Thông vốn nền kinh tế từ cục nợ xấu

(ĐTTCO) - Báo ĐTTC số ra ngày 25-5 đã có bài viết “Tăng cơ chế xử lý nợ xấu”, trong đó phân tích dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội đưa vào chương trình họp. 

Nếu được thông qua sẽ gỡ nút thắt tài sản đảm bảo trong quá trình xử lý nợ xấu. Để tiếp tục khai thông vấn đề này, ĐTTC tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, người trong cuộc là các NH về các rào cản pháp lý trong quá trình thu hồi, xử lý và phát mại tài sản bảo đảm đang bị “đóng băng” hiện nay.

 Theo số liệu của NHNN, Tổng nợ xấu nội bảng của các TCTD thời điểm 31-12-2016, bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC khoảng 400.000 tỷ đồng, tương đương 5,8% tổng dư nợ toàn hệ thống. Nhưng nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của các TCTD, tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 10,08%. 
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội: Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu có nhiều điểm mới. Thứ nhất, có điểm khởi đầu và điểm kết thúc, nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 và có thể kết thúc vào ngày 1-7-2022.
Thứ hai, không phân biệt nợ xấu của các TCTD theo sở hữu, tức không phân biệt nợ xấu của NHTM có vốn nhà nước hay NHTMCP.
Thứ ba, giới hạn thời gian xử lý nợ xấu kết toán đến hết năm 2016. Thứ tư, hệ thống hóa lại quy trình xử lý tài sản bảo đảm của nợ xấu và quy định giải quyết tranh chấp qua tòa án theo quy trình rút gọn. Thứ năm, các luật liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm hiện nay quy định việc xử lý tài sản được thực hiện theo nhiều bước, nhưng nghị quyết quy định rút gọn thành 2 bước, bảo đảm thời gian giải quyết nhanh và có hiệu lực ngay.

TS. Nguyễn Đức Hưởng, thành viên HĐQT Sacombank: Nếu các đại biểu Quốc hội thông qua nghị quyết, các TCTD sẽ rút ngắn thời gian thu hồi nợ, giảm thiểu tình trạng “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”, mặc cho tòa có ra phán quyết, con nợ cứ chây ỳ không chịu bàn giao tài sản bảo đảm. Động thái chính sách này cũng phát đi thông điệp về quyền của chủ nợ và trách nhiệm của con nợ trong quan hệ đi vay và cho vay.
Mặc dù quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD là đương nhiên, hợp hiến nhưng chưa có văn bản pháp luật chính thức nào giao quyền cho các TCTD. Thực ra nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu nếu được ban hành không phải là cây đũa thần xử lý nợ xấu, nhưng nó tạo ra chế tài bình đẳng trong quan hệ dân sự trước pháp luật và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho chủ nợ.
Thông vốn nền kinh tế từ cục nợ xấu ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Vấn đề cấp thiết nhất của hoạt động xử lý nợ xấu hiện nay chính là xử lý tài sản bảo đảm. Nhiều trường hợp khách hàng không trả được nợ nhưng cũng không bàn giao tài sản bảo đảm lại cho NH, buộc phải chuyển qua cơ quan tòa án xử lý theo quy trình pháp luật. Để xử lý nợ xấu trong những năm gần đây, Vietcombank đã phải chuyển 790 vụ tranh chấp nợ xấu qua tòa án để xử lý và hiện vẫn còn 98 vụ tòa thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử.
Tính bình quân để giải quyết tranh chấp nợ xấu thông qua tòa án phải mất tới 2 năm, có vụ NH đã phải theo đuổi tới 7 năm, có vụ 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên. Quá trình thi hành án cũng rất khó khăn, mất thêm 2-3 năm nữa, có trường hợp 4 - 5 năm vẫn không thi hành án được. Thí dụ như khoản nợ của Công ty An Phúc tại Bình Dương, qua 3 năm chưa thể thi hành án. Trong khi chờ tòa giải quyết tài sản bảo đảm nợ xuống cấp và mức độ tổn thất của NH càng lớn.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO:  Trong hoạt động kinh doanh, nợ xấu là vấn đề các NH thường xuyên phải đối mặt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu nhưng các yếu tố bất ổn nội tại trong nền kinh tế được xác định là nguyên nhân chính.
Trên thực tế, nợ xấu của hệ thống NH tăng đột biến trong giai đoạn 2012 - 2014 sau khi nền kinh tế đối mặt với các bất ổn vĩ mô, đó là tình trạng bong bóng bất động sản vỡ, thị trường chứng khoán lao dốc, lạm phát tăng cao, lãi suất NH lên tới trên 20%... Hệ quả của giai đoạn này là rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, không thể trả nợ NH đã hình thành nợ xấu.
Do vậy, việc pháp luật ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bên thế chấp và bên nhận thế chấp tài sản phải tôn sự trọng cam kết, thỏa thuận; tăng thêm ý thức, trách nhiệm pháp lý của mình trong việc trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm. Nếu như bỏ quy định về quyền thu giữ tài sản thế chấp, thì nghĩa vụ “giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý” theo quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ lập tức trở về gần như bằng không. Khi đó, có nguy cơ khó xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank: Nếu xử lý nhanh được nợ xấu sẽ có thêm khoảng 10% dư nợ tín dụng được đưa vào nền kinh tế, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo ra tăng trưởng GDP. Đối với các NH, khi xử lý xong các khoản nợ xấu sẽ có thêm vốn để đưa vào kinh doanh, tiến tới khả năng hạ lãi suất; còn không thu được nợ xấu sẽ làm cho chi phí NH tăng lên, kéo theo lãi suất đầu ra bị ảnh hưởng.
Về phía các doanh nghiệp, nếu không xử lý được nợ sẽ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không đủ điều kiện vay vốn NH tiếp, có thể dẫn tới dừng hoạt động, phá sản. Thực tế, việc xử lý nợ xấu càng chậm phí tổn phát sinh càng cao, bởi nợ xấu tạo ra lượng vốn không sinh lời khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Hơn nữa, nợ xấu tăng buộc các NH cũng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro dẫn đến khả năng sinh lời thấp, không hạ được lãi suất. 

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV: Còn nợ xấu thì lãi suất còn cao và ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp, vì vậy cần có chính sách, cơ chế phá tan “cục máu đông” này. Tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả xử lý nợ xấu đã rõ, nhưng đến nay hành trình hồi sinh số tiền “chết” vẫn còn nhiều rào cản pháp lý, đó là việc thu hồi tài sản bảo đảm, phát mại tài sản, thi hành án…
Những trở ngại này cần sớm được khắc phục để đẩy nhanh  quá trình xử lý nợ xấu đã dẫn đến lãng phí nguồn lực. 

Các tin khác