Thoái vốn: nơi triển vọng, chỗ khó khăn

(ĐTTCO) - Cổ phiếu NH sau nhiều năm nguội lạnh đã nóng trở lại trong thời gian gần đây và được dự báo nhiều triển vọng bởi động lực thúc đẩy theo quy định của Chính phủ và NHNN, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các NHTM đẩy mạnh thoái vốn khỏi NH. 
Tuy nhiên, vẫn còn một số NH có kết quả kinh doanh chưa tốt hoặc chưa kiểm soát tốt hoạt động khiến cổ phiếu mất giá dẫn đến việc thoái vốn của nhà đầu tư đứng trước nhiều khó khăn.
Sôi động 
Ngày 16-3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo Vietcombank đăng ký bán đấu giá hơn 6,6 triệu cổ phần tại OCB với giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần. Dự kiến buổi đấu giá được tổ chức vào ngày 17-4 tới. Trước đó, Vietcombank đã từng sở hữu 18,9 triệu cổ phần tại OCB, tương đương 4,85% vốn điều lệ.
 Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD được áp dụng cùng với vấn đề nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài của ngành NH dự kiến rõ ràng hơn trong năm nay đang là chất xúc tác cho nhóm cổ phiếu NH. Ngoài ra, các phân tích cũng đánh giá cao sự chuyển dịch cơ cấu doanh thu từ bán buôn sang bán lẻ tạo ra kết quả tăng trưởng cao của các NH và việc yêu cầu tăng vốn theo tiêu chuẩn Basel II của NHNN. Đây sẽ là động lực để ngành NH thay đổi được mặt bằng giá với mức cao hơn.
Ông HUỲNH MINH TUẤN, 
Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán VNDirect
Cuối năm 2017, NH này đã tổ chức đấu giá bán toàn bộ phần vốn góp tại OCB nhưng bán được 12,3 triệu cổ phần cho 58 nhà đầu tư, thu về 171 tỷ đồng, và còn dư 6,6 triệu cổ phần. Đa số các nhà đầu tư đặt mua theo mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần.
Hiện Vietcombank cũng đang nắm hơn 126 triệu cổ phần tại MB, tương đương 7,91% vốn điều lệ và gần 8,2% vốn điều lệ tại Eximbank, tương đương trên 101 triệu cổ phiếu. Trước đây, Vietcombank có kế hoạch giữ lại cổ phần tại MB vì kết quả kinh doanh khả quan, còn phần vốn tại Eximbank được NHNN khuyến nghị giữ lại để hỗ trợ NH này tái cơ cấu. Tuy nhiên, cuối năm 2017, lãnh đạo Vietcombank quyết định sẽ tiến hành thoái vốn khỏi MB và Eximbank trong tháng 1-2018. 
Cuối tháng 1 vừa qua, có thông tin sau một thời gian dài cân nhắc, Thành ủy TPHCM chính thức quyết định thoái toàn bộ vốn góp tại Saigonbank (18,18% vốn điều lệ). Thông tin này đã thu hút sự chú ý của thị trường vì nếu nhà đầu tư nào có thể mua lượng lớn cổ phần này sẽ trở thành cổ đông nắm quyền chi phối tại Saigonbank.
Trong năm 2017, Vietcombank đã đấu giá thành công gần 20 triệu cổ phần nắm giữ tại Saigonbank và Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) với tổng giá trị gần 343 tỷ đồng. Khoản chênh lệch thu được ước tính khoảng 148 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ cổ phần Saigonbank. Từ đó có thể thấy, triển vọng lợi nhuận từ việc thoái vốn khỏi SaigonBank rất tốt. 
Ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2018, một số phiên đấu giá thoái vốn khỏi NH đều suôn sẻ. Theo thông báo của Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), ngày 4-1 Eximbank đã hoàn tất bán hơn 12 triệu cổ phiếu Sacombank, giảm số lượng nắm giữ xuống tương đương 5,41% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Ngày 7-2 vừa qua, MobiFone cũng đã bán đấu giá thành công toàn bộ hơn 33,4 triệu cổ phần của SeABank, tương ứng 6,11% vốn điều lệ.
Với giá khởi điểm đưa ra thấp hơn mệnh giá (9.600 đồng/cổ phần), phiên đấu giá đã thu hút 54 nhà đầu tư đăng ký mua, trong đó có 6 nhà đầu tư tổ chức. Tổng khối lượng cổ phần các nhà đầu tư đăng ký mua trong đợt đấu giá này lên đến 69,8 triệu cổ phần, gấp đôi lượng cổ phần được đấu giá. Trong đó, khối lượng đặt mua cao nhất đạt hơn 27,3 triệu cổ phiếu. Theo đó, MobiFone đã thu về hơn 333,49 tỷ đồng. 
Thoái vốn: nơi triển vọng, chỗ khó khăn ảnh 1 Giao dịch tại VCB. 
Động lực từ cổ phiếu khởi sắc
Theo Thông tư 36/2014 của NHNN, NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của NHTM đó. NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một TCTD khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác.
Việc mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác vượt quá giới hạn này chỉ được thực hiện trong những trường hợp NH mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho TCTD gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống và được NHNN chấp thuận hoặc được NHNN chỉ định theo quy định của pháp luật. Theo lộ trình, trước ngày 1-2-2016, các NH phải xây dựng phương án xử lý, biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Đồng thời, Điều 21 Nghị định 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN cũng quy định rõ các lĩnh vực DNNN không được góp vốn hoặc đầu tư trong đó có lĩnh vực NH, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp đã góp vốn, đầu tư phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.
Đứng trước quy định này, từ 3-4 năm nay, các NHTM và DNNN liên tục lên kế hoạch thoái vốn tại các NHTM.
Song đến đầu năm 2017, hoạt động này mới bắt đầu khởi sắc và thời điểm hiện tại được đánh giá là thời điểm vàng để thực hiện quy định thoái vốn khỏi NH, bởi cổ phiếu NH đang nóng trở lại. Một chuyên gia tài chính chia sẻ, Chính phủ và NHNN liên tục đốc thúc việc thoái vốn khỏi NH nhưng khi thoái vốn, NHTM hay DNNN không thể trả lại vốn cho NH đó mà phải tìm được đối tác mua lại cổ phần.
Một thời gian dài trước đây, cổ phiếu NH có thanh khoản thấp đồng thời các nhà đầu tư luôn đặt điều kiện phải bán cổ phần với giá tối thiểu bằng giá mua trước đây, tránh bị lỗ nên đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình thoái vốn. Song gần đây, cổ phiếu ngành NH bật tăng, thanh khoản tốt và một số đơn vị cũng mạnh dạn chấp nhận bán cổ phần dưới mệnh giá nên hoạt động thoái vốn diễn ra thuận lợi hơn. 

