Vốn vào nông nghiệp khó quá!

(ĐTTCO) - Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân vừa diễn ra, bên cạnh những vấn đề về thị trường, bảo hiểm, lao động, công nghệ và đất, vốn hỗ trợ cho nông nghiệp (NN) cũng là vấn đề quan trọng được đặt ra để tìm giải pháp tháo gỡ, khơi dòng tín dụng cho nông dân.

Lỗi do bên đi vay?
Tham gia hội nghị này, ông Võ Quan Huy (tỉnh Long An) đã hỏi về việc thế chấp nhà màn để vay vốn nuôi tôm theo chương trình NN công nghệ cao nhưng chưa được NH cho vay.
Ông Tô Hiến Thành (tỉnh Bắc Giang) cũng hỏi về việc không vay được vốn và Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ giảm lãi suất cho vay NN, giải pháp để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn. Đây cũng là những vướng mắc của nông dân trong mối quan hệ với các NHTM. Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã trả lời các vấn đề này.
 Với quan điểm cho vay phải nắm đằng cán của NH, các khoản vay tín chấp theo Nghị định 55 rất hạn chế. Đa số nông dân rất khó tiếp cận được vốn ưu đãi dạng tín chấp với số tiền lớn, trong khi các hợp tác xã vay được không nhiều còn phải chia đều cho các thành viên. Trường hợp nông dân phải thuê đất sản xuất không có sổ đỏ nộp NH sẽ không vay được. 
Theo Phó Thống đốc, tổng dư nợ với lĩnh vực NN, nông thôn đến nay đạt 1,35 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Năm 2017 tín dụng chung của cả nền kinh tế tăng 18,17% nhưng riêng lĩnh vực NN, nông thôn tăng khoảng 25%. Các NHTM đã giải ngân được 40.000 tỷ đồng của gói 100.000 tỷ đồng theo chương trình cho vay ứng dụng NN công nghệ cao, NN sạch.
Ngoài ra còn có các chương trình tín dụng như cho vay đóng tàu theo Nghị định 67, cho vay chăn nuôi lợn khoảng 27.000 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ NN theo từng vùng miền… Lãi suất cho vay cũng đã giảm hơn một nửa so với thời điểm cuối năm 2012 đầu năm 2013. Cụ thể, đầu năm 2013 lãi suất cho vay khoảng 14%/năm hiện còn dưới 6,5%/năm, có khách hàng chỉ vay với lãi suất 5,5- 6%/năm. 
Về điều kiện vay, theo Thông tư 39/2016 của NHNN, tài sản thế chấp không phải là điều kiện duy nhất để cho vay, các TCTD còn dựa trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, NH sẽ căn cứ vào tính khả thi, hiệu quả dự án của khách hàng để xem xét cho vay, Nhà nước không can thiệp vào việc này.
Về tín dụng đen, ông Tú thừa nhận vấn đề này vẫn còn diễn ra nhưng không phải do NH không có vốn hay không có mạng lưới đủ nên dẫn tới thực trạng này. Hiện hệ thống các TCTD đã phủ xuống tới tận xã, thôn là NH chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tài chính vi mô hay Agribank đã về tận huyện, và thực tế thanh khoản hệ thống NH rất tốt. Vấn đề quan trọng là tiếp cận giữa người vay với NH, khách hàng đi vay đã minh bạch trong tài sản, minh bạch trong dự án hay chưa.

NHNN có tháo gỡ được không?
Nhìn chung, câu trả lời của NHNN đối với vấn đề đặt ra đều dựa trên tiêu chí chung là NH cho vay phải đảm bảo mục tiêu thu hồi được nợ, Bởi lẽ, NH là tổ chức trung gian huy động tiền của người dân để cho vay, nên trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn. Trong khi đó, so với các ngành khác, lĩnh vực NN, nông thôn được hưởng một số ưu đãi riêng.
Cụ thể, theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NH và nông thôn, các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại, được vay vốn từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp. NH và bên vay thỏa thuận lãi suất, thời hạn vay, bên vay chỉ cần nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp. 
Trong những trường hợp không được vay vốn, NH cũng chưa có trả lời rõ ràng và để có vốn sản xuất, nông dân phải đi vay tín dụng đen. Như trường hợp ông Tô Hiến Thành, là chủ một hợp tác xã nuôi heo hữu cơ với doanh thu 12-13 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ 3-3,5 tỷ đồng mỗi năm và đạt danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017.
Năm ngoái ông Thành viết thư gửi Bộ NN-PTNT và NHNN, kiến nghị về việc gia đình ông và hợp tác xã thiếu vốn để mở rộng sản xuất nhưng không vay được vốn NH, phải vay tín dụng đen khiến việc sản xuất chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thắc mắc của nông dân trong việc vay vốn sản xuất, NHNN xử lý bằng cách làm việc trực tiếp với NHTM để giải quyết các trường hợp kiến nghị. Tuy nhiên, số lượng nông dân trên cả nước rất đông và phần đông gặp khó khăn, NHNN không thể giải quyết từng trường hợp.
Vấn đề đặt ra là cần nhìn vào nút thắt và gỡ nút thắt đồng bộ để vốn chảy đến những nơi đang cần. Đây là trách nhiệm của NHNN trong việc tiếp tục tìm cách tháo gỡ về nguồn tài sản thế chấp, về các loại hình hỗ trợ cho vay để nông dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, minh bạch hơn. 
Có thể nói, tháo gỡ khó khăn giữa NH và nông dân để nguồn vốn chảy vào sản xuất NN sâu rộng hơn là yêu cầu đặt ra đối với NHNN trong thời gian tới. NHNN cũng cho biết đang thí điểm loại hình tín dụng lưu động để xuống cho vay trực tiếp tận xã, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng. Thông tin này đang tạo ra kỳ vọng vào một cơ chế, một dòng vốn thuận lợi hơn để phát triển sản xuất NN trong thời gian tới.

Các tin khác