Vốn ngoại đã khó hút lại khó giữ

(ĐTTCO) - Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) rất quan tâm và muốn rót vốn vào NH nội. Nhưng rào cản tỷ lệ sở hữu tối đa 30% cùng một số yếu tố khác đã dẫn đến việc khối ngoại rút vốn nhiều hơn đầu tư mới.
 
Vốn ngoại đã khó hút lại khó giữ
HSBC và Techcombank chia tay

Ngày 17-6, Techcombank gửi thông báo đề xuất mua lại cổ phần từ các cổ đông hiện hữu. Cổ phiếu mua lại sẽ được giữ tại NH làm cổ phiếu quỹ. Đây là động thái của Techcombank sau 6 năm thực hiện chính sách không chia cổ tức để dồn vốn đầu tư cho phát triển.
Tuy nhiên, cùng với phương án trên, Techcombank đề xuất cổ đông phê duyệt thỏa thuận với HSBC về việc NH này dự kiến thoái khoản đầu tư tại Techcombank thông qua đề nghị mua lại cổ phần. Kể từ năm 2012, HSBC đã không tham gia các hoạt động quản trị và điều hành của Techcombank nên không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NH. Các đề xuất này đang chờ được ĐHCĐ và các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi được thực hiện.

HSBC tham gia Techcombank năm 2005 sau khi mua lại 10% cổ phần. Đến tháng 8-2008, tỷ lệ sở hữu của HSBC tại Techcombank tăng lên 20%, trở thành NH nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam có tỷ lệ sở hữu tối đa 20% cổ phần tại một NH trong nước. So với đối tác chiến lược nước ngoài tại các NH khác, HSBC có điểm nổi trội hơn vì đã cử các chuyên gia sang hỗ trợ Techcombank cải cách hệ thống quản lý, thiết kế dịch vụ và phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, tại ĐHCĐ năm 2014, HSBC đã không đề cử ứng viên tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới. Lý do là thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật giữa Techcombank và HSBC ký lần đầu vào năm 2005 kết thúc vào tháng 6-2014. Song HSBC vẫn tiếp tục hỗ trợ Techcombank với vai trò là cổ đông sở hữu 19,41% cổ phần của NH. Và nay sự hợp tác này sắp chấm dứt.

Nội ngoại khó hòa hợp?

Từ năm 2008 trở lại đây, việc khối ngoại rút vốn tại các NH nội thường xuyên xảy ra, như IFC, ANZ lần lượt thoái vốn khỏi Sacombank; Tập đoàn Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) chuyển nhượng toàn bộ 14,88% cổ phần sở hữu tại VPBank cho NĐT cá nhân sau 6 năm là đối tác chiến lược.
Năm 2014, Công ty Đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH), thuộc Tập đoàn Tài chính Temasek Holdings (Singapore), sở hữu 20% cổ phần của MDB đã thoái toàn bộ vốn khi MDB sáp nhập Maritime Bank. Mới đây nhất, tại ĐHCĐ năm 2017, cổ đông ACB cũng đã hỏi về kế hoạch Standard Chartered thoái vốn tại NH này. Nguyên nhân các cổ đông ngoại đưa ra do sự hợp tác không còn phù hợp với mục đích các bên. 

Theo nhiều chuyên gia, sau nhiều năm hợp tác với đối tác ngoại, các NH nội dù đã được chuyển giao công nghệ và hỗ trợ quản trị điều hành, nhưng việc thoái vốn cũng có ảnh hưởng nhất định. Nếu phần vốn thoái vẫn chưa có đối tác mua lại, trước mắt NH cũng sẽ bị động trong kế hoạch phát triển.
Như với Techcombank, NH cho biết sự rút lui của ANZ hay HSBC đã phá vỡ kế hoạch tăng vốn điều lệ. NH đã thông báo tạm hoãn phương án tăng vốn để tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ theo đúng quy định của pháp luật và HĐQT sẽ xem xét phương án tăng vốn vào thời điểm thích hợp khác trong năm 2017. 
Vốn ngoại đã khó hút lại khó giữ ảnh 1 Ảnh minh họa: LONG THANH 
Kỳ vọng đối tác Nhật Bản
Trước nay, tìm cổ đông chiến lược nước ngoài luôn là đích ngắm của các NHTMCP lẫn NHTM có vốn nhà nước. Về phía NHNN, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho biết sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống NH. Song để tìm được đối tác ngoại ký kết rót vốn lại là điều khá khó khăn. Trong bối cảnh này, cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản là đối tác giữ quan hệ dài lâu nhất với các NH trong nước và có kỳ vọng hỗ trợ thị trường tài chính Việt Nam nhiều nhất.
Chẳng hạn, Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi 225 triệu USD để mua 15% cổ phần Eximbank từ năm 2008; Mizuho Financial Group chi 567,3 triệu USD để nắm giữ 15% cổ phần Vietcombank năm 2011, đồng thời trở thành nhà đầu tư chiến lược của VietinBank khi dành 743 triệu USD để nắm 19,73% cổ phần từ năm 2012 đến nay. 

Theo ông Masanobu Nakanishi, Giám đốc Chi nhánh Việt Nam của Sumitomo Mitsui Banking Corporation, thị trường tài chính Việt Nam rất hấp dẫn trong trung và dài hạn đối với các NH Nhật Bản, nhờ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ 2 nước. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng xu hướng này xuất phát từ môi trường kinh doanh gần gũi và chấp nhận rủi ro.
Đồng thời, các đối tác ngoại đến từ Nhật Bản cũng đang rất ưa chuộng đầu tư vào lĩnh vực NH bán lẻ. Bằng chứng là trong khi nhiều NH vẫn chật vật tìm vốn ngoại, các cuộc hôn nhân của công ty tài chính trực thuộc NH và đối tác Nhật Bản vẫn diễn ra khá rầm rộ trong 4 năm qua, với phần vốn chuyển nhượng cho cổ đông nước ngoài lên đến 49%, điều này mở ra cơ hội mới cho thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam.
 Hiện nay, các NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên, các yếu tố chính dẫn đến tình trạng làm giảm động lực đầu tư của NH nước ngoài vào NHTM trong nước, là tỷ lệ room ngoại mức 30% hạn chế tiếng nói, quyền quyết định NĐTNN và chính sách mở cửa cho phép NH nước ngoài có thể thành lập NH có 100% vốn.
TS. Trần Du Lịch,  thành viên Hội đồng Tư vấn CSTT quốc gia

Các tin khác