Thẻ tín dụng lợi nhuận kèm rủi ro

(ĐTTCO)-Thị trường thẻ tín dụng (TTD) đang diễn ra cuộc đua khốc liệt giành thị phần của các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, đến nay các đơn vị này chỉ chú trọng giới thiệu ưu điểm, lợi ích, chưa đưa ra những quy định về trả nợ, đã khiến người dùng phải chịu nhiều khoản lãi suất và phí phạt vô tội vạ.
Thẻ tín dụng lợi nhuận kèm rủi ro
Mảnh đất màu mỡ
Từ năm 1996, TTD đã được phát hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng thẻ khá hạn chế. Những năm gần đây, qua khảo sát mức độ tiềm năng, nhiều NH mới lựa chọn đây là mảng sản phẩm cốt lõi và bắt đầu mở rộng đối tượng khách hàng. Kể từ năm 2018 đến nay, TTD chính thức trở thành cuộc đua mới của các TCTD.
Cụ thể, năm ngoái các NH liên tục công bố phát hành nhiều dòng thẻ mới, đồng thời không ngừng tung ra ưu đãi dành cho TTD. Mới đây, VietCapital Bank thông báo tặng quà kèm hoàn tiền 1% cho tất cả giao dịch chi tiêu trong thời gian 3 tháng đầu cho người mở mới thẻ Visa bằng sổ tiết kiệm. 
Tại VIB, mở TTD được miễn phí thường niên trọn đời 5 loại ra mắt cuối năm 2018, miễn lãi suất trong 3 kỳ sao kê đầu tiên, phí giao dịch ngoại tệ hấp dẫn nhất thị trường chỉ 1,75%.
Đầu năm nay, BIDV thông báo giảm phí chuyển đổi ngoại tệ từ 2,1% xuống 1%. Vietcombank cạnh tranh bằng tỷ lệ hoàn tiền mặt lên đến 1,5%. Thị trường cũng ngày càng tăng sức nóng, khi các NH nước ngoài tại Việt Nam như Shinhan Bank, Citi Bank, các công ty tài chính Home Credit, FE Credit, Lotte Finance… liên tục đẩy mạnh phát hành TTD.
Thống kê của Hiệp hội thẻ NH, mức độ tăng trưởng đáng kể về doanh số của mảng này trong năm ngoái. Cụ thể, doanh số thanh toán thẻ quốc tế tăng đến 45%, trong khi thẻ nội địa chỉ tăng 25%.
Hiện dân số Việt Nam hơn 70 triệu người trưởng thành, tốc độ tăng trưởng thu nhập và chi tiêu thuộc hàng nhanh nhất khu vực, nhưng cả nước mới có hơn 4,6 triệu TTD được phát hành. Điều này tiếp tục củng cố niềm tin các TCTD vào tiềm năng và cơ hội của mảng TTD. 
Ngoài ra, động lực để các TCTD tăng cường cạnh tranh mảng thẻ còn đến từ những con số tăng trưởng nhiều NH đã đạt được. Đơn cử, theo báo cáo thường niên năm 2018 của VPBank, TTD - sản phẩm chủ đạo trong phân khúc khách hàng cá nhân - có tốc độ tăng trưởng mạnh với khoảng 240.000 thẻ mở mới, tăng trên 20% so với năm 2017; giá trị chi tiêu thẻ tăng 65% so với năm 2017; tổng khối lượng giao dịch chiếm khoảng 18% tổng giá trị thị trường.
Đơn cử VIB, số TTD mở mới năm 2018 tăng trưởng 75%, tổng chi tiêu thẻ tăng trưởng 300%, riêng tháng 12-2018 đã đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Cân nhắc rủi ro
 Việc chạy đua mở TTD có thể tạo rủi ro cho hoạt động của NH. Bởi khi người dân không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu, do khoản cho vay của NH trong thẻ đó vẫn được tính vào khoản cấp tín dụng của NH.
