Nông sản Việt vào Hàn Quốc: Cửa rộng, nhiều rào

Theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Hàn Quốc. Song để làm được điều này, DN Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản.

Theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Hàn Quốc. Song để làm được điều này, DN Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản. 

Thị trường khó tính

Theo cam kết trong hiệp định, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế. Trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... Đặc biệt, Việt Nam là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm nhạy cảm đối với nước này, như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang...

Tại Hàn Quốc, thuế suất nhập khẩu đối với những mặt hàng này rất cao, từ 241-420%. Do đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc sẽ thuận lợi hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Song đó mới chỉ là cơ hội lý thuyết, còn thực tế rất khó để nông sản Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Hàn Quốc vốn được xem là một trong những thị trường khó tính nhất. Với riêng mặt hàng nông sản thực phẩm, Hàn Quốc có những quy định phức tạp về kiểm dịch như các yêu cầu về nuôi trồng, kiểm tra chứng nhận và các biện pháp xử lý tại chỗ; thủ tục đánh giá rủi ro quá dài (sau 5 năm chính phủ Hàn Quốc mới cho nhập khẩu thanh long từ Việt Nam). Bên cạnh đó, một số quy định trong Luật Thực phẩm của Hàn Quốc liên quan đến tiêu chuẩn của sản phẩm từ gạo nấu chín như bánh đa nem, bánh tráng, bánh phở… hiện chưa rõ ràng, gây khó khăn cho hàng Việt Nam xuất vào thị trường này.

“Hàn Quốc là thị trường khó tính, thị hiếu tiêu dùng thay đổi liên tục. Trong khi đó, đa số DN Việt Nam là nhỏ và vừa, yếu về tài chính, nhân lực…  nên cách dễ nhất là hợp tác với các nhà phân phối lớn của Hàn Quốc như Emart, Lotte Mart, thông qua đó dần gầy dựng thương hiệu” - ông Nguyễn Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á (Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương), nhận định.

Ông Tuyên cũng cho rằng việc Hàn Quốc kéo lộ trình cắt giảm thuế nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam từ 10-15 năm, thực tế không phải thời gian dài, bởi để nông sản nhập khẩu đạt tiêu chuẩn phải mất nhiều năm trải qua quá trình kiểm tra đánh giá chất lượng của Hàn Quốc.

Phải tự hoàn thiện mình

Tại một hội thảo nói về việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc, đại diện Lotte Việt Nam đã chỉ ra một số điểm cần khắc phục của nông sản Việt Nam. Thứ nhất, tính đồng nhất của sản phẩm. Có không ít trường hợp chuyến hàng đầu đảm bảo nhưng những chuyến sau không đảm bảo. Thứ hai, đóng gói bao bì của sản phẩm Việt Nam hiện vẫn còn kém hơn so với những sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ…

Điều này phần nào lý giải vì sao Hàn Quốc vẫn nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc thay vì Việt Nam. Ngoài ra, việc để lẫn những dị vật như đất, tóc, lá cây… vào trái cây xuất khẩu cũng là nguyên nhân khiến nhiều lô hàng bị trả về. Vấn đề thời gian cũng hết sức quan trọng, vì Hàn Quốc có 4 mùa, nếu không đảm bảo thời gian giao hàng, nhà nhập khẩu sẽ từ chối sản phẩm do thị trường không còn nhu cầu nữa. Những điều này cho thấy nếu DN Việt không nhanh chóng tự hoàn thiện mình, đảm bảo những tiêu chuẩn đặt ra của phía bạn, cơ hội dễ tuột khỏi tầm tay.

Hiện nhiều DN Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam để xuất hàng hóa ngược trở lại Hàn Quốc. Cụ thể một số DN đã tham gia trồng lúa, ớt tại Việt Nam. CJ Việt Nam là một thí dụ điển hình, ngoài dự án trang trại ớt tại Ninh Thuận, DN này đang tìm kiếm thêm địa điểm mở rộng diện tích trồng ớt, nhằm hướng đến thay thế nguyên liệu đang phụ thuộc từ Trung Quốc.

Theo kế hoạch, năm 2015, CJ Việt Nam sẽ phát triển 100ha trồng ớt và dự kiến năm 2016 tăng lên 200ha tại Ninh Thuận; đồng thời tiến hành xây dựng nhà máy tại Việt Nam để xuất khẩu ớt khô sang Trung Quốc, Hàn Quốc…

Nông sản Việt Nam được thị trường Hàn Quốc đánh giá cao.

Nông sản Việt Nam được thị trường Hàn Quốc đánh giá cao.

Nói về vấn đề này, ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, chia sẻ: “Thực ra đã có một số DN Hàn Quốc đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua, nhưng sau khi FTA được ký kết, số lượng DN sẽ tăng lên nhiều hơn.

Họ đã đến tìm cơ hội và muốn đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam để xuất trở lại Hàn Quốc. Đó chính là ảnh hưởng của FTA. Nếu chỉ sản xuất và hướng vào thị trường Việt Nam sẽ không đủ. Vì thế sản xuất để xuất ngược trở lại Hàn Quốc với thuế suất thấp hoặc được miễn sẽ tốt hơn”.

Cơ hội mở ra cũng đồng nghĩa với cuộc đua đã chính thức bắt đầu. Để nắm bắt được cơ hội không còn cách nào khác chúng ta phải tăng tốc. Và trên chặng đường ấy không thể thiếu sự trợ lực của các cơ quan chức năng, bởi nếu để mình DN tự bơi e sẽ khó phát huy hết thế mạnh về nông nghiệp vốn có của Việt Nam.

Các tin khác