Vì sao lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng lại trái chiều?

(ĐTTCO)-Nguyên nhân các ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài là do phải đáp ứng tiêu chuẩn mới về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Vì sao lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng lại trái chiều?

Lãi suất huy động cao nhất ở một số ngân hàng đã lên tới 8,6%/năm. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng lại có xu hướng giảm liên tục trong 2 tháng trở lại đây. Điều gì đang xảy ra với mặt bằng lãi suất, vì sao lại có sự trái chiều như vậy?

Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt, một trong những điểm nhấn trong tuần qua chính là Ngân hàng Nhà nước quay trở lại phát hành tín phiếu sau một thời gian dài không phát hành và hơn 2 tháng duy trì số dư tín phiếu bằng 0. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 17.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 3% trong tuần qua và hút ròng 6.374 tỷ đồng thông qua thị trường mở (OMO). Như vậy, tổng hợp 2 kênh OMO và tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước ở vị thế hút ròng 23.373 tỷ đồng trong tuần qua.

Tính lũy kế kể từ đầu năm 2019 đến nay thì Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 64.820 tỷ đồng qua hai kênh OMO và tín phiếu. Xu hướng hút ròng lũy kế tiếp tục được duy trì tuần thứ năm liên tiếp. Đáng chú ý, động thái hút ròng của Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua có sự “đổi vai” giữa kênh OMO và tín phiếu. Động thái đổi vai này được đánh giá là khi lượng OMO đang lưu hành xuống mức thấp (7.588 tỷ đồng), việc hút ròng thông qua kênh OMO không thể sử dụng thêm được nhiều nữa. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại phát hành tín phiếu để tiếp tục hoạt động hút ròng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành ở mức 24.587 tỷ đồng, thấp hơn tương đối thấp so với mức trung bình các tháng gần đây.

Mặc dù hút ròng như vậy nhưng trong tuần qua kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt từ mức 3,95%; 3,8% và 4% xuống còn 3,55%; 3,45% và 3,65%.

Bà Nguyễn Thi Hà, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết: “Sau Tết nguồn tiền nhàn rỗi sẽ quay trở về hệ thống, chúng tôi không nhìn thấy yếu tố nào thanh khoản trở nên căng thẳng, vì thế lãi suất liên ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục giảm về mức khoảng 3%.”

Ngân hàng đẩy mạnh hút vốn dài hạn

Hàng loạt ngân hàng như Techcombank, ACB, ABBANK, Sacombank, MSB... vừa thay đổi biểu lãi suất, tăng từ 0,2 - 0,8%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Thậm chí một số ngân hàng niêm yết mức cao nhất từ 8-8,6%/năm. Trái lại, ở kỳ hạn ngắn, nhiều ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, ACB đã chủ động giảm lãi suất từ 0,1 - 0,3%/năm.

Nguyên nhân được xác định là do các ngân hàng phải đáp ứng tiêu chuẩn mới về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước, nên chỉ cần tăng lãi suất ở kỳ trung dài hạn.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019, tất cả các ngân hàng Việt Nam đều phải giảm tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn là 40%, có nghĩa ngân hàng sẽ được sử dụng vốn ngắn hạn càng ít để cho vay trung dài hạn. Chính vì vậy ngân hàng cần phải tập trung có nhiều nguồn vốn trung dài hạn hơn thì với có thể đảm bảo đủ vốn cho vay ra. Vì thế, các ngân hàng đều đang chủ động điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn hướng tới sự gia tăng nguồn vốn trung dài hạn thông qua mức lãi suất.

Không chỉ tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn dài hạn từ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với mức lãi suất cao xấp xỉ 9%/năm.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 1 dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc với mức lãi suất hấp dẫn lên đến 8,9%/năm. Tổng mệnh giá đợt phát hành là 10.000 tỷ đồng.

Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, khách hàng có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn hệ thống SHB tại Việt Nam với lãi suất cầm cố ưu đãi, bằng lãi suất của chứng chỉ tiền gửi.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho biết: “Chứng chỉ tiền gửi được xem là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với các sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Trong khi đó, với điều kiệm tham gia dễ dàng nên chương trình phù hợp với đại đa số khách hàng. Thông qua đợt phát hành này, SHB muốn bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn đồng thời mong muốn mang đến cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ tiện ích."

Trước đó, hồi cuối tháng 1, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mức lãi suất lên tới 8,6%/năm cho các khách hàng cá nhân. Theo đó, các khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi được cố định trong suốt thời hạn gửi và tiền lãi được trả định kỳ hàng năm cho khách hàng.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngoài sức ép thiếu vốn trung dài hạn, việc chọn lựa phương án phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng giúp các ngân hàng tính trước được chi phí bỏ ra, do chỉ phát hành với số lượng nhất định.

Ngoài lý do trên, theo phân tích của giới chuyên môn, trong bối cảnh việc tăng vốn của các ngân hàng nhất là ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước không thuận lợi thì việc gia tăng huy động vốn kỳ hạn dài thông qua chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi hay kỳ phiếu vẫn là giải pháp giúp các ngân hàng sớm đạt được mong muốn nhanh và hiệu quả nhất để cân đối nguồn vốn, nhất là ở các kỳ hạn dài trong điều kiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ngày càng bị siết lại.

Cũng theo các chuyên gia, động thái tăng lãi suất huy động sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, sau khi các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn, mặt bằng lãi suất sẽ không chịu nhiều sức ép nữa.

Các tin khác