Vốn đổ vào nông nghiệp công nghệ cao

(ĐTTCO) - Lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã không ngại lấn sân đầu tư lớn cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). 
Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ NNCNC mới triển khai hơn 3 tháng cũng đang chảy mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn của nhiều DN. Do vậy bước tiếp theo, các DN lớn cần sự hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị cũng như đầu ra để tất cả các thành viên tham gia vào lĩnh vực này yên tâm bỏ vốn cũng như NH yên tâm bơm vốn tín dụng.
Dòng vốn đang chảy vào NNCNC
 Phải giải quyết bài toán liên kết chuỗi giá trị. Theo đó nhà nước cần khuyến khích các DN lớn, hợp tác xã đi đầu tổ chức sản xuất để đưa các DN nhỏ, các hộ nông dân vào chuỗi sản xuất, để đảm bảo phát triển NNCNC toàn diện. Từ đó các DN nhỏ và hộ nông dân cũng không gặp khó khăn khi NNCNC phát triển.
TS. Trần Du Lịch
Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN), tính đến cuối tháng 5-2017, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt hơn 1,148 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016 (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 7,06%), chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Bình quân trong 7 năm từ 2010-2016, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 19,35%/năm. Song, sau khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng gói 100.000 tỷ đồng cho vay NNCNC, tính đến tháng 6-2017 đã có 8 NH đăng ký tham gia với tổng số vốn đăng ký 120.000 tỷ đồng và chính sách lãi vay thấp hơn so với lãi vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm. 

Theo ghi nhận ban đầu, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này đến nay đạt gần 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ, trong đó cho vay NNCNC 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết 5 tháng đầu năm 2017, trong tổng số dư nợ 74.399 tỷ đồng đã giải ngân cho vay theo chương trình kết nối NH-DN, vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và NNCNC của các NHTM trên địa bàn đạt trên 396 tỷ đồng với 35 khách hàng.

Không chỉ vốn từ NH, đầu tư từ các DN, các định chế tài chính trong và nước ngoài vào lĩnh vực NNCNC cũng ngày càng gia tăng. Đầu tháng 5-2017, CTCP PAN Farm (thuộc Tập đoàn PAN) đã ký kết hợp đồng huy động 400 tỷ đồng với các định chế tài chính trong và ngoài nước, bao gồm Tổ chức Tài chính quốc tế IFC (thành viên của nhóm NH thế giới), Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM và CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Đây là đợt huy động vốn đầu tiên của PAN Farm kể từ khi thành lập vào tháng 8-2016, số vốn huy động trong đợt này sẽ được sử dụng vào việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ cao để sản xuất hoa, rau, quả và các loại nông sản chất lượng cao, an toàn, tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh phục vụ cho khách hàng tại Việt Nam và thị trường quốc tế. 
Vốn đổ vào nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1 Đầu tư vào NNCNC ngày càng thu hút nhiều thành phần tham gia. 
Giữa tháng 5, CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood đã ký kết hợp tác với UBND tỉnh Đắk Lắk đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào NNCNC trong ngành cà phê từ cây giống, trồng trọt, thu hoạch, chế biến, đồng thời trở thành cổ đông chiến lược duy nhất của công ty cà phê Phước An. Không tham gia vào khâu sản xuất, nhưng CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (Elcom) định hướng phát triển trong lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật phát triển NNCNC.
Theo ông Phan Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Elcom, công ty đã hoàn thành quy trình nghiên cứu, tìm hiểu hợp tác với các đối tác uy tín trong khu vực để phát triển các sản phẩm giải pháp ứng dụng công nghệ cao, và bắt đầu gặt hái thành công với bộ sản phẩm trọn gói các giải pháp nhà màng NNCNC để cung cấp cho khách hàng. Những kế hoạch vừa được công bố cùng với hàng loạt dự án của các thành viên trong Câu lạc bộ NNCNC đang tạo ra sự phát triển sôi động của lĩnh vực này trên thị trường.