TS. Bùi Quang Tín, 
Trường Đại học NH TPHCM
Trong mục tiêu thúc đẩy phát triển mảng TTD, thời gian gần đây các NH còn gia tăng việc áp chỉ tiêu mở thẻ với nhân viên. Trưởng phòng nhân sự một NH cho biết phải nhờ người thân và bạn bè để mở TTD, vì NH áp chỉ tiêu TTD cho cả bộ phận không tiếp xúc khách hàng, không trực tiếp tạo ra doanh thu như khối hành chính, văn phòng.
Theo các chuyên gia tài chính, hiện các NH đều vận hành bộ KPI cho nhân viên, tức giao chỉ tiêu huy động, cho vay, phát hành thẻ. Theo đó, các nhân viên phải chạy đua để đạt chỉ tiêu, góp phần dẫn đến sự sôi động của hoạt động phát hành TTD. Việc các TCTD tăng cường phát hành TTD dưới những hình thức như vậy, được đánh giá là giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. 
Song điều đáng lo ngại, trong khi rất nhiều người chưa am hiểu về các quy định phí và lãi suất khi sử dụng TTD, NH lại tăng cường phát hành thẻ để tăng doanh thu dịch vụ, đã đẩy rủi ro lên người dùng. Khi sử dụng TTD, khách hàng được giới thiệu về các ưu đãi, giao dịch cà thẻ được miễn lãi 45-55 ngày, nếu dùng thẻ rút tiền mặt sẽ bị tính phí 3-4%/tổng số tiền rút và tính lãi ngay lập tức.
Trong khi điều khoản quan trọng ít người biết, là khi thanh toán có 3 cách: thanh toán theo dư nợ cuối kỳ; thanh toán theo số tiền thanh toán tối thiểu để được miễn lãi cho các giao dịch thanh toán; thanh toán bất kỳ số tiền nào nhiều hơn số tiền thanh toán tối thiểu và ít hơn dư nợ cuối kỳ. Nếu thanh toán theo cách 2 và 3, từng giao dịch sẽ bị tính lãi kể từ ngày giao dịch ghi nhận trên hệ thống, đến khi giao dịch được hoàn trả theo dư nợ thực tế giảm dần theo lãi suất do TCTD quyết định. 
Chị Linh (TPHCM) cho biết, tháng 2-2019, chị rút 10 triệu đồng bằng TTD tại máy ATM và chịu phí rút tiền mặt 3% là 300.000 đồng, lãi giao dịch rút tiền mặt 31.233 đồng. Tính cả cà thẻ, chị chi tiêu tổng cộng 11.532.000 đồng trong tháng 2. Đến hạn trả nợ, do sơ sót trong chuyển tiền chị nợ lại hơn 383.000 đồng.
Theo đó, sao kê thẻ tháng 3 ghi nhận lãi giao dịch tiền mặt hơn 122.500 đồng, lãi giao dịch không phải rút tiền mặt hơn 33.400 đồng. Khi hỏi NH, chị mới vỡ lẽ, nếu đến hạn thanh toán nộp thiếu 1.000 đồng cũng sẽ bị tính lãi trên tổng số tiền đã sử dụng. Đồng thời, tính từ thời điểm bị nợ 1.000 đồng đó, các giao dịch qua TTD tiếp theo cũng không được miễn lãi 45 ngày. Đây là quy định nằm trên hợp đồng mở TTD nhưng nhân viên hỗ trợ mở thẻ thường không tư vấn cho khách hàng. 
Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, các TCTD cần xem lại việc giao chỉ tiêu cho nhân viên, không nên quá chạy đua để tạo rủi ro cho hoạt động kinh doanh của NH. Bởi đối với các NH, khi người dân không trả được nợ đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu, do khoản cho vay của NH trong thẻ đó vẫn được tính vào khoản cấp tín dụng của NH. 

Các tin khác