông dân, phải đầu tư chăm bón cho sản phẩm của mình để chờ ngày đơm hoa kết trái.
Việc các công ty đầu tư vào phát triển thị trường và chịu lỗ trong thời gian đầu là chuyện rất bình thường trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, không chỉ riêng ví điện tử. Ngay cả các đại gia công nghệ như Facebook, Google, Amazon... cũng không nằm ngoài quy luật này.   
- Việt Nam nói nhiều đến việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng thị trường thanh toán điện tử nói chung và ví điện tử nói riêng hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn do thói quen của người dân cũng như cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái chưa đáp ứng được nhu cầu. Nói cụ thể hơn là thiếu hành lang pháp lý để phát triển. Theo ông, hành lang pháp lý các ví điện tử cần là gì? Ông có đề xuất nào để ví điện tử có điều kiện trở thành một công cụ của thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến hơn?
- Thanh toán điện tử không chỉ tạo sự minh bạch trong thanh toán, mà còn giúp tiết giảm nhiều chi phí cho xã hội. Tiềm năng của ví điện tử là rất lớn, không chỉ phục vụ việc thanh toán mà còn là nền tảng để các lĩnh vực kinh doanh mới ra đời, phát triển, đặc biệt là dịch vụ tài chính toàn diện cho người dân. 
Nghị định 101/2012/NĐ-CP thanh toán không dùng tiền mặt là yếu tố “tạo đà” phát triển cho thanh toán điện tử ở Việt Nam. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khuyến khích thanh toán điện tử và nhận định: “Thanh toán di động sẽ bùng nổ và phổ cập tại Việt Nam, như chúng ta đã làm với điện thoại di động 10 năm trước”. Hoạt động của các doanh nghiệp fintech như MoMo thuận lợi, với Ban chỉ đạo fintech của NHNN, nên việc chia sẻ thông tin dễ dàng hơn với Câu lạc bộ Fintech - nơi tập hợp các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Chúng tôi đánh giá cơ sở pháp lý của ví điện tử hiện nay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. 
Trong thời gian qua, MoMo đã hợp tác liên quan đến thanh toán điện tử với các doanh nghiệp nhà nước chủ lực như điện lực, viễn thông, cấp nước, đường sắt, hàng không, phân phối… và được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các đơn vị này. 
Song thách thức ở đây là thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến, niềm tin đối với thanh toán điện tử và nền tảng thương mại điện tử còn non trẻ ở Việt Nam. Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thanh toán điện tử, ngoài sự tiện lợi, cần có thêm các lợi ích trực tiếp khi thanh toán điện tử (thí dụ như giảm thuế VAT). Các dịch vụ hành chính công của Nhà nước cũng cần khuyến khích thanh toán điện tử thay vì bằng tiền mặt để khuyến khích người dân.
- Xin cảm ơn ông.
 Ví điện tử là một khâu trong quá trình cung cấp dịch vụ thanh toán của NH. Công nghệ và internet đã thúc đẩy sự chuyển đổi từ mô hình thanh toán truyền thống sang một mô hình mới với nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian, đáp ứng nhu cầu “Now” mọi lúc mọi nơi của khách hàng.  

Các tin khác