Tỷ giá trung tâm có gì mới?

(ĐTTCO) - “Điều hành tỷ giá theo cách thức mới góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”. Đó là khẳng định của lãnh đạo NHNN sau khi công bố cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của VNĐ với USD. Đây là tỷ giá được cân đối tính chéo của VNĐ với 8 ngoại tệ khác và được điều chỉnh một cách linh hoạt, cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng NHNN còn nhiều việc phải làm.

(ĐTTCO) - “Điều hành tỷ giá theo cách thức mới góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”. Đó là khẳng định của lãnh đạo NHNN sau khi công bố cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của VNĐ với USD. Đây là tỷ giá được cân đối tính chéo của VNĐ với 8 ngoại tệ khác và được điều chỉnh một cách linh hoạt, cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng NHNN còn nhiều việc phải làm.

Thả nổi có điều tiết

Đây cũng là lần đầu tiên cụm từ “tỷ giá trung tâm” được nhắc đến nhiều trong văn bản chính thức của NHNN và được truyền thông rộng rãi. Cũng là tỷ giá giữa VNĐ với USD, nhưng trước đây thường được gọi là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên NH của VNĐ so với USD. Theo NHNN, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên NH; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam; các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Cơ chế tỷ giá mới sẽ có tác động không đáng kể. Bản chất tỷ giá trung tâm không khác nhiều so với trước đây, tức NHNN vẫn công bố tỷ giá hối đoái trung tâm và chỉ một phần căn cứ vào cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Như vậy vẫn có sự can thiệp lớn của NHNN. Quyền tự định của NHNN vẫn là chính trong việc xác định tỷ giá hối đoái trung tâm và biên độ dao động vẫn là ±3%.

TS. Nguyễn Xuân Thành,

Giám đốc Chương trình Giảng dạy

Kinh tế Fulbright

Như vậy, tỷ giá trung tâm là cơ sở để các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của VNĐ với USD. Biên độ tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường được phép ở mức ±3% so với tỷ giá trung tâm do NHNN công bố. NHNN cho rằng cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.

Trước đây, NHNN áp dụng chính sách neo tỷ giá cố định trong điều hành, tức thả nổi nhưng có quản lý. Nghĩa là vẫn can thiệp vào tỷ giá trên thị trường thông qua các công cụ hành chính và tiền tệ. Trong những năm qua, chính sách này được thực hiện “ráo riết” khi NHNN gần như rất ít thay đổi tỷ giá liên NH và đồng thời thu hẹp biến động tỷ giá xuống còn ±1%. Chỉ mới đây NHNN mới nới rộng biên độ tỷ giá lên ±2%, rồi ±3% để tỷ giá trên thị trường biến động linh hoạt hơn sau những thay đổi về chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Còn với tỷ giá trung tâm và phương thức xác định tỷ giá trung tâm của NHNN không hẳn mới. Bởi thực tế trong thời kỳ căng thẳng trên thị trường tiền tệ vào năm 2009 và 2010, NHNN cũng áp dụng chính sách tỷ giá liên NH khá linh hoạt và biên độ tỷ giá được điều chỉnh dồn dập các năm 2008-2009. Trong thời gian này, tỷ giá chính thức được điều chỉnh 3 lần, trong khi biên độ tỷ giá được điều chỉnh tới 5 lần, từ mức ±1% vào tháng 3-2008, lên mức đỉnh điểm ±5% bắt đầu vào tháng 3-2009, trước khi xuống mức ±3% bắt đầu vào tháng 11-2009. Vào thời điểm đó tỷ giá liên NH biến động hàng ngày, có phiên biến động khá mạnh. Tuy nhiên, trước sức ép mất giá quá lớn của VNĐ vào năm 2009, NHNN không thể theo đuổi nổi chính sách này vì làm đúng lý thuyết VNĐ có thể mất giá hàng chục phần trăm so với USD. Do đó, NHNN đã quay lại với hàng loạt biện pháp hành chính để kìm giữ tỷ giá.

