Tiếp vốn doanh nghiệp siêu nhỏ

(ĐTTCO) - Trong xu hướng khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp (DN), thủ tục pháp lý đang được tinh giản.
 
Bên cạnh đó, vấn đề hỗ trợ vốn cho DN được coi là tạo là động lực lớn cho DN, đặc biệt với DN siêu nhỏ phát triển.
Nhiều gói hỗ trợ tín dụng

Quan sát trên thị trường tài chính, các gói tín dụng dành cho đối tượng DN nhỏ gần đây được tung ra ào ạt. Các chương trình ưu đãi có khi là lãi suất, hoặc tỷ lệ vay vốn lớn trên tài sản thế chấp, đa dạng các dòng sản phẩm.
Chẳng hạn từ nay đến cuối năm, các DNNVV tại TPHCM và khu vực miền Bắc sẽ được vay 80% giá trị bất động sản thế chấp tại VietCapitalBank. Nguồn vốn cho vay nằm trong gói tín dụng 600 tỷ đồng mà nhà băng này tung ra. Hay tại ABBank có dịch vụ NH chuyên biệt cho DNNVV (SME Banking), với danh mục gồm 7 sản phẩm cho vay tín chấp và có tài sản đảm bảo. 

Bên cạnh đó, đối tượng DN siêu nhỏ cũng được nhiều nhà băng hỗ trợ tín dụng. Như BIDV có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho DN siêu nhỏ, áp dụng với các khoản vay ngắn hạn và lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất vay thông thường 1-1,5%/năm. PVCombank có gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với nhiều phương án hỗ trợ lãi suất.
Đợt tung ra gói tín dụng này nằm trong chuỗi các giải pháp tài chính đặc biệt cho DN siêu nhỏ. Theo NHNN chi nhánh TPHCM, tính hết tháng 5-2017, tổng số tiền cho DN, hộ sản xuất kinh doanh vay với lãi suất ưu đãi tại chương trình kết nối NH-DN đạt 124.327 tỷ đồng, cho 4.138 khách hàng, bằng 44,2% so với năm 2016. Riêng VietinBank trong lần ký kết gần đây đã hỗ trợ tín dụng cho 100 DN với tổng giá trị hơn 8.000 tỷ đồng.

Trước đó, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã có hiệu lực, quy định về khách hàng vay tại TCTD phải chỉ là pháp nhân. Theo đó, các đối tượng không phải là pháp nhân như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân. Tức các đối tượng này không được vay vốn với tư cách pháp nhân, trong khi vay theo tư cách cá nhân phải chịu lãi suất cao, hạn mức thấp. Như vậy, với những gói tín dụng đang hỗ trợ cho DN siêu nhỏ hiện nay có thể sẽ là nguồn động lực cho các hộ kinh doanh đang có ý định chuyển đổi lên DN gặp khó khăn về vốn.
Một số lãnh đạo NH cho hay đối tượng DNNVV, DN siêu nhỏ sẽ là những khách hàng chiến lược của các NHTM trong thời gian tới. Theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng 4,6 triệu hộ kinh doanh, tổng tài sản ước tính 655.000 tỷ đồng, tạo ra 2.188.000 tỷ đồng doanh thu và nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động.
Tiếp vốn doanh nghiệp siêu nhỏ ảnh 1 ABBank có riêng gói dịch vụ NH chuyên biệt cho DNNVV. 
Thêm động lực cho hộ kinh doanh
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mô hình được gọi DN siêu nhỏ là khái niệm mới mẻ gần đây. DN siêu nhỏ sẽ là hướng đi cho hộ kinh doanh. Do vậy, khi Nhà nước thiết kế được mô hình tổ chức với chế độ kế toán, thuế và các quy định pháp luật khác để hộ kinh doanh có thể lựa chọn chuyển sang mô hình DN một cách thuận lợi.  Theo số liệu của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong tổng số DN cả nước hiện nay có tới 97,5% là DNNVV, trong đó DN nhỏ và siêu nhỏ thường gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình mới hoạt động, nên đang rất cần sự hỗ trợ thực chất về vốn, mặt bằng, nguồn nhân lực, máy móc công nghệ, đầu ra thị trường. Bên cạnh đó bình đẳng về pháp lý cũng là sự hỗ trợ quan trọng, bền vững, vì về bản chất hỗ trợ DNNVV là bảo đảm sự bình đẳng giữa tất cả loại hình DN.  Một đại diện của Hiệp hội DN TPHCM nhận định, trong các chương trình ưu đãi về vốn vẫn chưa tập trung nhiều cho DNNVV, DN siêu nhỏ. Trong khi đó, khu vực DN này ít tài sản thế chấp nên không có nhiều lợi thế tiếp cận NH bằng DN lớn. Nêu giải pháp để giải tỏa vướng mắc này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng trước tiên các NHTM cần cải tiến thủ tục, giảm chi phí để DN dễ dàng tiếp cận vốn hơn, tránh tình trạng xin-cho trong mối quan hệ giữa NH và DN. Bởi NH cũng là DN, nếu không có khách hàng vay vốn NH cũng không tồn tại được. Như vậy, ngoài những thắc mắc phổ biến trước khi chuyển đổi lên DN của đa số hộ kinh doanh nhỏ lẻ, như thủ tục hành chính kê khai khi lên DN, các vấn đề về phí, thuế, giấy phép kinh doanh đã được cơ quan thuế liên tục giải đáp, tinh giản và tạo điều kiện. Vấn đề tiếp cận vốn và nguồn vốn lãi suất ưu đãi vẫn luôn là thách thức cho các DN nhỏ và siêu nhỏ, đã có các gói tín dụng với giá trị hàng ngàn tỷ đồng liên tục được đưa ra.
Tuy nhiên, các DN cũng luôn được yêu cầu phải nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất phù hợp; nâng cao năng lực cạnh tranh để nâng chất lượng sản phẩm, phù hợp thị trường. Đặc biệt, đối các DN nhỏ, siêu nhỏ cần phải minh bạch số liệu nhằm tạo uy tín, niềm tin với NH trước khi quyết định cho vay.

Các tin khác