Vay vốn ưu đãi phát sinh rào cản

(ĐTTCO) - Hiện nay các ngành nghề lĩnh vực ưu tiên đều có chính sách hỗ trợ và NHNN cũng đang tập trung ưu đãi về chính sách để hỗ trợ vốn cho nhóm doanh nghiệp (DN) này. Tuy nhiên, thực tế việc DN tiếp cận vốn NH vẫn chưa thông suốt.
 
Có L/C vay vốn không dễ

Ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu, cho biết công ty chuyên xuất thanh long sang Trung Quốc. Trước đây giao dịch TT (sau khi nhận hàng bên mua mới thanh toán), sau này công ty yêu cầu đối tác mở L/C.
Phía đối tác đồng ý mở L/C nhưng chỉ mở L/C 3 tháng nhằm giảm phí, dù DN yêu cầu mở L/C khi hàng ra khỏi cảng hoặc 1 tháng phải thanh toán.
Ông Lãm mang L/C này đến 2 NH tại TPHCM để thế chấp vay vốn, phía NH cho rằng dù DN đã có L/C nhưng chưa đến giai đoạn xuất nên vẫn phải thế chấp thêm tài sản mới có giá trị để vay vốn. 

 Gần 80% vốn hoạt động của DN do NH cung ứng, nên tín dụng không tới được sẽ khiến DN không thể lớn lên được vì không thể mở rộng sản xuất, đổi mới kỹ thuật để tăng sức cạnh tranh. Đó là lý do DN Việt Nam luôn bị lép vế và thu hẹp thị phần ở ngay trên sân nhà. 
TS. Nguyễn Minh Phong,
chuyên gia kinh tế 
“Không có L/C không vay được vốn, tức NH từ chối cho vay tín chấp là điều chấp nhận được. Nhưng nay đã có L/C NH vẫn không đồng ý cho vay, DN cảm thấy rất lúng túng” - ông Lãm chia sẻ và cho biết đối tác Trung Quốc đặt hàng số lượng rất lớn, gần 300 container/tháng, mỗi container trị giá 400-500 triệu đồng.
Toàn Cầu nhận đơn hàng rồi giao cho các DN ở Tiền Giang, Bình Thuận và Long An thực hiện. Song các công ty thu mua đều yêu cầu phải ứng trước 50% giá trị mới, trong khi Toàn Cầu không thể đứng ra bảo lãnh cho DN thu mua hàng vay vốn trước khi được đối tác cấp L/C. 

Ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Bình Thuận, cho biết đối với nông sản, HTX muốn bao tiêu sản phẩm cho nông dân, song tâm lý nông dân đều muốn bán lấy tiền ngay để trả nợ. HTX không có khả năng tài chính trả ngay vì DN xuất khẩu phải bán hàng và thanh toán mới có tiền trả cho người dân.
HTX có vùng nguyên liệu, có khách hàng nhiều và cũng kết hợp với DN đầu mối xuất khẩu, đối tác để tiếp cận vốn vay. Nhiều NH cũng cam kết tham gia chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, căn cứ vào hợp đồng hợp tác để cho vay. Nhưng thực tế hầu như không có NH nào cho vay.

Cũng khó tiếp cận được vốn vay NH, giám đốc 1 DN xuất khẩu hàng nông sản kể ông từng công tác tại 1 NHTMCP lớn, sau đó rẽ hướng sang kinh doanh. Năm 2015, ông cùng Cục Xúc tiến thương mại sang Đức ký kết được 1 hợp đồng. Ông cầm bộ chứng từ chiết khấu bằng D/P và tài sản thế chấp trị giá 10 tỷ đồng vào NH từng làm việc để vay vốn, nhưng chỉ được cấp vốn vay 4,7 tỷ đồng. Vì không cấp đủ số vốn cần thiết nên DN ông bị mất hợp đồng đó. Từ đó trở đi, DN của ông mất uy tín, nhiều lần liên hệ đối tác nhưng bị họ lảng tránh.
Ông cũng cho biết thêm hiện nay DN của ông kinh doanh thông qua việc “góp tiền túi”, dù muốn phát triển nhưng NH không hỗ trợ đúng mức nên chỉ gom góp từ cộng sự để làm, không đi gõ cửa NH nữa.

Dù được nằm trong nhóm vay vốn ưu đãi, nhưng thực tế kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản không dễ tiếp cận vốn. Ảnh: LONG THANH 

Cần sự phối hợp đồng hành

Chia sẻ những khó khăn trong việc vay vốn, cán bộ tài chính một NHTMCP cho biết hiện nay với cho vay xuất khẩu các NH đang triển khai các gói hỗ trợ vốn. Song để được vay vốn DN phải đạt được một số điều kiện. Thí dụ, Chính phủ yêu cầu NH hỗ trợ nông dân nuôi cá nhưng người nuôi cá cũng lo ngại cá chết trong ao. Hay DN xuất khẩu thanh long có L/C, nhưng L/C đó chưa đến giai đoạn xuất, chỉ dừng lại ở thỏa thuận với đối tác; hoặc có bộ chứng từ nhưng chứng từ D/P rủi ro cao nên cần thêm tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, NH còn đánh giá DN dựa trên hoạt động của DN đối với lĩnh vực này và đối tác bên kia, nhất là đối với DN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro. Vì thế, với ngành xuất khẩu nông sản, muốn gỡ khó về vốn phải có sự phối hợp từ HTX đến công ty đầu mối, phải đồng hành cùng vay vốn từ 1 NH, đặc biệt là những NH có gói tín dụng đặc thù dành cho các chuỗi riêng. 

Theo đó, NH có phối hợp tài trợ chuỗi sẽ làm việc với công ty đầu mối, nguồn vốn lớn, với uy tín của họ sẽ đứng ra bảo lãnh cho các khách hàng trong các chuỗi cung ứng giá trị, từ đó cấp hạn mức cho các DN khác, tín chấp trên cơ sở doanh thu với công ty đầu mối và tín chấp trên cơ sở tài sản đảm bảo của khách hàng nếu khách hàng muốn hạn mức lớn hơn. Có như vậy mới gỡ được bài toán vốn cho các DNNVV.

Theo nhiều chuyên gia, để tháo gỡ dòng tín dụng cho DN tư nhân quy mô nhỏ và vừa, NH cần thay đổi tư duy, tăng cường hỗ trợ các đối tượng DN này vì hiện nay các NH thường thích làm các dự án lớn do thời gian và công sức ít hơn nhưng độ an toàn cao hơn.
Ngược lại, DN tư nhân có quy mô nhỏ và vừa phải liên kết chuỗi để lớn mạnh. Các chính sách hỗ trợ cũng nêu rõ, vay tín chấp hay thế chấp cũng đều ưu tiên trọng tâm cho vay theo chuỗi. Ngoài ra, các DN cũng nên sáp nhập để lớn lên vì đứng một mình sẽ khiến DN yếu hơn trong khi NH đòi hỏi cao, khi sáp nhập sẽ mạnh hơn, khẳng định quyền và độ tin cậy đủ sức đáp ứng yêu cầu cho vay của NH.

Các tin khác