Theo Công ty Chứng khoán HSC, chính sách tỷ giá trung tâm hiện nay của NHNN đang tiến gần hơn đến cơ chế thả nổi có điều tiết, trong đó tỷ giá được liên tục điều chỉnh nhằm tránh áp lực tích lũy một thời gian dài lên tỷ giá.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Vẫn là “bình mới, rượu cũ”

Câu hỏi được đặt ra là chính sách neo tỷ giá trong thời gian dài vừa qua đã phát huy như thế nào trong điều hành và tại sao đến bây giờ mới áp dụng cơ chế tỷ giá mới có sự linh hoạt hơn. Thực tế, trong những năm trước đây, tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát cao, nên để ổn định kinh tế vĩ mô NHNN đã phải neo tỷ giá để tạo dựng lại lòng tin thị trường và ổn định giá trị VNĐ. Điển hình là giai đoạn 2001-2007 và gần đây là 2012-2014, cơ chế này đã giúp ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát và tạo thuận lợi cho các giao dịch với nước ngoài. Tuy nhiên, nếu nhìn dài hạn, chế độ tỷ giá cố định có thể dẫn tới hiện tượng găm giữ, đô la hóa trong nền kinh tế, VNĐ thường bị đánh giá là được neo quá cao so với giá trị thực. Thêm vào đó, những lần điều chỉnh tỷ giá của NHNN thường khó dự đoán, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào giá trị của đồng nội tệ và làm giảm hiệu lực của chính sách tiền tệ.

Xét ở thời điểm hiện nay, bối cảnh vĩ mô ổn định hơn, lạm phát thấp và đặc biệt, Việt Nam đang hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới, đồng thời thị trường tài chính mở cửa nên việc áp dụng cơ chế tỷ giá linh hoạt là điều cần thiết. Đặc biệt khi đồng tiền của quốc gia láng giềng là Trung Quốc được hứa hẹn sẽ điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, nên NHNN càng không thể giữ cơ chế tỷ giá cũ. Các điều kiện để NHNN tính toán và công bố tỷ giá trung tâm không chỉ là các điều kiện về biến động tỷ giá trên thị trường, mà còn căn cứ vào các điều kiện như cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều này đồng nghĩa với cơ sở xác định tỷ giá trung tâm có nhiều yếu tố mở, do vậy cũng rất khó để đoán biết được mức tỷ giá NHNN sẽ đưa ra trong tương lai.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) việc tính toán và áp tỷ trọng đối với các đồng tiền được chọn trong rổ tham chiếu, mặc dù sẽ có nguyên tắc cụ thể nhưng có thể sẽ không được công bố công khai. Như vậy, lo ngại của các chuyên gia không phải là không có cơ sở khi hiện nay việc điều hành tỷ giá của NHNN còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó cân đối vĩ mô thực chất bao gồm nợ công của Chính phủ và của không ít doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, với kỹ năng điều hành vĩ mô, thói quen của các doanh nghiệp như hiện nay, việc áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp nhập khẩu và những doanh nghiệp vay ngoại tệ lớn. NHNN cần phải có một nguồn ngoại tệ đủ lớn để can thiệp thị trường trong những đợt biến động lớn mang tính ngắn hạn. 

Trong ngày thứ ba (6-1), áp dụng cơ chế tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố là 21.907 đồng/USD, giữ nguyên mức cũ sau khi tăng 17 đồng trong ngày điều hành thứ hai. Như vậy tính trong 3 ngày đầu áp dụng, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 0,08%. Các dự báo cho rằng NHNN có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ tỷ giá trung tâm để thử nghiệm chính sách điều hành mới. Trong khi đó, tỷ giá tại các NHTM lại có sự tăng giảm khác nhau nhưng nhìn chung không có nhiều biến động. Vietcombank niêm yết giá giao dịch đồng USD ở mức 22.440-22.510 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD ở cả 2 chiều mua và bán, trong khi VietinBank niêm yết ở mức 22.425-22.505 đồng/USD, giảm 5 đồng/USD. Các nhà băng khác không có nhiều thay đổi như ACB niêm yết giá mua bán USD ở mức 22.420 - 22.500 đồng/USD, Techcombank là 22.440-22.545 đồng/USD, Eximbank là 22.440-22.510 đồng/USD.

Các tin khác