Ứng xử phù hợp tín dụng phi chính thức

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. CẤN VĂN LỰC (ảnh), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng cần phân biệt rõ 2 khái niệm “tín dụng đen” với tín dụng phi chính thức, từ đó mới có những giải pháp ngăn chặn “tín dụng đen” sao cho phù hợp và hiệu quả.

Ứng xử phù hợp tín dụng phi chính thức
PHÓNG VIÊN: -  Ông đánh giá thế nào về thực trạng “tín dụng đen” ở Việt Nam hiện nay?
TS. CẤN VĂN LỰC: - Các số liệu thống kê cho thấy, năm 1993 ở Việt Nam tín dụng phi chính thức chiếm khoảng 60-70% tổng tín dụng nền kinh tế. Đến 2006, tín dụng phi chính thức còn 16-20% - tỷ lệ này khá phù hợp, vì một nghiên cứu theo tôi biết cũng khoảng 20%.
Số liệu hiện nay ước tính quy mô của tín dụng phi chính thức khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, quy mô “tín dụng đen” chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, khoảng 400.000-500.000 tỷ đồng. Quy mô không quá lớn nhưng hệ lụy rất lớn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện đang có nhiều cách hiểu không đúng về “tín dụng đen”. Trong nền kinh tế, có 2 loại tín dụng là chính thức và phi chính thức. Phi chính thức là khái niệm rất rộng (vay bạn bè, người thân, vay các công ty, vay cầm đồ, vay ở tổ chức tài chính vi mô…) và “tín dụng đen” chỉ là một phần nhỏ trong đó. Ở Việt Nam vẫn hay cho đen là nghĩa xấu, nên khi hình dung về “tín dụng đen” mọi người hay có cái nhìn xấu, không tốt. 
Thực tế, các tổ chức tài chính ở Việt Nam hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay tài chính của người dân, từ đấy phát sinh ra tín dụng phi chính thức, thậm chí “tín dụng đen”. Rủi ro và hệ lụy của “tín dụng đen” rất cao cho cả phía người cho vay (khó thu hồi nợ), người đi vay (lãi suất cao, có nguy cơ vỡ nợ) và rủi ro về mặt pháp lý (rất khó giải quyết).
Trong nhiều trường hợp, chủ nợ sẽ tìm cách để thu hồi số tiền đã cho vay bằng cách siết nợ, thậm chí đe dọa, sử dụng luật rừng để giải quyết, thu hồi nợ. Ở tầm vĩ mô, “tín dụng đen” còn gây ra những rủi ro và hệ lụy cho xã hội, làm ảnh hưởng xấu hình ảnh môi trường tài chính của Việt Nam trong mắt quốc tế.
- Làm thế nào để người dân có thể dễ dàng nhận diện và phân biệt được “tín dụng đen” với phi chính thức, thưa ông?
- “Tín dụng đen” có một số đặc điểm dễ nhận biết. Một là cho vay quen biết giữa các cá nhân. Hai là có địa lý gần nhau, chủ yếu xảy ra ở nông thôn. Ba là không theo chuẩn mực nào, chủ yếu là vay nóng. Bốn là thủ tục cực kỳ đơn giản, mọi lúc, mọi nơi, mọi yêu cầu, linh hoạt. Năm là món vay thường nhỏ. Sáu là tài sản đảm bảo cực kỳ đa dạng (có thể ti vi tủ lạnh, sổ đỏ...). Bảy là có thể gia hạn nếu cần. Tám là cực kỳ rủi ro.
Còn về hình thức, “tín dụng đen” thường có 2 loại chính. Một là cho vay tiền gộp, nghĩa là ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hàng ngày. Hai là vay nóng, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, loại này cực kỳ rủi ro vì lãi suất cao. Vay gộp lãi suất hiện nay khoảng 60-70%, trong khi vay nóng lên hơn 100%. 
Ứng xử phù hợp tín dụng phi chính thức ảnh 1 Ảnh minh họa. 
- Có ý kiến cho rằng, sở dĩ “tín dụng đen” có dư địa để phát triển do hành lang pháp lý của ta còn nhiều kẽ hở. Quan điểm của ông thế nào?
- Trong Bộ luật Dân sự 2015, theo Điều 468 trần lãi suất 20%, nhưng cũng có mở ngoặc trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác. Luật chuyên ngành ở đây là Luật Các tổ chức tín dụng. Thực tế, nhiều ngân hàng hay công ty tài chính vẫn áp dụng luật này vì nó cho phép thỏa thuận về trần lãi suất không bị xem là vi phạm.
Thí dụ,  cho vay tiêu dùng hiện nay có lúc 40-45% nhưng không vi phạm luật. Ngoài ra, trong Bộ luật Hình sự có điều khoản quy định tội cho vay nặng lãi nếu gấp 5 lần 20% (tức 100%) bị xem là vi phạm, và mức thu lợi bất chính 30-100 triệu đồng sẽ bị xử phạt, cả phạt hành chính và giam giữ.
Tuy nhiên, trong khi luật chuyên ngành lại có điều khoản quy định cho phép thỏa thuận về lãi suất. Do đó khi áp dụng Bộ luật Hình sự lại vướng vào luật chuyên ngành. 
- Để ngăn chặn “tín dụng đen” cần có những giải pháp gì, thưa ông?
- Đối với “tín dụng đen”, rất khó tìm ra khuôn mẫu để áp dụng mô hình quốc tế để xử lý, vì quy mô, bản chất, mức độ, diễn biến, văn hóa của mỗi nước khác nhau. Thí dụ có nước đặt ra mức lãi suất trần, khi bên cho vay vượt qua mức lãi suất đó sẽ bị xử lý.
Có nước lại để lãi suất tự do, tức tuân theo quy luật cung - cầu, lãi suất do thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, trừ khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác, lúc đó cơ quan chức năng mới can thiệp.
Đối với Việt Nam, để ngăn chặn “tín dụng đen” cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan, không chỉ riêng của ngành ngân hàng hay công an. Giải pháp quan trọng đầu tiên là tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân, doanh nghiệp; thực hiện tốt quy định của Chính phủ về tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển tài chính số, ngân hàng số…
Bên cạnh đó, phải tăng giáo dục tài chính, nâng cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ, giúp họ tìm đến tín dụng phi chính thức thay vì “tín dụng đen”. Ngoài ra, hạn chế tội phạm liên quan cho vay nặng lãi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều này cần sự phối hợp của các cơ quan bộ ngành liên quan. 
- Xin cảm ơn ông.
 Cần đẩy mạnh phát triển các kênh thị trường vốn, đặc biệt tài chính vi mô để đáp ứng nhu cầu của người dân. Không nên coi tín dụng phi chính thức là xấu, vì người dân vẫn có nhu cầu và chúng ta cũng cần có nguồn cung. Cần phải bóc tách ra, cái nào “tín dụng đen” ngăn chặn, cái nào đáp ứng nhu cầu chính đáng nên khuyến khích.

Các tin khác