Vàng hạ nhiệt trong ngắn hạn?

(ĐTTCO) - Hôm qua 16-8, vàng đã điều chỉnh giảm từ đỉnh cao 9 tuần, do giới đầu tư chốt lời sau khi căng thẳng Hoa Kỳ - Triều Tiên hạ nhiệt. 

Tuy nhiên, nhiều nhận định của giới chuyên gia vàng vẫn rập rình tăng giá vì bất ổn mới tan biến trong ngắn hạn.

Cửa tăng lớn

Đầu giờ sáng 16-8 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay giảm 13,1USD xuống 1.268,5USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York giảm 12,9USD xuống 1.277,5USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng SJC tại TPHCM được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 36,15-36,37 triệu đồng/lượng, giảm 40.000 đồng so với chốt phiên trước đó và đến chốt phiên, giá vàng SJC tiếp tục giảm xuống mức 36,13-36,33 triệu đồng/lượng.
Đồng thời, giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD của các NHTM 35,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức 1,2 triệu đồng/lượng.

 Lực đẩy để vàng sẽ bật lên mức cao có thể đến từ thị trường chứng khoán khi thị trường này đang bị đẩy mạnh vào bong bóng. Chỉ cần thị trường chứng khoán có bất kỳ sự lung lay nào, giá vàng sẽ có thể có cơ hội tiến đến ngưỡng 1.295USD/ounce và nếu vượt qua ngưỡng này sẽ xuất hiện áp lực mua kỹ thuật tiếp theo đẩy giá vàng đi lên.
Chuyên gia phân tích kỹ thuật Forex.com
Thực ra vàng thế giới giảm giá những ngày gần đây chủ yếu do căng thẳng Hoa Kỳ và Triều Tiên giảm, sau khi chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết đang cố gắng hướng tới mục đích phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao.
Bên cạnh đó, giá vàng còn chịu tác động từ thông tin người tiêu dùng Hoa Kỳ đã chi tiêu nhiều hơn trong tháng 7, với doanh số bán lẻ tăng 0,6% trong tháng 7, sau khi tăng 0,3% trong tháng 6, theo công bố của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Thêm yếu tố tác động nữa là đồng USD đã hồi phục trở lại so với hầu hết đồng tiền chủ chốt và những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tiến hành thêm đợt nâng lãi suất nữa trong năm nay. 

Tuy vậy, sức cầu đối với vàng còn rất lớn. Nhiều chuyên gia dự báo vàng sớm lập đỉnh mới và có thể tăng lên ngưỡng 1.400USD/ounce từ nay đến cuối năm, bởi yếu tố cốt lõi dẫn tới xung đột Hoa Kỳ - Triều Tiên khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ vàng Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ gia tăng, khi 2 quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới sắp bước vào mùa cao điểm.
Phân tích kỹ thuật cho thấy nhiều tín hiệu vàng sẽ tăng giá trong ngắn hạn, cụ thể, ngưỡng kháng cự gần nhất là 1.298,1USD/ounce và sau đó là 1.30USD/ounce, ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1.280,3USD/ounce và sau đó là 1.275USD/ounce. Hiện giá vàng thế giới đã tăng 118USD/ounce, tương đương 10,2% so với cuối năm 2016.

Những yếu tố đẩy giá vàng

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Evgeny Ananiev, Giám đốc phụ trách đầu tư kim loại quý thuộc NH đầu tư VTB Capital của Nga, cho biết có thể vàng sẽ diễn ra một số đợt điều chỉnh, nhưng giá vàng sẽ khó giảm dưới 1.200USD/ounce vì đang được hỗ trợ rất tốt.
Hiện giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới xoay quanh ngưỡng 1.280USD/ounce. Nhà phân tích Chirag Sheth thuộc Công ty Nghiên cứu thị trường vàng Metals Focus ở London, cho rằng tình hình ở Triều Tiên đã mang lại cho giá vàng cơ hội vượt mức 1.300USD/ounce và có thể duy trì trên mức này.
Ông Chirag Sheth dự báo giá vàng sẽ lên mức 1.400USD/ounce trong 6-9 tháng tới, bởi tình hình Triều Tiên đang khiến các nhà đầu tư quay lại với vàng để tìm kiếm mơi trú ẩn. Cũng theo Chirag Sheth, việc FED thay đổi lập trường từ cứng rắn sang mềm mỏng về lãi suất cũng là một nguồn lực hỗ trợ quan trọng cho giá vàng.

Nhà đầu cơ nổi tiếng thế giới, tỷ phú Ray Dalio cũng khuyến nghị các nhà đầu tư giữ 5-10% tài sản là vàng. Bởi giữa lúc diễn ra cuộc đấu khẩu kịch liệt giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên vào tuần trước, thế giới đang chờ xem ai là người nói suông, hay liệu có chiến tranh xảy ra không. Nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới Bridgewater Associates cũng nhấn mạnh Quốc hội Hoa Kỳ có thể sẽ không đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ, khiến chính phủ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật. Trong trường hợp như vậy, giá vàng cũng có thể tăng mạnh.
Ngoài ra, lạm phát yếu ở Hoa Kỳ làm tăng khả năng FED giãn tiến độ tăng lãi suất, cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy giá vàng tăng. Bởi lẽ, vàng là tài sản không sinh lãi nên thường tăng giá trong môi trường lãi suất thấp và ngược lại. 

Theo số liệu thống kê công bố vào tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo tăng 1,8% giới phân tích đưa ra trước đó. Và khi áp lực tăng giá giảm xuống có thể khiến FED không có thêm đợt tăng lãi suất nào nữa trong năm nay.
Bên cạnh đó, tại thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc, theo số liệu của Hiệp hội Vàng Trung Quốc, nhu cầu vàng miếng tăng hơn gấp rưỡi trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi tổng mức tiêu thụ vàng tăng khoảng 10%, đạt mức 542,2 tấn.
Còn nhu cầu vàng tại Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, đã khởi sắc sau khi sụt giảm trong năm 2016. Ông Chirag Sheth dự báo tiêu thụ vàng nữ trang của Ấn Độ có thể tăng 6% trong năm nay, trong khi nhập khẩu vàng của nước này có thể tăng 30%, đạt mức 800 tấn.

Các tin khác