Vòng luẩn quẩn DN nhỏ và NH

(ĐTTCO) - Chia sẻ tại tọa đàm “Doanh nghiệp nhỏ tìm vốn rẻ ở đâu?” diễn ra vào ngày 18-7 tại TPHCM, đa phần các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ các NH, do có quá nhiều rào cản từ thủ tục đến lãi suất cao. Thế nhưng... 

Vòng luẩn quẩn DN nhỏ và NH
Thủ tục phức tạp là do… quy trình!
Ông Đoàn Văn Xuân, Chủ tịch CTCP Bảo vệ Việt Mỹ, cũng là chủ của 2 công ty khác kinh doanh cà phê và bất động sản cho biết, nguyên nhân các DNNVV, nhất là DN siêu nhỏ khó tiếp cận vốn NH vì thủ tục quá phức tạp. Khi DN đề nghị vay vốn, NH yêu cầu nhiều thủ tục liên quan đến nhu cầu vốn, báo cáo tài chính, thuế…
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Đức Huy, Giám đốc khối NH bán lẻ SCB cũng chia sẻ, trong một báo cáo về các DNNVV tại khu vực Đông Nam Á năm 2015-2017 của một tổ chức tư vấn quốc tế, trong đó cho biết trên 64% chủ DN được khảo sát thừa nhận thách thức lớn nhất trong điều hành là chi phí hoạt động gia tăng. Đồng thời, gần 45% số chủ DN cho biết áp lực của dòng tiền có thể làm chậm tốc độ phát triển. Cần vốn để tăng trưởng, nhưng nhiều ông chủ DN nhỏ ngần ngại vay NH, thậm chí không tiếp cận vốn NH vì thủ tục phức tạp. 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, hiện nay các NH vẫn mở rộng cửa cho DN, nhưng vấn đề tồn tại của chính DN đã tạo ra rào cản khi tiếp cận vốn. Cụ thể, nhiều DN không hiểu rõ quản lý tài chính nên thiếu các hoạch định kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn. Thêm vào đó, hiện tượng 2 sổ sách kế toán nhằm giảm mức thuế phải đóng cũng khiến cho NH ngần ngại khi DN vay vốn và hiện rất nhiều DN vẫn giữ hình thức này. Nếu hiểu rõ thực trạng hoạt động của DN qua hồ sơ kê khai thuế minh bạch, NH và DN có thể đi đường dài cùng nhau. 
Liên quan đến hồ sơ thủ tục vay vốn, ông Minh cũng đánh giá vấn đề này thật sự phức tạp. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, ngành NH là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục hiện nay chỉ còn 1/3, thậm chí 1/4 so với 3 năm về trước. Song đi vay vốn của NH, mặc dù hồ sơ thủ tục vay vốn được cải tiến, nhưng phải đảm bảo được tính chặt chẽ và tính pháp lý. Nếu NH không làm chặt chẽ, không đủ pháp lý, cơ quan công an sẽ điều tra, kể cả khi NH cho vay thu được nợ cũng chịu điều tra tiêu cực, và NH sẽ phải chịu trách nhiệm. 
Hiện nay các NHTM đã đơn giản hóa bộ hồ sơ vay vốn nhưng vẫn còn khế ước vay vốn, thẩm định, tài sản đảm bảo phải có công chứng, có giao dịch đảm bảo… để đảm bảo an toàn khoản vay. Do đó, các DN cũng phải thông cảm cho ngành NH, đó là những thủ tục bắt buộc NH phải làm để giải ngân tín dụng và đảm bảo mọi hoạt động, hạn chế rủi ro cho cả NH và khách hàng. Dĩ nhiên, NH sẽ tiếp tục đơn giản hoá thủ tục để phục vụ khách hàng tốt nhất.

Lãi suất do hạn chế nguồn vốn!
Bên cạnh vấn đề thủ tục, lãi suất cũng là một vấn đề được DNNVV nhận định là rào cản lớn trong tiếp cận vốn. Hiện nay theo thống kê của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, NHNN còn triển khai chương trình kết nối NH-DN để hỗ trợ DN vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, chủ một DN đang triển khai dự án rau hữu cơ đã từng vay vốn theo chương trình này, cũng băn khoăn về vấn đề lãi suất vay vốn trung và dài hạn. Vì DN được vay vốn ưu đãi nhưng ưu đãi này chỉ được áp dụng trong ngắn hạn, sau đó lại tăng lên gây khó khăn cho việc trả nợ. 
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng thừa nhận đây cũng là một hạn chế trong chương trình kết nối NH-DN. Khi cho vay trung và dài hạn, các NHTM thường chỉ ổn định lãi suất trong 1-2 năm đầu, đến năm thứ 3, thứ 4 về sau thông thường sẽ có sự thỏa thuận lại giữa NH và khách hàng vay vốn. Thông thường, NH lấy lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng hoặc 1 năm cộng với một khoảng chênh lệch từ 2-3%, có nơi đến 4%. Nguyên nhân do vốn trung và dài hạn của NH còn hạn chế. Nguồn vốn cho vay của NH chủ yếu hình thành từ vốn huy động.
Hiện nay TPHCM huy động được 2,192 triệu tỷ đồng, trong đó huy động vốn có kỳ hạn dài chiếm khoảng 21%, còn 79% còn lại là vốn huy động ngắn hạn. Thống đốc NHNN cho phép NH sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhưng ở một tỷ lệ nhất định, năm 2015-2016 được cho vay với tỷ lệ 50-60%, nhưng hiện giảm chỉ còn 45%.
Do đó, để ổn định lãi suất vốn vay trung và dài hạn, NH bắt buộc phải huy động vốn kỳ hạn dài nhiều hơn. Một mặt là để có vốn cho vay trung và dài hạn, mặt khác là để cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn để không vi phạm quy chế về an toàn vốn trong hoạt động theo quy định của NHNN. 
Theo ông Minh, huy động vốn kỳ hạn dài vừa qua cũng được các NH quan tâm, và một vài NH ngay từ đầu năm đã nâng lãi suất huy động có kỳ hạn, đặc biệt là kỳ hạn trên 1 năm tới 3 năm. Theo đó, có những thời điểm lãi suất huy động tăng lên, DN lo lãi suất cho vay tăng lên, nhưng NHNN cũng yêu cầu các NHTM tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giảm chi phí để từ đó ổn định, thậm chí giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể từ đầu năm đến nay, theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, lãi suất cho vay đã giảm 0,3-0,5% so với năm 2017. Riêng cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất chỉ có giảm chứ không có tăng, trước đây 7-8%/năm nhưng hiện nay chỉ còn 6,5%/năm. NHNN chi nhánh TPHCM cũng đang yêu cầu các NH tăng cường huy động vốn trung và dài hạn để từ đó ổn định lãi suất trong suốt thời gian vay vốn của dự án trung và dài hạn. 
Để DN có thể vay vốn rẻ, ông Đỗ Tấn Trúc, Trưởng phòng hỗ trợ DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV cũng tư vấn, TPHCM có nhiều chương trình hỗ trợ, nhiều khoản vay không tính lãi hoặc hỗ trợ 50% lãi vay NH, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Do DN chưa biết rõ chương trình nên không tiếp cận được các nguồn vốn rẻ. Hiện Quỹ Bảo lãnh tín dụng đang tư vấn, kết nối để DN tiếp cận vốn NH dễ hơn.

Các tin khác