Vì sao khó khăn vẫn tăng lợi nhuận?

Trái với dự đoán đầu năm, nhiều NHTM đến nay đã đạt hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận, trong đó có NHTM vượt 100% kế hoạch lợi nhuận đặt ra từ đầu năm. Trong bối cảnh bị khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng và giảm dư nợ phi sản xuất nhưng NHTM vẫn sống khỏe, đã đặt ra nhiều tranh luận trái chiều về nguồn lợi nhuận thực có của NHTM.

Trái với dự đoán đầu năm, nhiều NHTM đến nay đã đạt hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận, trong đó có NHTM vượt 100% kế hoạch lợi nhuận đặt ra từ đầu năm. Trong bối cảnh bị khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng và giảm dư nợ phi sản xuất nhưng NHTM vẫn sống khỏe, đã đặt ra nhiều tranh luận trái chiều về nguồn lợi nhuận thực có của NHTM.

Lỗ hổng lãi suất “ngầm”

Nhìn vào cơ cấu lợi nhuận của hầu hết NHTM trong 6 tháng đầu năm, có thể thấy nguồn thu đem lại chủ yếu vẫn từ lãi thuần (huy động và cho vay). Mặc dù nhiều NHTM cho biết từ đầu năm đến nay phải chịu chi phí huy động vốn cao do thỏa thuận “ngầm” lãi suất huy động vượt trần 14%/năm.

Vấn đề đặt ra tại sao NH vẫn lãi cao từ hoạt động tín dụng? Có thể thấy, thứ nhất khi NHTM huy động cao sẽ cho vay cao theo kiểu “nước lên thuyền lên”, bởi cơ chế cho vay hiện nay theo lãi suất thỏa thuận nên không có chuyện NHTM lỗ lãi suất. Thứ hai, không phải khách hàng nào đến gửi tiền cũng được NHTM chấp nhận lãi suất vượt trần 17-18%/năm, thường chỉ với những món tiền gửi trên 200 triệu đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nhìn vào con số tuyệt đối để đánh giá NHTM "lợi nhuận khủng", không quan tâm đến hệ số như ROE, ROA, tỷ lệ chia cổ tức... của các NHTM là không xác đáng. Hơn nữa, khó có thể đánh giá NH vẫn sống khỏe trong khi cả nền kinh tế khó khăn. Bởi không ít NHTM phải nuôi cả khách hàng xấu của mình, để cùng tồn tại và không phải trích dự phòng rủi ro 100%.

Với thu nhập trung bình của người dân hiện nay, có thể thấy những khoản tiền gửi dưới 200 triệu đồng chiếm phần  lớn. Chưa kể, việc thỏa thuận “ngầm” lãi suất huy động chỉ phổ biến ở những thành phố lớn, nơi có số lượng khách hàng VIP với số dư tiền gửi lớn, còn hầu hết các địa phương người dân gửi tiền vẫn chỉ nhận được lãi suất 12-14%/năm.

Nắm bắt xu thế này, nhiều NHTM cổ phần tranh thủ mở rộng mạng lưới ở các địa phương, tỉnh lỵ xa thành phố để hút lượng tiền nhàn rỗi giá rẻ trong dân - vốn là thị phần trước đây của các NHTM quốc doanh.

Như vậy, cộng với tài khoản tiền gửi thanh toán và trên thẻ ATM của khách hàng với lãi suất không kỳ hạn, giá vốn huy động bình quân của các NHTM 17-18%/năm không phổ biến, mà thực tế 14-15%/năm nhưng các NHTM vẫn cho vay đến 20-22%/năm. Điều này lý giải vì sao từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM rất chậm nhưng các NHTM thu lợi nhuận từ tín dụng rất cao.

NH vẫn lợi thế hút vốn

Trong bối cảnh lượng tiền cung ứng của Chính phủ trong năm sụt giảm do thắt chặt tiền tệ, các NHTM cho biết rất khó khăn trong việc huy động vốn. Nhưng thực tế kênh tiền gửi vẫn chiếm ưu thế, giúp khách hàng có tiền nhàn rỗi an tâm về nguồn vốn của mình, không lo ngại trong bối cảnh các kênh chứng khoán, vàng, bất động sản… biến động thất thường.