Vẫn còn ngoại lệ
Dù vậy, hiện vẫn còn một số trường hợp trắc trở trong quá trình các NHTM và DNNN thoái vốn, chủ yếu đến từ những tồn đọng nội tại của các NH. Chẳng hạn VNPT nhiều lần đấu giá thoái vốn tại Maritime Bank nhưng vẫn chưa thực hiện được do chưa có nhà đầu tư đăng ký mua.
Theo kế hoạch, MobiFone tổ chức bán đấu giá hơn 5,5 triệu cổ phần tại TPBank, tương đương 1% vốn điều lệ vào ngày 7-2. Mức giá khởi điểm chỉ 12.800 đồng/cổ phần, thấp hơn rất nhiều so với giá cổ phiếu TPBank trên sàn OTC cũng như mức giá TPBank đã bán cho quỹ đầu tư PYN Elite Fund của Phần Lan vào đầu tháng 12-2017. Tuy nhiên, phiên đấu giá đã tạm dừng vì MobiFone muốn làm rõ tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại TPBank sau khi TPBank gửi công văn đến HNX thông báo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NH đã đạt 30% vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài được phép mua trong đợt đấu giá lần này là 0%.
Một trường hợp đáng chú ý nữa là Eximbank. Mặc dù Vietcombank cho biết kế hoạch thoái vốn tại NH này thực hiện trong tháng 1-2018, tuy nhiên đã gần hết quý I vẫn chưa có thông tin cụ thể các bước tiếp theo. Trong 2 tháng qua, ảnh hưởng từ vụ việc khách hàng Chu Thị Bình mất hơn 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, cổ phiếu của Eximbank đã có nhiều phiên lao dốc mạnh.
Ngày 26-3, ngay sau khi Bộ Công an khám xét trụ sở Eximbank chi nhánh TPHCM thu giữ nhiều tài liệu và dẫn giải, khởi tố bị can đối với 2 nhân viên của NH này, giá cổ phiếu chốt phiên của Eximbank đã giảm 650 đồng so với tham chiếu, xuống còn 14.100 đồng. Theo đó, vốn hóa của Eximbank bốc hơi đến 800 tỷ đồng trong phiên này.
Với mức giá này, tổng giá trị cổ phiếu Eximbank của Vietcombank cũng mất hàng trăm tỷ đồng. Dự báo tình hình tại Eximbank sẽ còn căng thẳng kéo dài, trước tình trạng này việc thoái vốn chắc chắn sẽ kém suôn sẻ như dự kiến ban đầu của Vietcombank.

Các tin khác