Ưu tiên hàng đầu quản trị nhà băng

(ĐTTCO) - CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố danh sách Top 10 NHTM Việt Nam uy tín năm 2018. Đây là hoạt động thường niên do Vietnam Report nghiên cứu và công bố từ năm 2012. 
Cùng với đó, Vietnam Report cũng công bố những nghiên cứu về hoạt động cũng như thách thức các NHTM đang đối mặt. Để làm rõ hơn, ĐTTC trao đổi với ông PHÙNG HOÀNG CƠ, Phó Chủ tịch HĐQT Vietnam Report.
PHÓNG VIÊN: - Kết quả nghiên cứu của Vietnam Report đánh giá thế nào về hoạt động NH năm 2017 và những tháng đầu năm 2018?
Ông PHÙNG HOÀNG CƠ: - Năm 2017 và nửa đầu năm 2018, hệ thống NH Việt Nam đang trong quá trình củng cố và ổn định, tập trung cho quá trình tái cơ cấu đặt trong toàn cảnh tái cơ cấu của nền kinh tế.
Thứ nhất, việc điều hành chính sách của NHNN đã đạt được một số thành công nhất định, khi thời gian qua đã hấp thụ được khá nhiều ngoại tệ, nhờ vậy tăng dự trữ ngoại hối, trên cơ sở kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, đảm bảo mức thặng dư cán cân thanh toán và cân bằng kinh tế đối ngoại. 
 Ngành NH chỉ đạt được bước tiến mạnh mẽ khi chính mỗi NH trong ngành cải tổ và vươn lên hiệu quả. Không ngừng hoàn thiện mình, đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu và giữ vững đạo đức nghề nghiệp là những nền tảng cơ bản, hòa cùng với các chính sách, chủ trương đúng đắn để tạo dựng một hệ thống NH Việt Nam uy tín hơn để vươn xa hơn nữa.
Thứ hai, các NH tập trung tái cơ cấu hệ thống quản lý và quản trị. Trong giai đoạn 2017-2018, các NH tập trung tái cơ cấu nội bộ, sự thay đổi bộ máy quản lý, hay từ góc độ thanh tra giám sát NH. Kết quả mã hóa dữ liệu NH trên các đầu báo có ảnh hưởng trong khoảng thời gian từ tháng 6-2017 đến tháng 5-2018 của Vietnam Report, cho thấy trong số 926 đơn vị mã hóa xoay quanh chủ đề hình ảnh NH trên thị trường, chế độ nhân sự và chiến lược kinh doanh, M&A, lượng thông tin tập trung tương đối nhiều về việc thay đổi nhân sự cấp cao trong hệ thống các NH (chiếm 19,5%) và điều tra, thanh tra, xử lý các sai phạm (12,95%). Điều này cho thấy sự tăng cường về mặt quản lý, giám sát các sai phạm và điều chỉnh cơ cấu nội bộ NH.
Thứ ba, tỷ lệ nợ xấu đã giảm tương đối mạnh trong năm 2017. Theo NHNN, tính từ năm 2012 đến tháng 3-2018, hệ thống các TCTD xử lý 753.500 tỷ đồng nợ xấu. Riêng trong năm 2017, tổng các khoản nợ xấu đã được xử lý 115.540 tỷ đồng. Điểm tích cực trong giai đoạn qua là các NH đã đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Các NH nằm trong Top 10 như Vietcombank, ACB, Techcombank, MB đã hoàn tất xử lý nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2017, riêng VietinBank đã hoàn tất trong quý I vừa qua. 
Thứ tư, trong giai đoạn 2017-2018, nhiều NH đã đạt được tăng trưởng cao và ổn định. Theo các chuyên gia, thành quả các NH đến từ việc giữ tỷ lệ NIM (chênh lệch lãi suất huy động/cho vay) ở mức lý tưởng, cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu tín dụng. Thay vì tập trung vào bán buôn như trong giai đoạn trước, các NHTM hiện đang chạy đua sang mảng bán lẻ, tăng thu từ dịch vụ và giảm độc canh tín dụng. 