Chính vì vậy, những NHTM nhỏ kém về uy tín và thương hiệu sẵn sàng cạnh tranh hút vốn với lãi suất lên đến 17-18%/năm. Đây được xem là mức sinh lời hấp dẫn trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Từ đầu năm đến nay, hệ thống NHTM tăng trưởng tín dụng chậm nhưng lợi nhuận từ tín dụng cao. Ảnh: LÃ ANH

Từ đầu năm đến nay, hệ thống NHTM tăng trưởng tín dụng chậm
nhưng lợi nhuận từ tín dụng cao. Ảnh: LÃ ANH

Những năm trước đây đi vào quán cà phê, quán ăn đều nghe người dân bàn về chứng khoán, vàng, bất động sản, nhưng năm nay có thể thấy chủ đề “gửi tiền NH nào lãi suất thỏa thuận cao” được bàn luận nhiều hơn. Ngay những NH lớn như VCB vốn có tiếng “cứng nhắc” nay cũng linh hoạt hơn trong thỏa thuận lãi suất huy động.

Trả lời ĐTTC mới đây, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc VCB, thừa nhận từ đầu năm đến nay lượng vốn huy động của VCB sụt giảm 30.000 tỷ đồng, đã buộc NH phải ký hợp đồng ủy thác lãi suất để ngăn tình trạng tiếp tục tụt nguồn vốn huy động. Tuy nhiên, VCB chỉ áp dụng với số tiền gửi 5-10 tỷ đồng và lãi suất nếu có vượt trần cũng chỉ 15-16%/năm.

Rủi ro nhiều phía

Giả thiết NHTM huy động vốn lãi suất thực tế cao hơn so với trần huy động 14%/năm, gánh nặng ấy được các NHTM đổ lên vai khách hàng. Thực tế trong 6 tháng đầu năm 2011, nhiều khách hàng tín dụng cá nhân đều nhận thông báo điều chỉnh tăng lãi suất cho vay từ các NHTM với lý do điều chỉnh theo lãi suất thị trường.

 Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với chính sách lãi suất của NHTM là các doanh nghiệp. Khát vốn các doanh nghiệp chấp nhận vay lãi suất cao nên giá thành sản phẩm cũng bị đội lên. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, lạm phát cao, đời sống đại đa số người dân giảm sút, sản phẩm của doanh nghiệp khó bán, tồn kho tăng cao đã tác động gây khó khăn cho nền kinh tế.

Chưa kể, chịu chi phí sản xuất đè nặng do lãi vay cao doanh nghiệp trong nước khó có cửa nâng cao sức cạnh tranh với các đối thủ trên thương trường quốc tế. Ngoài ra, khi doanh nghiệp vay lãi suất cao thường tính chuyện đầu cơ, “đánh quả” mới mong có lợi suất cao để trả lãi NH. Khi đó, các NHTM cũng phải “đánh đu” theo những “phi vụ” làm ăn của các doanh nghiệp.

Tóm lại, những rủi ro của doanh nghiệp và nền kinh tế gánh từ lãi suất cao sẽ quay ngược  lại gây tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống NHTM. Muốn có lợi nhuận cao, các NHTM chấp nhận cho vay lãi suất cao thông qua việc hạ chuẩn cho vay và chấp nhận khả năng nợ xấu sẽ tăng cao trong năm nay.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng hệ thống NHTM là trụ cột nền kinh tế, nhưng dĩ nhiên hoạt động phải có lãi. Bởi nếu NH nào thua lỗ, khách hàng của NH này sẽ không tiếp tục gửi tiền. Và nếu khách hàng đồng loạt rút tiền, khả năng NHTM này sẽ phá sản, tạo hiệu ứng dây chuyền nguy hiểm cho cả hệ thống.

NHNN nhiều lần yêu cầu các NHTM giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng vấn đề được đặt ra là đang có mâu thuẫn giữa đạo đức kinh doanh, lương bổng và áp lực lợi nhuận. Vì vậy, thời điểm này cơ quan quản lý nên xem xét lại công tác quản trị điều hành của các NHTM.

Dư luận đặt ra câu hỏi: Nếu các NHTM cho rằng họ vẫn thực hiện huy động lãi suất 14%/năm, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu an toàn vốn, giảm dư nợ phi sản xuất xuống theo lộ trình của NHNN… việc công bố mức lợi nhuận trên có phải là giả, để che mắt cổ đông?

Các tin khác