“Tín dụng đen” bủa vây dân nghèo

(ĐTTCO)-Dù biết lãi vay cao gấp nhiều lần so với ngân hàng, nhưng để có vốn sản xuất, nhiều người dân tại Gia Lai đành bấm bụng tìm đến các đại lý thu mua nông sản trên địa bàn để vay tiền lãi suất cao.
Gia đình chị Nay Chuôn phải đi làm thuê để trả lãi vay “tín dụng đen” 60 triệu đồng
Gia đình chị Nay Chuôn phải đi làm thuê để trả lãi vay “tín dụng đen” 60 triệu đồng

Hậu quả, lãi mẹ đẻ lãi con, các đại lý cho vay được nước ép giá nông sản, khiến đời sống người dân nghèo vàng thêm khốn khó.

Dính bẫy “tín dụng đen”

Căn nhà lụp xụp của vợ chồng ông Rơmah Yi (thôn Mlat, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhiều ngày qua cửa đóng im ỉm. Túc trực từ trưa đến chiều tối mới thấy chị Nay Chuôn, con gái ông Rơmah Yi đi làm về, gương mặt lấm lem bùn đất, mồ hôi chảy nhễ nhại.

“Nhà vắng người bởi phải đi làm thuê kiếm tiền trả lãi vay. Mẹ thì cả tuần nay đi hái cà phê thuê, cách nhà 100km mà chưa biết lúc nào mới xong. Bố thì bị tai nạn nhiều năm, không làm được gì. Còn mấy anh em thì ở nhà, ai thuê gì thì làm, được đồng nào hay đồng ấy thôi”, Nay Chuôn kể.

Lãi vay mà Nay Chuôn nói là của khoản vay 60 triệu đồng mà gia đình vay của đại lý thu mua nông sản trên địa bàn vào năm 2012 với mức lãi 3%/tháng. Khi vay chỉ nói bằng miệng, không tài sản thế chấp nhưng ràng buộc là cuối mùa vụ phải bán mì cho chủ vay.

“Mấy năm đầu vay, gia đình em vẫn bán mì để lấy tiền trả lãi nhưng chủ vay mua giá thấp hơn các điểm thu mua khác từ 500 - 700 đồng/kg. Khoảng 2 năm trở lại đây, do bố bị tai nạn không làm được nên đành cho người ta thuê rẫy, còn các thành viên đi làm thuê. Tiền làm thuê thì ít, chẳng đủ trả lãi vay nên nợ càng chồng nợ”, Nay Chuôn cho biết.

Tương tự, gia đình bà Y Moen (thôn Mlat, xã Chư Mố) cũng vay của đại lý thu mua mì trên địa bàn số tiền 40 triệu đồng vào năm 2012 với lãi suất 3%/tháng. Đến nay, nợ gốc và lãi đã hơn 43 triệu đồng.

“Hồi trước kẹt tiền làm ăn thì đi vay. Vay ở đại lý dù lãi cao nhưng được cái nhanh. Nhà có 2ha mì thì năm nào thu hoạch ngoài rẫy về cũng phải bán mì trả lãi cho chủ nhưng cũng chẳng đủ. Giá mì ngoài thị trường 3.500 đồng/kg, chủ nợ chỉ mua với giá 2.700 đồng/kg. Mình rất bức xúc vì bị ép giá nhưng cũng phải bán vì nếu không bán thì họ sẽ đòi tiền gốc”,  bà Y Moen nói.

Theo thống kê của UBND xã Chư Mố, trên địa bàn xã có 370 hộ dân vay lãi suất cao với số tiền vay cả gốc và lãi là hơn 6 tỷ đồng. Còn trên địa bàn huyện Ia Pa, có thời điểm ngành chức năng xác định có 672 hộ dân (504 hộ thuộc diện nghèo và 168 hộ cận nghèo) vay tín dụng đen với tổng tiền nợ gốc và lãi lên đến hơn 70 tỷ đồng.

Chưa đủ cơ sở xử lý người cho vay

Ông Ksor Jú, Chủ tịch UBND xã Chứ Mố, cho biết, trên địa bàn có 2 hình thức vay lãi suất cao là cho vay bằng sản phẩm và vay bằng tiền mặt. Nếu như có ngân hàng cho vay lãi suất 0,65%/tháng thì đại lý lấy 3%/tháng, cao gấp nhiều lần nhưng dân vẫn vay. Một trong những lý do khiến người dân tìm đến tín dụng “đen” là thủ tục cho vay của đại lý đơn giản, chỉ cần ghi tên tuổi, số tiền vay, không cần thế chấp tài sản. Có hộ dân trót vay tín dụng “đen” do giờ không có khả năng trả, phải gán đất để trả cho chủ vay. Nhiều hộ làm không đủ trả lãi, không có tiền chu cấp con ăn học.

“Trên địa bàn xã có 3 đầu mối cho vay. Xã đã giao công an mời chủ vay lên làm việc nhưng không xử lý được hành vi cho vay nặng lãi. Vì thế xã chỉ biết răn đe những người cho vay cần tuân thủ luật cho vay, nhắc nhở hạ lãi vay”, ông Ksor Jú nhấn mạnh.

Theo Công an huyện Ia Pa, tính đến cuối tháng 7-2017, trên địa bàn có 50 đối tượng cho vay. Công an đã làm việc với 15 trường hợp. Những đối tượng cho vay đều cho rằng người dân có nhu cầu thì tự tìm đến và yêu cầu cho vay tiền, phân bón, giống cây trồng với lãi suất từ 2% đến 5%/tháng, đến cuối vụ trả lãi bằng tiền mặt hoặc nông sản.

Qua nắm tình hình và làm việc với người cho vay, công an nhận thấy, các hộ vay và người cho vay không làm hợp đồng vay mượn, hầu hết bên vay có ghi giấy vay tiền nhưng không ghi mức lãi suất mà thỏa thuận bằng miệng. Các hộ vay mượn tiền đều tự nguyện tìm đến các chủ nợ để yêu cầu vay mượn, không hợp tác với công an cũng như không đưa ra được tài liệu chứng minh việc người cho vay lãi suất cao. Việc vay nợ được thực hiện giữa hai bên, không có người làm chứng, không có tài liệu chứng minh, không có căn cứ xử lý người cho vay.

Ông Hoàng Văn Tư, Chánh Văn phòng UBND huyện Ia Pa, cho biết, UBND huyện đã có buổi làm việc với công an cũng như các phòng ban của huyện để tìm phương hướng, giải pháp chấn chỉnh tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn.

Theo đó, UBND huyện giao Phòng TN-MT, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, UBND các xã rà soát lại diện tích đất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tuyệt đối không cho phép ký xác nhận các trường hợp sang nhượng, mua bán đất theo diện cấn nợ, trừ nợ. Công an huyện vận động nhân dân tố giác các hoạt động “tín dụng đen”, nhất là cho vay nặng lãi. Tổ chức điều tra, xác minh, thu thập các chứng cứ, dấu hiệu của việc cho vay nặng lãi để xử lý.

Các tin khác