Ưu tiên hàng đầu quản trị nhà băng ảnh 1 TienphongBank là một trong những NH có thế mạnh về công nghệ số. 
Với những kết quả trên, trong năm này ngành NHTM lạc quan với triển vọng tăng trưởng. Cụ thể, 100% NHTM tham gia khảo sát tháng 5 vừa qua kỳ vọng tốc độ tăng trưởng toàn ngành sẽ đạt trên 10%. Nhiều NH đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2018 hết sức tích cực trong các đại hội cổ đông, có NH dự định với mức tăng trưởng lên tới 40-65%.
- Vậy thách thức các NHTM phải đối mặt là gì, thưa ông?
- Nhìn nhận một cách khách quan, trong thời gian tới các NHTM cũng sẽ gặp một số thách thức nhất định. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều nhận định đó là các rủi ro tín dụng, thanh khoản, lãi suất. Đây sẽ vẫn là những vấn đề tâm điểm các NH cần quan tâm trong quá trình hoạt động, đặc biệt là vấn đề rủi ro tín dụng.
Hiện nay, tăng trưởng tín dụng cao và chuyển đổi sang đối tượng khách hàng cá nhân thay vì bất động sản, nên tăng trưởng được đánh giá là đỡ nóng và rủi ro. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng tăng cao cũng đồng nghĩa với tình trạng gian lận và giả mạo thông tin để vay tiêu dùng trở nên phổ biến, trong khi độ phủ thông tin tín dụng tại Việt Nam còn thấp, dẫn đến việc NH và các TCTD gặp rất nhiều khó khăn khi ra quyết định cho vay.
Trong bối cảnh cho vay tín chấp gia tăng mạnh, cạnh tranh càng trở nên gay gắt, những NH đẩy mạnh mảng kinh doanh này có nguy cơ gặp phải những rủi ro tiềm ẩn, chưa kể đến những quan ngại cho rằng tín dụng bất động sản đang ẩn dưới tín dụng tiêu dùng.
- Làn sóng fintech (công nghệ tài tài chính) và cách mạng công nghiệp 4.0 liệu có làm khó ngành NH, thưa ông?
- Ngành tài chính đang đối mặt với những thay đổi lớn do các thành tựu công nghệ mang lại và ứng dụng công nghệ sẽ thu hẹp khoảng cách giữa NH và người dùng. Nắm bắt được xu thế, nhiều NHTM đã tập trung đầu tư vào công nghệ nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Có đến 93% NH phản hồi khảo sát của Vietnam Report, cho biết hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (internet banking, mobile banking…); 80% cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của NH và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong sự hợp tác giữa NH và các công ty fintech, theo gần 90% chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định, là vấn đề bảo mật thông tin.
Khi NH và các công ty fintech bắt tay hợp tác, khó khăn nằm ở sự đồng thuận để chia sẻ thuật toán giữa 2 bên và làm sao để bảo vệ được thông tin dữ liệu NH đã xây dựng qua nhiều năm. Ngoài ra, để sự phối hợp giữa 2 bên được suôn sẻ cũng yêu cầu trình độ và khả năng hấp thụ công nghệ của nền kinh tế, ngành NH và cả người dân cũng đang trở thành thách thức lớn.
- Đối mặt với những thách thức đó, khuyến cáo của ông cũng như Vietnam Report là gì?
- Hầu hết các chuyên gia tham gia khảo sát đều khẳng định Chính phủ nên tiếp tục kiên trì với đường lối thận trọng, có kiểm soát như hiện nay. Tuy nhiên cần phát triển chính sách trên cơ sở tầm nhìn dài hạn hơn, có tính kỷ luật và triệt để hơn. Về phía các NH, vấn đề tăng cường quản trị, quản lý cần được ưu tiên hàng đầu.
Các NHTM Việt Nam cần đặt ra các giai đoạn quản trị cho quá trình phát triển của mình, đồng thời gắn chiến lược phát triển này với định hướng phát triển chung của nền kinh tế. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác