Vẫn khó đưa vốn lĩnh vực ưu tiên

(ĐTTCO) - Chính phủ vừa yêu cầu NHNN chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên ngay trong tháng 3 và quý I-2019. Trước đó, NHNN cũng liên tục định hướng các NHTM tập trung vốn cho vay vào nhóm này. Tuy nhiên, dù dư nợ có tăng nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực ưu tiên lại khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Vẫn khó đưa vốn lĩnh vực ưu tiên
Tập trung 5 lĩnh vực ưu tiên
Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2018 đạt 14%. Trong đó, tín dụng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy hải sản tăng 8,88%, chiếm tỷ trọng 9,56%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 12,1%, tỷ trọng 31%.
Riêng ngành thương mại và dịch vụ tăng 15,9%, tỷ trọng 59,4%. Trong đó, dư nợ ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có tốc độ tăng 26%, chiếm 34% ngành này.
 Để việc cho vay lĩnh vực ưu tiên đạt hiệu quả, không chỉ mở rộng tín dụng, giảm lãi suất, cần xốc lại hoạt động của các định chế hỗ trợ vốn, giải quyết vấn đề thủ tục, vướng mắc nội tại, giúp dòng chảy tín dụng vào nhóm này thuận lợi hơn.
Song song đó, tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên cũng tăng khá, như tam nông tăng 15,5%, chiếm tỷ trọng 24%; DNNVV tăng 13,5%, tỷ trọng 18%, xuất khẩu tăng 3,5%, công nghiệp hỗ trợ tăng 17%, ứng dụng công nghệ cao tăng 0,3%. Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay, NHNN yêu cầu các NHTM tiếp tục tập trung cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt các lĩnh vực ưu tiên. 
Định hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên đã có từ năm 2013. Tháng 7-2018, NHNN đã có công văn yêu cầu các TCTD chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng chú trọng vào các lĩnh vực ưu tiên, áp dụng lãi suất cho vay theo đúng quy định, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Năm nay khi NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH, cũng yêu cầu các TCTD phải tính toán cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bắt đầu ngay trong tháng 3 này.

Lãi thấp nhưng không dễ vay
Theo các chuyên gia, 5 lĩnh vực ưu tiên là đối tượng khách hàng cần vốn, nếu được vay vốn sẽ có cơ hội để phát triển, cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm có lợi cho nền kinh tế. Vì thế, chỉ đạo tăng cường vốn cho các lĩnh vực ưu tiên được đưa ra dồn dập xuất phát từ hàng loạt chia sẻ khó khăn về tiếp cận vốn của những DN trong nhóm này. 
Theo ghi nhận của ĐTTC, thời gian qua rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên không có cơ hội tiếp cận vốn. Chẳng hạn, theo ông Đỗ Thế Nguyên Vũ, người sáng lập mạng xã hội Vietnam Farm, DN phát triển mạng xã hội kết nối người nông dân để tạo ra một cộng đồng cùng tìm hiểu về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kết nối để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm nông nghiệp sạch và xuất khẩu. Đây là sự liên kết để xây dựng mô hình kết hợp giữa nông nghiệp, nông dân và NH.
Trong đó, DN đóng vai kiểm soát quy trình phân phối giống để ra sản phẩm chất lượng; dùng hệ thống công nghệ IT để kiểm soát việc đồng áng, sử dụng công nghệ để phục vụ nông nghiệp, có điều phối viên khu vực để kiểm soát ghi nhận hoạt động sản xuất và lo đầu ra. Hoạt động sản xuất rõ ràng nhưng nút thắt ở chỗ nông dân không tiếp cận được vốn, trong khi DN lại không đủ vốn nên cần sự hỗ trợ từ NH, nhưng việc tìm kiếm nguồn vốn của DN này suốt 3 năm qua không thành công. 
Hay trường hợp CTCP Phát triển Nông nghiệp Hải Âu, ngoài hoạt động chính là nông nghiệp, DN này còn kinh doanh xăng dầu, du lịch, hàng hải. Nhưng theo lãnh đạo công ty, lĩnh vực nông nghiệp hoạt động nhờ vốn vay của các lĩnh vực còn lại. Nhìn rộng ra hơn, DNNVV đang chiếm khoảng trên 90% tổng số DN cả nước với nhu cầu tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh rất lớn. Song theo thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn còn đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được vốn vay.
Đầu năm nay, 4 NHTM có vốn nhà nước đã giảm thêm 0,5% lãi suất xuống còn 6% để hỗ trợ các DN vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN. Gần đây, một số NHTMCP cũng triển khai gói tín dụng lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên. Song nhìn trên bình diện chung, chương trình giảm lãi suất này chỉ có ý nghĩa với các DN lớn.
Còn với các DNNVV, ông Lê Kha, Giám đốc Công ty LeKha Mart, chia sẻ không chỉ quan tâm lãi suất mà họ còn quan tâm cách thức để hưởng được ưu đãi vay vốn, vì thủ tục rất phức tạp, dẫn đến việc DN rất khó tiếp cận, dù có nhiều chính sách định hướng của Nhà nước hỗ trợ. Hơn nữa, đa số DN hiện nay cần đầu tư lâu dài, NH chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, nếu tiếp cận được vốn vay chưa kịp đầu tư đã đến hạn trả nợ cũng khó khăn. 
Theo các chuyên gia kinh tế, DN khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia chuỗi, DN công nghệ cao hoặc những DN thuộc lĩnh vực ưu tiên đều cần có cơ chế đặc thù riêng. Do đó, cơ quan quản lý mới có các quy định liên quan tới 5 lĩnh vực ưu tiên, cộng với các quỹ như quỹ phát triển DNNVV, quỹ bảo lãnh… Hiện cơ chế đã có, vấn đề còn lại là đẩy mạnh triển khai, cơ chế nào thiếu nên sớm bổ sung. 

Các tin khác