Tỷ lệ tín dụng/GDP cao gây sức ép lớn cho hệ thống ngân hàng

(ĐTTCO)-Theo TS Cấn Văn Lực, không nên tạo ra sức ép quá lớn cho hệ thống tín dụng khi tỷ lệ tín dụng/GDP hiện khá cao (130%).
4 tháng qua, tín dụng đã tăng 5%, tương đương so với cùng kỳ năm trước.
4 tháng qua, tín dụng đã tăng 5%, tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 có nhiều điểm sáng. Theo đó, 4 tháng qua, tín dụng đã tăng 5%, tương đương so với cùng kỳ năm trước, song nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, kinh doanh ngân hàng là kinh doanh rủi ro, nợ xấu xuất phát từ cả 3 phía, khách quan, khách hàng và ngân hàng. Do vậy, ngân hàng chỉ nên tăng trưởng dựa trên khả năng kiểm soát được rủi ro.

Trong những năm qua, công tác điều hành chính sách tiền tệ đã đạt được những thành công nhất định trong ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đã thiết lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển lành mạnh của hệ thống.

Nhờ đó, mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đối với Việt Nam đã liên tục được điều chỉnh nâng hạng trong các năm 2015-2018. Riêng tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Dẫn số liệu về tăng trưởng tín dụng, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 4/2018 tín dụng tăng trên 5%, mức tăng này hợp lý so với tình hình kinh tế hiện nay. Cơ cấu và dòng chảy tín dụng chủ yếu đổ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, đến thời điểm này việc tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng được như kỳ vọng, trong khi vẫn chưa sử dụng hết chỉ tiêu đưa ra.

“Điều này chứng tỏ bản thân các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường, họ đã dần dần sử dụng các hình thức khác để huy động vốn nhiều hơn. Ngân hàng lúc này trở thành người bạn đồng hành, không phải là người chịu trách nhiệm chính cung ứng tín dụng cho các doanh nghiệp”, ông Kiên nói,

Tăng trưởng tín dụng là vậy, nhưng vẫn còn những rủi ro thách thức, ổn định lạm phát theo mục tiêu khoảng 4%, trong điều kiện giá cả hàng hóa thế giới có nhiều biến động. Dòng vốn vào tiếp tục gia tăng theo động thái thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước cũng như việc gọi vốn của khối doanh nghiệp tư nhân, một mặt giúp Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác, áp lực trong việc trung hòa và điều tiết tiền tệ.

Đặc biệt, các nhân tố tác động tới điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi Ngành ngân hàng phải theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, không nên tạo ra sức ép quá lớn cho hệ thống tín dụng khi tỷ lệ tín dụng/GDP hiện khá cao (130%). Đặc biệt, Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF cũng đã đưa ra kiến nghị thận trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng nhất là khi hoạt động tăng vốn của các ngân hàng vẫn còn hạn chế.

“Chỉ nên tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế, trên cơ sở là kiểm soát được rủi ro đặc biệt trong ngành ngân hàng. Đây là khẩu hiệu từ 1994 không bao giờ cũ”, ông Lực cho biết.

Trước xu hướng thị trường tài chính toàn cầu dự báo có nhiều biến động khó lường, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, xung đột thương mại giữa những nền kinh tế phát triển...Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, nhà điều hành cần thận trọng nhất định với lượng vốn bơm ra.

Bởi lạm phát tiềm ẩn rủi ro, giá dầu mỏ có xu hướng gia tăng, xung đột thương mại giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ thương mại, chính sách tiền tệ thay đổi từ các nước… do đó dư địa sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng là hạn hẹp, cần thận trọng tránh tăng quá.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam phân tích, tăng trưởng tín dụng tránh từ sự tăng trưởng tốt sang chuyện tăng quá nóng đến các thị trường tài sản. Định hướng chính sách tiền tệ trong thời gian tới không phải là nới lỏng hỗ trợ mà là ổn định và tiếp tục phát triển.

Cùng với các văn bản pháp lý cao nhất của nhà nước, những bước đi về mặt thể chế, khung pháp lý để ổn định phát triển hệ thống ngân hàng và tiền tệ đã làm được, tạo ra thuận lợi trong việc điều hành ngành ngân hàng trong năm nay và những năm tiếp theo.

Đây chính là những điểm mới trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hướng tới thay đổi nhận thức, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là định hướng chứ không phải là chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hoặc bơm tiền ra, mà mục tiêu hàng đầu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Các tin khác