Room cho NNCNC đã mở
Cách đây 3 năm, trao đổi với báo chí, TS. Phạm Linh, hiện là Phó Tổng giám đốc VietABank, đã nhận định, ở các nước trên thế giới nông nghiệp được sản xuất theo hướng công nghiệp, nên Việt Nam cũng cần công nghiệp hóa nông nghiệp để cạnh tranh lâu dài. Trong kinh doanh, những lĩnh vực chưa đạt hiệu quả phải tính đến việc mở room để khai thác, bởi đó là cơ hội để tăng trưởng.
Nông nghiệp Việt Nam đang cách xa thế giới cũng là room, đây là tiềm năng rất lớn để đầu tư và  thu hẹp bất lợi đó. Thời điểm đó, nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, xu hướng các quỹ đầu tư, các DN trong các ngành thương mại, bất động sản đầu tư vào NNCNC cũng như các NH trong nước và NH quốc tế tham gia hỗ trợ các DN Việt Nam đầu tư nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa chỉ mới bắt đầu nhen nhóm.
Tuy nhiên, thời điểm này một số DN lớn đã nhận thấy, DN các ngành nghề từ thương mại, bất động sản, viễn thông cũng nỗ lực tham gia để lấp đầy khoảng trống, khai thác tiềm năng từ lĩnh vực này. Các NHTM cũng ngày càng mạnh dạn đầu tư vào hơn NNCNC. 

Tham gia gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, BacABank mạnh dạn đầu tư vào các dự án lớn thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, chế biến gỗ, trồng rau và hoa trong nhà kính, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao, rau củ quả chất lượng cao và lúa chất lượng cao như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại xã Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Vietcombank đầu tư vào các dự án sản xuất trứng sạch, lợn giống và chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi. Agribank dành hẳn gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án NNCNC, nông nghiệp sạch.

Cần giải pháp dàn trải vốn đồng đều
Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực khác, vốn để sản xuất NNCNC cũng chưa được dàn trải đều cho tất cả những thành viên tham gia vào lĩnh vực này. Những DN lớn có lợi thế về vốn, có tài sản đảm bảo lại là đối tượng được NH săn đón, mời chào.
Còn các DN thông thường, các hợp tác xã, hộ gia đình thiếu vốn và cần vay lại gặp khó khăn. Đại diện một DN đang hoạt động trong khu NNCNC TPHCM cho biết, sau khi gói 100.000 tỷ đồng được triển khai, công ty đã liên hệ NH nhưng sau khi thẩm định NH trả lời không đạt yêu cầu cho vay vì ngoài máy móc, công nghệ cao còn phải có tài sản đảm bảo.
Với thực trạng đất sản xuất là đất thuê, nhà màng nhà lưới được xếp vào loại công trình tạm được định giá rất thấp, hạn mức tín dụng NH cấp cũng không đáng kể so với nhu cầu vốn của DN. Còn về phía các hợp tác xã, hộ gia đình, tiếp cận vốn vay để đầu tư nông nghiệp hay NNCNC càng khó gấp nhiều lần, vì đây là những đối tượng có nguyện vọng được vay tín chấp. 

Về nguyên tắc, NHNN ủng hộ cho vay tín chấp, tuy nhiên muốn vay tín chấp phải có chữ tín. Kể cả đối với các DN, thông tin để cho NH có thể xử lý được để nâng cao uy tín, tăng tín chấp là vô cùng khó trong khi nông nghiệp là một lĩnh vực nhiều rủi ro, do đó gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cũng chủ yếu là các DN lớn thuộc Câu lạc bộ NNCNC mới tiếp cận dễ. Do đó, rất cần có giải pháp để hỗ trợ các nhóm đối tượng này, gỡ khó cho việc tiếp cận vốn vay để theo đuổi NNCNC cho một bộ phận thành viên đã gắn bó lâu dài với ngành nông nghiệp này.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tín dụng dành cho nông nghiệp đã xác định hướng đến NNCNC, nên vấn đề quan trọng nhất là phải đưa được khoa học công nghệ vào sản xuất, đưa thị trường và quan hệ thị trường đi vào mô hình tổ chức sản xuất để lĩnh vực này thu hút được vốn đầu tư lẫn vốn tín dụng. 

Các tin khác