Tín dụng chính sách: Nhu cầu vay cao, nguồn cung vẫn thấp

(ĐTTCO)-Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Tín dụng chính sách: Nhu cầu vay cao, nguồn cung vẫn thấp

Tổng kết 15 năm (2002-2017) thực hiện tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Theo cập nhật của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập (năm 2002); tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội luôn có sự tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25,82%. Đáng mừng là tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao (năm 2002) xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).

Đặc biệt, trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập...

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết tín dụng chính sách là một cấu phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Việt Nam. Tín dụng chính sách đã và đang là một cấu phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Thực thế con số dư nợ vay tín dụng chính sách cho thấy, thông qua vốn vay này, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động tăng thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống. Kết quả là rất nhiều người nghèo đã tự vươn lên thoát nghèo bền vững đồng thời tạo ra nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho những hộ nghèo khác...

Cung thấp hơn cầu

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đánh giá, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách; ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách chưa kịp thời. Bên cạnh đó, một số địa phương dành nguồn lực từ ngân sách để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế...

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách, ông Lợi đề xuất: hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp tín dụng ưu đãi; tạo điều kiện hỗ trợ NHCSXH trong việc huy động vốn, vay tái cấp vốn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH theo quy định. 

Đồng thời, phải rà soát, chỉnh sửa các quy định về nghiệp vụ, thủ tục cho vay để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn kịp thời.

Còn Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, cần thiết phải tạo lập, duy trì nguồn vốn ổn định cho Ngân hàng Chính sách xã hội; cần nghiên cứu, triển khai các cơ chế, giải pháp huy động, thu hút nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cho công tác giảm nghèo. Các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng, hiệu quả.

Hơn nữa, "các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với hoạt động tín dụng chính sách." - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước đề nghị.

Theo PGS,TS. Đỗ Thị Kim Hảo, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, "vẫn còn tình trạng nợ quá hạn, nợ khoanh ở một số địa phương cao hơn mức bình quân của toàn hệ thống. Do vậy, hoàn thiện lại bộ máy quản trị của NHCSXH tại các địa phương này nói riêng và toàn hệ thống nói chung là việc làm cần thiết, không chỉ giúp giải quyết bất cập kể trên mà còn hướng tới tăng cường hiệu quả công tác quản trị ngân hàng.".

Các tin khác